Từng là Thủ tướng tại vị lâu nhất Hà Lan với 14 năm nắm quyền, ông Mark Rutte được đánh giá là chính trị gia lão luyện. Nhưng cương vị Tổng thư ký khối quân sự NATO không phải là điều dễ dàng với ông Mark Rutte.
Tân Tổng thư ký NATO Mark Rutte (trái) và người tiền nhiệm Jens Stoltenberg trong buổi họp báo tại trụ sở liên minh ở Brussels, Bỉ, ngày 1/10. (Nguồn: Reuters) |
Chính thức ngồi vào chiếc ghế của người tiền nhiệm Jens Stoltenberg hôm 1/10, trên bàn làm việc của ông Mark Rutte là danh sách dày những thách thức mà NATO đang phải đối mặt.
Trước hết là kế hoạch cải tổ đầy tham vọng triển khai mô hình lực lượng mới để bảo vệ châu Âu cũng như các thành viên NATO một cách hiệu quả. Tiếp đó là việc duy trì khả năng hỗ trợ quân sự cho Ukraine và bảo đảm sự liên kết chặt chẽ của Mỹ với châu Âu. Mục tiêu trên chỉ có thể đạt được khi có sự đồng thuận trong liên minh, bởi năng lực của NATO không chỉ phụ thuộc vào sức mạnh quân sự, mà còn phụ thuộc vào sự thống nhất về chính trị.
Tuy nhiên, đây lại là lúc mà nội bộ NATO còn nhiều tranh cãi. Chẳng hạn như để tăng cường phòng thủ sườn phía Đông, NATO cần phải thuyết phục các thành viên di chuyển nhiều hơn các khí tài quân sự về hướng này, điều mà không phải nước nào cũng thống nhất vì ảnh hưởng đến tiềm lực quân sự của mình.
Hay như việc hỗ trợ quân sự cho Ukraine, NATO liên tục gặp phải sự phản đối của Hungary và gần đây có thêm Slovakia, những thành viên cho rằng cần phải tìm giải pháp chính trị chứ không phải quân sự cho cuộc xung đột Nga-Ukraine.
Trong khi đó, mối liên kết xuyên Đại Tây Dương đang đứng trước nguy cơ suy giảm nếu như cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, một nhân vật vốn không có nhiều thiện cảm đối với sự tồn tại của NATO, trở lại nắm quyền sau cuộc bầu cử vào tháng 11/2024.
Kinh nghiệm trong việc quản lý liên minh cầm quyền ở Hà Lan chưa phải là sự bảo đảm chắc chắn cho thành công của ông Mark Rutte trong vai trò người cầm lái một liên minh gồm tới 32 quốc gia như NATO.
Nguồn: https://baoquocte.vn/thach-thuc-nguoi-cam-lai-nato-288592.html