Trong một buổi sáng mùa thu êm dịu, chúng tôi gặp gỡ Thạc sĩ Lê An Na tại một quán cà phê nhỏ giữa lòng Thành phố Hà Nội. Không khí buổi sớm trong lành, tiếng nhạc jazz nhẹ nhàng vang lên, tạo nên một không gian thư thái nhưng đầy sâu lắng.
Với phong thái tự nhiên và phong cách tinh tế trong giao tiếp, cô An Na nhanh chóng khiến chúng tôi cảm thấy gần gũi và cởi mở. Những câu chuyện ngắn, những kỷ niệm… qua từng giọt cà phê, câu chuyện của cô dần hé mở, dẫn chúng tôi từ những ký ức tuổi thơ đầy tò mò về nghi thức và phong thái đến hành trình trở thành một trong những chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực đào tạo về Etiquette (nghi thức giao tiếp quốc tế) nói riêng và lĩnh vực văn hóa nói chung.
Chào thạc sĩ Lê An Na, cô có thể chia sẻ thêm, điều gì đã thúc đẩy cô theo đuổi lĩnh vực nghi thức và phong thái?
Thạc sĩ Lê An Na: Ngay từ khi còn nhỏ, tôi đã bị cuốn hút bởi mọi sự tinh tế, chỉn chu và gọn gàng, ngăn nắp. Tôi cho rằng, như là tính cách bẩm sinh, nó diễn ra với tôi một cách tự nhiên, mọi lúc mọi nơi trong cuộc sống. Khi đó, tôi cũng không có định nghĩa rõ ràng về phong thái hay nghi thức, đơn giản đó là tính cách và sở thích, thói quen của tôi. Lớn hơn một chút, tôi bắt đầu chú ý hơn về cách bày biện, sắp xếp trong nhà như góc học tập, bình hoa, bàn ghế… từ những buổi tiệc gia đình hay những lần gặp gỡ đông người, khi tôi luôn tò mò về cách mọi người giao tiếp, cách họ chào hỏi và ứng xử với nhau.
Tôi nhớ rằng khi còn nhỏ, cũng có thể gọi là lớn (cười), khoảng 14-15 tuổi, mỗi lần có dịp tham gia các sự kiện trong gia đình, những buổi tiệc quây quần, tôi thường quan sát tỉ mỉ từng lời nói, từng cử chỉ hành vi của người lớn, cách ăn mặc, đi đứng, ứng xử, giao tiếp, ăn uống trên bàn tiệc… Cô gái nhỏ ngày đó bị cuốn hút bởi cách sắp xếp, bày biện, quản lý mọi thứ của mẹ, của các cô chú và tự hỏi làm thế nào để mọi thứ diễn ra suôn sẻ, nhẹ nhàng và tinh tế đến vậy.
Lúc đó, tôi không hề nghĩ rằng những điều tôi thích thú quan sát đó sẽ định hình sự nghiệp của mình sau này. Cứ như vậy, qua thời gian, cho tới hiện tại, khi nhìn về những kỷ niệm, ở thời điểm này, tôi có thể gọi nó là đam mê cá nhân mà đã trở thành nền tảng cho những gì tôi đã và đang theo đuổi ngày hôm nay. Với tôi, nghi thức và phong thái không chỉ là những quy tắc xã hội khô khan, mà còn là cách con người thể hiện sự quan sát cá nhân và tôn trọng lẫn nhau, đồng thời giúp họ trở nên lịch thiệp, tự tin và chuyên nghiệp hơn trong mọi hoàn cảnh.
Hành trình học tập và làm việc của cô từ Việt Nam ra quốc tế có ảnh hưởng như thế nào đến sự nghiệp của cô?
Thạc sĩ Lê An Na: Sau khi hoàn thành chương trình Cao học tại Liên Bang Nga, tôi có cơ hội trau dồi nghề nghiệp và làm việc tại nhiều quốc gia trên thế giới. Những năm tháng sống tại một số nước ở Châu Á và Châu Âu đã cho tôi những góc nhìn đa chiều về văn hóa và giao tiếp. Đó cũng là khởi nguồn và niềm cảm hứng lớn lao để tôi mở ra một lĩnh vực nghiên cứu mới trong bậc học Tiến sĩ sau này: giao tiếp đa/liên văn hóa.
Bản thân tôi cảm thấy rất may mắn khi được tiếp xúc với nhiều nền văn hóa đa dạng, phong phú và được học hỏi từ những hệ thống giáo dục hiện đại. Mỗi quốc gia, mỗi nền văn hóa đều mang đến cho tôi những kiến thức, giá trị và bài học quý giá và hiểu về sự đa dạng trong giao tiếp, nghi thức và phong thái ở từng quốc gia khác nhau.
