Trong bài viết đăng trên Hindustan Times, học giả Ấn Độ Rahul Mishra* cho rằng ASEAN dường như đang chuyển sang một giai đoạn mà khối này sẽ hành động nhiều hơn là việc chỉ “phòng vệ” đối với Trung Quốc.
Theo tác giả, Biển Đông từ lâu đã trở thành tâm điểm chú ý toàn cầu do sự leo thang căng thẳng giữa các siêu cường, tranh chấp lãnh thổ và các động thái của Trung Quốc trong khu vực, trong đó có việc công bố cái gọi là “bản đồ tiêu chuẩn năm 2023”, bao gồm thêm vùng lãnh thổ trên Biển Đông. Bản đồ này cũng tuyên bố một cách phi pháp một số vùng lãnh thổ đang tranh chấp với Ấn Độ – điều khiến Malaysia, Indonesia, Philippines và Ấn Độ phản đối mạnh mẽ.
Các nhà lãnh đạo tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN-Ấn Độ lần thứ 20 trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao ASEAN-43 và các Hội nghị liên quan tại Jakarta, Indonesia. (Ảnh: Anh Sơn) |
Trung Quốc vốn được biết đến với việc triển khai hai chiến lược song song trên Biển Đông. Một mặt tham gia cuộc đối thoại kéo dài với các quốc gia ASEAN về Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (CoC), mặt khác không ngừng theo đuổi chiến lược “cắt lát salami”, cải tạo đảo và tăng cường hoạt động vùng xám ở Biển Đông. Điều này đặt ra thách thức đối với ổn định khu vực, có ảnh hưởng trực tiếp đến ASEAN, đặc biệt trong bối cảnh đòi hỏi khả năng giải quyết vấn đề một cách hòa bình.
Bài viết nhận định, các chiến thuật vùng xám của Trung Quốc ở Biển Đông đã được tăng cường dưới thời Tổng Bí thư Tập Cận Bình nắm quyền. Từ năm 2013, Bắc Kinh đã triển khai đáng kể trong các hoạt động san lấp đảo và quân sự hóa các hòn đảo này. Trung Quốc tăng cường sử dụng lực lượng dân quân biển đe dọa các quốc gia ASEAN có yêu sách ở Biển Đông. Sự việc mới nhất là việc cảnh sát biển Philippines bị tàu Trung Quốc phun vòi rồng tại những khu vực trên biển này.
Cộng đồng quốc tế lên án việc Trung Quốc sử dụng vòi rồng nhằm vào Philippines. Bộ Ngoại giao Philippines chỉ trích hành động của Trung Quốc, gọi đây là hành vi làm suy yếu nỗ lực củng cố lòng tin giữa Manila và Bắc Kinh. Tác giả cho rằng, Trung Quốc đã làm leo thang căng thẳng bằng cách phát hành một bản đồ gây tranh cãi tuyên bố chủ quyền ở hầu hết Biển Đông, Biển Hoa Đông, Đài Loan và các khu vực bao quanh lãnh thổ rộng lớn bao gồm cả phần của Ấn Độ.
Trong lịch sử, hầu hết các quốc gia thành viên của ASEAN đã sử dụng “biện pháp phòng vệ” như một chiến lược trong việc đối phó với Trung Quốc, trong khi cùng một lúc ASEAN ưu tiên cả việc “tránh xung đột” và “quản lý xung đột” như những công cụ song song để quản lý tranh chấp tại Biển Đông. Theo chuyên gia Ấn Độ, cả hai chiến lược này đều đã đạt được kết quả không tối ưu trong việc kiểm soát hành vi của Trung Quốc, đặc biệt là những hành động đơn phương ở Biển Đông.
Trong khi Trung Quốc đã trở thành đối tác thương mại quan trọng nhất đối với các quốc gia ASEAN, Mỹ vẫn là đối tác an ninh quan trọng đối với nhiều quốc gia ven biển, còn các quốc gia chủ chốt thuộc Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản, Australia và Ấn Độ cũng đóng vai trò quan trọng trong việc giữ ổn định an ninh trong khu vực. Sự biến động địa chính trị nhanh chóng đã dẫn đến nhận thức thay đổi về Trung Quốc, điều được phản ánh rõ trong tuyên bố của Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long tại Hội nghị Tương lai châu Á ngày 5/10/2023.
Ông nói, “Mỹ đã chiếm ưu thế ở khu vực này, đồng thời tạo cho các quốc gia không gian để tăng trưởng, phát triển và cạnh tranh với nhau một cách hòa bình và không bị chèn ép hay áp đặt. Và đó là lý do tại sao họ vẫn được chào đón sau nhiều năm. Và nếu Trung Quốc có thể đạt được điều gì đó tương tự, tôi nghĩ khu vực có thể trở nên thịnh vượng”.
Tuyên bố này, theo học giả Rahul Mishra, tóm lược quan điểm của ASEAN và hầu hết các quốc gia thành viên về cả Trung Quốc và Mỹ.
