(MPI) – Đây là chủ đề của Hội nghị lần thứ 5 của Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ diễn ra chiều ngày 02/12/2024 dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng tham dự và phát biểu tại Hội nghị.
Hội nghị lần thứ 5 của Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ. Ảnh: TTXVN |
Hội nghị tập trung đánh giá tình hình kinh tế – xã hội vùng Đông Nam Bộ năm 2024, giải pháp phát triển năm 2025; tình hình triển khai các dự án động lực vùng Đông Nam Bộ; cơ chế và việc huy động nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, các dự án liên vùng kết nối giao thông khu vực Đông Nam Bộ; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực công nghệ cao vùng Đông Nam Bộ; đặc biệt là giải pháp tháo gỡ những vướng mắc trong việc triển khai các chương trình, dự án trọng điểm.
Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã báo cáo tình hình kinh tế – xã hội vùng Đông Nam Bộ; tình hình triển khai kế hoạch của Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ năm 2024, các khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện các nhiệm vụ các Bộ, địa phương; Tiến độ triển khai các dự án trọng điểm.
Về dự kiến kế hoạch hoạt động của Hội đồng vùng năm 2025, trong đó về công tác tuyên truyền, tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục chỉ đạo các cấp, các ngành phối hợp tốt với các cơ quan thông tấn, báo chí để tuyên truyền, phổ biến thông tin về Nghị quyết số 24-NQ/TW, Nghị quyết số 154/NQ-CP, các chương trình/kế hoạch hành động của bộ, ngành, địa phương; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số và áp dụng nhiều hình thức, phương thức truyền thông đa dạng để đạt hiệu quả cao nhất.
Về tiếp tục triển khai các nhiệm vụ, các bộ, địa phương tiếp tục triển khai các nhiệm vụ đã giao trong năm 2024 và đề xuất các nhiệm vụ cần thiết cho hoạt động của Hội đồng điều phối vùng trong năm 2025, trong đó tập trung rà soát đẩy nhanh tiến độ các Đề án đã quá thời hạn giao tại Nghị quyết số 154/NQ-CP ngày 18/6/2022 của Chính Phủ.
Đẩy nhanh tiến độ phê duyệt một số dự án trọng điểm đã có chủ trương đầu tư và đã giao kế hoạch trung hạn giai đoạn 2021-2025 để triển khai trong năm 2025; nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư đối với các dự án dự kiến thực hiện trong giai đoạn 2026-2030.
Các Bộ cần nghiên cứu đề xuất các chuyên đề liên kết vùng thông qua các một số lĩnh vực lớn trong phát triển vùng Đông Nam Bộ như kết nối hạ tầng giao thông, chuyển đổi số, logistic, cảng biển,… đã được định hướng tại Nghị quyết số 24-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: MPI |
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với Bộ, ngành liên quan, Thành phố Hồ Chí Minh hoàn thiện trình Bộ Chính trị và được Bộ Chính trị đồng ý chủ trương đối với Đề án xây dựng Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam, trong đó có nội dung về thành lập Trung tâm tài chính quốc tế toàn diện tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Đồng thời, đánh giá cao Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã hoàn thành rà soát trình cấp có thẩm quyền sửa đổi các Luật Đầu tư công, Luật sửa đổi 04 luật theo hướng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, đơn giản hóa trình tự, thủ tục đúng tinh thần địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các bộ, địa phương liên quan nghiên cứu, tiếp thu tối đa các ý kiến, hoàn thiện và sớm trình ban hành Kết luận Hội nghị.
Trong năm 2024, kinh tế Vùng Đông Bộ có nhiều điểm sáng, tình hình kinh tế – xã hội vùng Đông Nam Bộ tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực, đạt nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực, cao hơn cùng kỳ năm 2023.
Trong đó, tổng thu ngân sách nhà nước của toàn Vùng ước đạt trên 733.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 42,2% tổng thu cả nước (tăng 3,6% so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao); 5/6 địa phương tăng thu. Xuất khẩu phục hồi tích cực, ước đạt 115,7 tỷ USD, chiếm 31% kim ngạch xuất khẩu cả nước, tăng 11%.
Vùng tiếp tục dẫn đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài; tính đến ngày 31/10/2024 có trên 21.000 dự án và đạt trên 189 tỷ USD; trong đó thành phố Hồ Chí Minh đứng đầu cả nước, chiếm gần 32,2% số dự án và gần 12% tổng số vốn đăng ký. Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và trở lại hoạt động cao nhất trong 6 vùng kinh tế – xã hội, ước tăng 9,8%.
Nhiều dự án trọng điểm trong Vùng đang khẩn trương hoàn thành, nhiều dự án quan trọng khác cũng đang đẩy nhanh tiến độ đầu tư và chuẩn bị hoàn thành các thủ tục đầu tư.
Về các dự án trọng điểm liên vùng, Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao sự tích cực vào cuộc của các Bộ, ngành địa phương đến nay đã hoàn thành được một số nhiệm vụ lớn; Đánh giá cao tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã nỗ lực thúc đẩy thực hiện đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu đoạn qua Vũng Tàu sáng nay chúng ta đã đi thực tế, hiện có hơn 90% diện tích mặt đường được rải đá răm, dự kiến thông xe kỹ thuật toàn tuyến dịp 30/4/2025, sớm hơn 8 tháng so với thời hạn Chính phủ giao và vượt khoảng 4 tháng so với cam kết ban đầu của nhà thầu và có thể đưa vào khai thác sớm.
