SGGP
Tỷ lệ triển khai mạng 5G ở Malaysia hiện nay đã đạt 62,1%, và mục tiêu kỳ vọng trong năm 2023 là sẽ bao phủ 80% khu vực dân cư. Tuy nhiên, việc triển khai phủ sóng 5G thần tốc của Malaysia đang đặt ra một lỗ hổng an ninh mạng.
Malaysia đang triển khai thần tốc mạng 5G. Ảnh: Nikkei Asia |
Tiến trình triển khai mạng 5G ở Malaysia là một phần trong Kế hoạch Kỹ thuật số quốc gia bắt đầu triển khai từ quý 1-2023, với số vốn đầu tư lên tới 8 tỷ RM (khoảng 1,7 tỷ USD). Theo Bộ trưởng Truyền thông và Kỹ thuật số Malaysia Fahmi Fadzil, tính đến ngày 31-5, tỷ lệ triển khai mạng 5G tại quốc gia Đông Nam Á này đã đạt mức 62,1%, với 5.058 điểm phát sóng, tăng 2,6% so với báo cáo được đưa ra hồi cuối tháng 4-2023 (59,5%).
Tuy nhiên, thời gian gần đây, Malaysia liên tục bị tấn công bởi các vụ vi phạm dữ liệu lớn và các cuộc tấn công bằng mã độc tống tiền đang đặt ra một lỗ hổng an ninh mạng. Chỉ trong năm ngoái, các sự cố đã liên quan đến người tiêu dùng và doanh nghiệp, bao gồm cả hãng hàng không giá rẻ AirAsia, làm rò rỉ dữ liệu cá nhân của hàng triệu người Malaysia. Theo chuyên gia Sean Duca, Giám đốc an ninh của Palo Alto Networks ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương và Nhật Bản, việc áp dụng 5G tăng lên và sự dịch chuyển từ cơ sở hạ tầng cốt lõi dựa trên phần cứng sang cơ sở hạ tầng dựa trên đám mây nhiều hơn, sẽ tạo ra những lỗ hổng bảo mật. Tin tặc sẽ có nhiều lựa chọn hơn nhờ việc mở rộng sử dụng các mạng di động riêng và tăng cường truy cập mạng từ các nhà cung cấp bên ngoài. Đối với người dùng và nhà cung cấp dịch vụ viễn thông, các thách thức an ninh mạng mới của mạng 5G sẽ xuất hiện do tốc độ tăng lên, thời gian phản hồi nhanh hơn và dung lượng tăng lên. Trong khi đó, theo bà Sandra Lee, Giám đốc điều hành khu vực Đông Nam Á và Hàn Quốc của Công ty an ninh mạng Sophos, hiện tại, Malaysia không có đạo luật an ninh mạng và không có luật cụ thể nào giải quyết các vấn đề về không gian mạng trong nước.
Nhằm tăng cường khả năng phòng thủ trên mạng, trong ngân sách quốc gia năm 2023, Chính phủ Malaysia đã phân bổ 10 triệu ringgit (2,2 triệu USD) cho Trung tâm Ứng phó lừa đảo quốc gia (NSRC) để giải quyết tốc độ gia tăng của tội phạm mạng. Ngoài ra, Bộ trưởng Truyền thông và Kỹ thuật số Malaysia Fahmi Fadzil cho biết, chính phủ đang tăng cường an ninh mạng để vô hiệu hóa các mối đe dọa của những kẻ lừa đảo và tin tặc, đồng thời sẽ thực hiện các sửa đổi pháp lý quan trọng để cải thiện an ninh mạng, bao gồm sửa đổi Đạo luật bảo vệ dữ liệu cá nhân năm 2010.
Tuy nhiên, đây mới chỉ là bước đầu. Một thách thức lớn khác của Malaysia là thiếu nhân tài an ninh mạng. Theo Bộ Truyền thông và Kỹ thuật số, chỉ có 13.851 nhân viên có kiến thức về an ninh mạng ở Malaysia, không đủ để xử lý các mối đe dọa an ninh mạng đang gia tăng. Ủy ban Truyền thông và Đa phương tiện Malaysia (MCMC) ngày 4-6 vừa qua đã thông báo về việc nhận được 785 báo cáo về lừa đảo trực tuyến thành công liên quan đến các ứng dụng, mạng xã hội trong thời gian từ đầu tháng 1 đến ngày 25-5. Điểm yếu thiếu nhân tài cũng có thể là một lỗ hổng bảo mật mà tội phạm mạng có thể khai thác.