– Thạch đen là một sản phẩm nối tiếng của Lạng Sơn. Để nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm, đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường, cơ sở sản xuất Thạch Chu Hạnh, thị trấn Na Sầm, huyện Văn Lãng đã nghiên cứu và cho ra mắt sản phẩm thạch ống nứa. Đây là một món ngon, độc đáo, mang hương vị rất riêng của núi rừng xứ Lạng.
Để tìm hiểu về thạch ống nứa, chúng tôi có dịp đến thăm cơ sở sản xuất Thạch Chu Hạnh, tại thị trấn Na Sầm, huyện Văn Lãng. Trong lúc đang tỉ mỉ lựa chọn, cắt thân cây nứa thành từng ống nhỏ, chị Chu Thị Hạnh, chủ cơ sở cho biết: Gia đình tôi đã kinh doanh sản phẩm thạch đen từ năm 2009. Đến năm 2020, Thạch Chu Hạnh là sản phẩm OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm) 3 sao cấp tỉnh; tháng 11/2022, cơ sở của tôi đã cho ra mắt sản phẩm thạch ống nứa và được đông đảo khách hàng đón nhận. Hiện nay, trung bình mỗi ngày, cơ sở bán ra thị trường khoảng 500 ống, với 21 đại lý phân phối từ Nam ra Bắc.
Quy trình làm thạch ống nứa
Thạch ống nứa được làm từ những nguyên liệu dân dã, bình dị như cây thạch đen, ống nứa, bột năng và đường. Để làm được những chiếc thạch ống nứa thơm ngon, đầu tiên phải chọn được loại cây nứa có độ già khoảng 1 năm tuổi, vỏ xanh bóng, không bị sâu bệnh. Sau khi chọn được cây nứa phù hợp, người làm sẽ tiến hành cắt thân cây nứa thành từng ống nhỏ, có độ dài khoảng 20 cm. Tiếp đó, ống nứa được mang đi rửa sạch và đun sôi với nước đến khi ống nứa ngả màu vàng. Việc ống nứa được đun sôi sẽ giúp khử trùng, làm ống nứa dai, mềm hơn, tránh nứt vỡ.
Công đoạn quan trọng nhất trong quá trình làm thạch ống nứa chính là bước sơ chế cây thạch đen. Để sản phẩm cho chất lượng thơm ngon nhất, người chế biến cần chọn được loại thạch đen trồng trên nương. Sau đó, cây thạch sẽ được mang đi rửa sạch và cho vào máy nghiền nhỏ để giúp cây dễ nhừ hơn trong quá trình đun nấu. Để loại bỏ hết các tạp chất và cho ra nước cốt sạch trong, người làm sẽ tiến hành đun thô và lọc nhiều lần trước khi đun nước cốt thạch. Thông thường, công đoạn này sẽ mất từ 5 đến 6 tiếng đồng hồ.
Sau khi đã hoàn thành các bước sơ chế, người chế biến sẽ đun nước cốt thạch đen thêm 7 tiếng đồng hồ. Trong quá trình đun, người làm sẽ tiến hành cho bột năng để tạo chất kết dính cho thạch và cho thêm đường để tăng hương vị cho sản phẩm. Để các nguyên liệu hòa quyện với nhau và giúp thạch không bị vón cục, người làm đảo đều tay liên tục. Sau khi đun hỗn hợp nước cốt thạch, người chế biến sẽ cho hỗn hợp nước cốt thạch vào từng ống nứa và đợi đến khi thạch nguội, đông lại là có thể sử dụng được.
Ưu điểm của sản phẩm thạch ống nứa so với thạch hộp thông thường không chỉ dừng lại ở việc tiện lợi trong sử dụng, nguyên liệu thuần tự nhiên, thân thiện với môi trường mà còn ở thời gian bảo quản. Theo đó, khi thạch được vào ống nứa sẽ dễ dàng hơn trong quá trình hút chân không, hạn chế sản phẩm tiếp xúc với không khí, từ đó hạn chế nấm mốc và giúp thời gian bảo quản của sản phẩm dài hơn. Ở nhiệt độ thường, thạch ống nứa có thể để được từ 3 đến 4 ngày. Nếu bảo quản trong nhiệt độ lạnh, thời gian bảo quản của sản phẩm có thể lên đến 1 tuần. Nhờ đó, thạch ống nứa đã đáp ứng được yêu cầu về vận chuyển, sẵn sàng phục vụ nhu cầu của khách hàng, mở rộng thị trường tiêu thụ ra các tỉnh thành khác.
Chị Hoàng Thanh Hằng, quận Nam Từ Liêm, thành phố Hà Nội cho biết: Tôi đã có cơ hội được nếm thử thạch ống nứa của cơ sở sản xuất Thạch Chu Hạnh tại điểm trưng bày – kết nối – hỗ trợ tiêu thụ nông sản, thành phố Hà Nội. Tôi rất ấn tượng với hương vị mát lành, ngọt thanh của sản phẩm, đặc biệt là sự tiện lợi trong quá trình thưởng thức. Hơn nữa, sản phẩm còn được làm từ các nguyên liệu tự nhiên khiến tôi rất an tâm khi dùng.
Chị Chu Thị Hạnh, chủ cơ sở sản xuất Thạch Chu Hạnh, thị trấn Na Sầm, huyện Văn Lãng thực hiện công đoạn hút chân không cho sản phẩm thạch ống nứa
Hiện nay, sản phẩm thạch ống nứa của cơ sở sản xuất Thạch Chu Hạnh đã được phân phối đến 21 đại lý từ Bắc vào Nam. Nếu muốn thưởng thức sản phẩm độc đáo này, thực khách có thể tìm mua tại các điểm trưng bày – kết nối – hỗ trợ tiêu thụ nông sản, cửa hàng OCOP… tại một số tỉnh, thành phố như: Hà Nội, Quảng Ninh, Bắc Giang, Quy Nhơn (Bình Định)…
Bà Lô Thị Kim Oanh, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Văn Lãng cho biết: Sản phẩm thạch ống nứa của cơ sở sản xuất Thạch Chu Hạnh đã góp phần nâng cao giá trị sản phẩm thạch đen của địa phương. Ngoài ra, việc tận dụng được nguồn nguyên liệu sẵn có như cây nứa, cơ sở đã góp phần tạo ra thu nhập cho người dân. Mặc dù chỉ mới được đưa ra thị trường từ tháng 11/2022 nhưng với nhiều ưu điểm vượt trội, thạch ống nứa đã được đông đảo khách hàng yêu thích và trở thành một sản phẩm tiềm năng của địa phương.
Với sự độc đáo, mới lạ và hương vị thơm ngon, thạch ống nứa đã góp phần nâng giá trị sản phẩm thạch đen của Lạng Sơn. Tin tưởng rằng, với nỗ lực của cơ sở sản xuất Thạch Chu Hạnh trong việc cải tiến, nâng cấp sản phẩm theo hướng bền vùng từ việc sử dụng những nguyên liệu thuần tự nhiên, sản phẩm thạch ống nứa sẽ còn tiếp tục nhận được sự yêu thích của khách hàng và góp phần đưa nền ẩm thực xứ Lạng vươn xa hơn nữa.