Ngoài ra, nhiều dự án trọng điểm khác đang khẩn trương hoàn thành như cao tốc Bến Lức – Long Thành, Dự án Xây dựng Nhà ga Hành khách T3 – Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, nhiều dự án cũng đang đẩy nhanh tiến độ đầu tư và chuẩn bị hoàn thành các thủ tục đầu tư.
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ghi nhận, đánh giá cao và biểu dương sự nỗ lực và những kết quả quan trọng của vùng Đông Nam Bộ và các địa phương trong Vùng thời gian qua, đóng góp quan trọng cho thành tựu chung của đất nước.
Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, bên cạnh những kết quả đạt được vùng Đông Nam Bộ còn những hạn chế, bất cập và tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức; tốc độ phát triển GRDP vùng Đông Nam Bộ đang có xu hướng chậm lại. Đến hết ngày 30/11/2024, giải ngân của cả vùng thấp hơn so bình quân chung cả nước.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh đến những khó khăn, thách thức trong phát triển công nghiệp, hạ tầng giao thông kết nối cảng, hệ sinh thái dịch vụ logistic. Hạ tầng giao thông kết nối, đặc biệt là hệ thống cảng còn những điểm nghẽn. Tiến độ triển khai các nhiệm vụ của Hội đồng điều phối vùng còn chậm, nhiều đề án, nhiệm vụ còn chưa triển khai.
Đề cập đến tiến độ triển khai các nhiệm vụ của Hội đồng điều phối vùng, Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương tích cực, chủ động triển khai các hoạt động điều phối vùng, các dự án vùng và liên vùng. Xác định công tác điều phối thực hiện các dự án vùng, liên vùng, dự án trọng điểm quốc gia là nhiệm vụ trọng tâm để tập trung chỉ đạo, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để hoàn thành các dự án đúng tiến độ.
Tiếp tục triển khai các hoạt động của Hội đồng điều phối vùng một cách thiết thực, hiệu quả, theo chức năng, nhiệm vụ đã được giao, nâng cao vai trò điều phối, liên kết của Hội đồng điều phối vùng, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các tỉnh, thành phố, khắc phục các điểm nghẽn phát triển. Phát huy vai trò và hiệu quả hoạt động tham mưu của các Tổ điều phối cấp Bộ, Tổ điều phối cấp tỉnh.
Để thực hiện mục tiêu toàn vùng đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế 2 con số mỗi năm, Thủ tướng đề nghị các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục triển khai các nhiệm vụ đã giao trong năm 2024 và đề xuất các nhiệm vụ cần thiết cho hoạt động của Hội đồng điều phối vùng trong năm 2025; tiếp tục hoàn thiện thể chế, tháo gỡ điểm nghẽn, khơi thông cho phát triển; làm mới 3 động lực tăng trưởng truyền thống là đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng; thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới như kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức, kinh tế ban đêm; tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là các ngành mới nổi; thay đổi, cơ cấu lại công tác quản trị theo hướng thông minh, sử dụng công nghệ số; tăng cường quản lý an ninh, trật tự, chống tiêu cực, lãng phí; nghiên cứu, đề xuất các cơ chế chính sách, tháo gỡ khó khăn cho phát triển.
Tiếp tục triển khai các hoạt động của Hội đồng điều phối vùng một cách thiết thực, hiệu quả, theo chức năng, nhiệm vụ đã được giao, nâng cao vai trò điều phối, liên kết của Hội đồng điều phối vùng, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các tỉnh, thành phố, khắc phục các điểm nghẽn phát triển.
Các Bộ, địa phương tập trung giải ngân số vốn đã được giao, phải tháo gỡ ngay các khó khăn trong giải phóng mặt bằng, về nguồn nguyên vật liệu sớm đưa nguồn vốn hấp thụ vào nền kinh tế.
Các Bộ, địa phương nghiên cứu, lựa chọn các dự án vùng và có tính chất vùng quan trọng, cấp bách theo các Nghị quyết của Bộ Chính trị và theo quy hoạch Vùng để ưu tiên nguồn vốn bố trí trong kế hoạch trung hạn 2026-2030, trong đó dành nguồn vốn phù hợp để làm công tác chuẩn bị đầu tư trong năm 2025 để triển khai thực hiện trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2026-2030. Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư trên cơ sở nguyên tắc tiêu chí phân bổ vốn được Quốc hội thông qua, sớm hướng dẫn các địa phương triển khai kế hoạch trung hạn 2026-2030. Các địa phương có nguồn thu lớn cần tập trung nguồn lực cùng với nguồn ngân sách trung ương tập trung cho các dự án để tăng tốc, bứt phá, tháo gỡ điểm nghẽn về hạ tầng vùng giai đoạn tới.
Các địa phương cần cơ cấu lại ngành công nghiệp của mình để tạo đột phá về năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh, xây dựng chiến lược phát triển sản phẩm công nghiệp xuất khẩu chủ lực của địa phương gắn với phát triển thương hiệu đi đôi với chất lượng đạt chuẩn quốc tế.
Các Bộ, ngành nghiên cứu, cập nhật để tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật để phán ảnh đúng thực tiễn phát triển kinh tế – xã hội, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. Đặc biệt đối với Vùng Đông Nam trong đó hạt nhân là Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương đi đầu trong thử nghiệm các chính sách mới trước khi nhân rộng ra cả nước.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tin tưởng, với quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền, hệ thống chính trị và nhân dân các địa phương trong vùng sẽ thực hiện thành công mục tiêu đề ra; cùng cả nước bước sang kỷ nguyên mới – kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, giàu mạnh và thịnh vượng, nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc./.
Nguồn: https://www.mpi.gov.vn/portal/Pages/2024-12-2/Tang-truong-kinh-te-2-con-so-vung-Dong-Nam-Bo-nam-sw5h2x.aspx