Sự hung hăng gia tăng của Trung Quốc ngày càng được coi là một mối lo ngại an ninh ngay tức thì, trong khi những nghi ngờ về tư cách đối tác đáng tin cậy của Mỹ cũng lại nổi lên. Rõ ràng, sự vắng mặt của Tổng thống Joe Biden tại Hội nghị cấp cao Đông Á tại Jakarta là một dấu hiệu đáng lưu tâm. ASEAN vẫn do dự trong việc công khai thể hiện sự đồng lòng với Mỹ, ngay cả khi sự phụ thuộc kinh tế và lo ngại về kích động căng thẳng với Trung Quốc tiếp tục làm trở ngại cho những nỗ lực của ASEAN.
Hơn nữa, khối gặp khó khăn trong việc đưa ra một quan điểm đồng nhất để bảo vệ lợi ích chung của mình. Sau khi Trung Quốc công bố “bản đồ tiêu chuẩn năm 2023”, ASEAN không phát tuyên bố chung. Thay vào đó, nhiều quốc gia thành viên đã đưa ra các tuyên bố riêng. Philippines dưới thời Tổng thống Bongbong Marcos đã nâng cao chính sách đối ngoại quyết đoán hơn đối với Trung Quốc và xem xét lại mối liên minh với Mỹ.
Việc các quốc gia Đông Nam Á rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan khi đối phó với Trung Quốc, đồng thời tiếp tục thận trọng trong việc thể hiện quan điểm của mình về Biển Đông là điều dễ hiểu. Tuyên bố gần đây của Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim về vấn đề này là một ví dụ điển hình. Malaysia đã phê phán Trung Quốc sau khi nước này công bố bản đồ. Mặc dù vậy, sau đó, nhà lãnh đạo Malaysia lại tỏ ra mềm dịu với lời giải thích của Trung Quốc.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam, Đại tướng Phan Văn Giang (thứ hai, từ phải sang) dẫn đầu Đoàn đại biểu quân sự cấp cao Việt Nam tham dự Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng lần thứ 9 tại Campuchia, 3-5/12/2023. (Nguồn: TTXVN) |
Theo nhà nghiên cứu Rahul Mishra, tình trạng lưỡng lự này xuất phát từ hành động của Trung Quốc khi vừa đòi hỏi quyền lãnh thổ vừa thể hiện cam kết chân thành trong việc giải quyết những bất đồng, khác biệt. Đây là một trong những lý do khiến bất kỳ tuyên bố hoặc nỗ lực làm dịu những lo ngại của các quốc gia Đông Nam Á thường được chấp nhận mà không gặp phải sự kháng cự đáng kể nào.
Tuy nhiên, ông Rahul Mishra cho rằng, ASEAN dường như đang chuyển sang một giai đoạn mà khối này sẽ hành động nhiều hơn là việc chỉ chỉ “phòng vệ” đối với Trung Quốc. Việc tăng cường các mối quan hệ quốc phòng và an ninh song phương và đa phương với Mỹ, Nhật Bản, EU, Australia và Ấn Độ, đồng thời cố gắng xây dựng một lập trường ASEAN thống nhất, đã chứng minh cho chiến lược này. Diễn tập đoàn kết ASEAN – cuộc tập trận quân sự chung ASEAN lần đầu tiên và việc thiết lập Tầm nhìn hàng hải ASEAN thể hiện sự quyết tâm của ASEAN trong việc quan tâm hơn đến những thách thức mà khối phải đối mặt ở Biển Đông cũng như khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương rộng lớn hơn.
Tuyên bố năm 2010 của nhà lãnh đạo Trung Quốc Dương Khiết Trì về sự chênh lệch quyền lực giữa Trung Quốc và các quốc gia Đông Nam Á vẫn còn phù hợp cho đến ngày nay. Trong bài phát biểu tại Diễn đàn Khu vực ASEAN lần thứ 17 tại Hà Nội (Việt Nam) với tư cách là Ngoại trưởng Trung Quốc, ông khẳng định: “”Trung Quốc là một nước lớn và các nước khác là các nước nhỏ, đó là một thực tế”. Những thách thức từ Trung Quốc đang khiến nhiều nước trong khu vực phải xem xét lại lập trường của mình đối với Trung Quốc.
Chuyên gia Rahul Mishra nhận định, trong khi ASEAN thừa nhận những thách thức do Trung Quốc đặt ra, việc tìm ra cách tiếp cận thỏa đáng để giải quyết tranh chấp Biển Đông vẫn khó nắm bắt. Các quốc gia thành viên ngày càng dựa vào quan hệ đối tác bên ngoài và xây dựng các phản ứng riêng lẻ. Tuy nhiên, giải pháp cuối cùng cho vấn đề Biển Đông và tình thế tiến thoái lưỡng nan của Trung Quốc phải đến từ chính khối ASEAN.
* Nghiên cứu viên chính, Chương trình Nghiên cứu và tiếp cận Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, điều phối viên, Chương trình Nghiên cứu châu Âu, Đại học Malaya, Malaysia.