Tôi không chỉ đào tạo cho các tập đoàn và doanh nghiệp Việt Nam mà cả học viên đến từ rất nhiều nền văn hóa khác như Australia, Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Đức, Thụy Điển, Bỉ, Thụy Sĩ, Pháp, Nhật, Hàn Quốc, Thái Lan, Singapore… Chính những trải nghiệm quốc tế đó đã giúp tôi hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của việc kết nối văn hóa, giao tiếp liên văn hóa và nghi thức trong bối cảnh hội nhập toàn cầu ngày nay. Tôi nhận ra rằng, để tự tin hòa nhập với cộng đồng quốc tế mà không đánh mất bản sắc văn hóa, chúng ta cần phải trang bị cho mình những kiến thức và kỹ năng toàn diện, và đặc biệt cần có nền tảng hiểu biết vững chắc về văn hóa.
Trong vai trò là một chuyên gia, cô có thể chia sẻ thêm về hành trình mà cô đã từng trải qua, đặc biệt trong lĩnh vực Văn hóa, Giao tiếp liên văn hóa cũng như Giáo dục tại Việt Nam không?
Thạc sĩ Lê An Na: Với vai trò là một giảng viên Đại học gần 20 năm nay, tôi luôn tâm niệm là phải mang những kiến thức và trải nghiệm mà mình tích lũy từ quá trình học hỏi trở về, góp một phần nào đó vào sự nghiệp giáo dục chung, đặc biệt truyền cảm hứng trong việc hoàn thiện và nâng cao chuẩn mực về văn hóa, giao tiếp ứng xử trong môi trường đa văn hóa cũng như môi trường giáo dục cho thế hệ trẻ Việt Nam.
Các bạn trẻ ngày nay không chỉ rất giỏi về mặt kiến thức, nhưng để hội nhập toàn cầu một cách chủ động và tự tin còn cần những yếu tố khác như ngoại ngữ, đặc biệt là sự hiểu biết về Văn hóa Việt Nam nói riêng và các nền văn hóa trên toàn thế giới nói chung.
Đó cũng là lý do tôi đã thành lập PAVI Academy (Học viện Phong thái và Nghi thức Việt Nam) với mong muốn có một môi trường học thuật và chuyên nghiệp để các học viên không chỉ học hỏi về nghi thức quốc tế, xây dựng và rèn luyện phong thái, sự tự tin một cách vững chắc mà còn hiểu rõ các giá trị Văn hóa để làm nền tảng cốt lõi cho mọi hành vi và ứng xử của họ. Tại PAVI, chúng tôi tin rằng mỗi cá nhân đều có giá trị riêng biệt và nhiệm vụ của chúng tôi là giúp họ nhận ra và phát triển những giá trị đó để có thể trở thành phiên bản đẹp nhất, hoàn thiện nhất của chính mình. Từ các khóa học dành cho trẻ em đến các chương trình đào tạo dành cho doanh nghiệp, các tổ chức giáo dục, chúng tôi luôn đặt mục tiêu giúp học viên hòa nhập nhưng không hòa tan, xây dựng phong thái và bản sắc riêng vốn có của mỗi cá nhân, nhưng luôn giữ vững những giá trị văn hóa cốt lõi của dân tộc.
Với vai trò là một nhà giáo dục, nhà nghiên cứu và đang hoàn thiện Luận án Tiến sĩ Văn hóa, cô có thể chia sẻ một chút về tầm quan trọng của việc kết nối giữa văn hóa Việt Nam và thế giới trong bối cảnh giáo dục hiện nay không?
Thạc sĩ Lê An Na: Văn hóa là hồn cốt của một dân tộc, văn hóa còn thì dân tộc còn. Việc kết nối văn hóa không chỉ là chuyện đối ngoại giữa các quốc gia bởi văn hóa chính là cầu nối giữa các dân tộc. Riêng với mỗi cá nhân, mỗi con người trong bối cảnh kết nối văn hóa toàn cầu mạnh mẽ ngày nay đều mang trong mình một sứ mệnh mà tôi luôn tâm đắc và khẳng định rằng: chúng ta phải hiểu rõ và tôn trọng văn hóa của mình trước khi hòa nhập với thế giới.
Chính vì lý do đó, tôi đã thiết kế các khóa đào tạo của PAVI Academy luôn bao hàm hai yếu tố tổng thể và chuyên biệt. Tại PAVI không chỉ giảng dạy về nghi thức, giao tiếp, kỹ năng mềm mà còn giúp học viên nhận ra rằng sự tự tin bắt nguồn từ việc hiểu rõ các giá trị bản thân và tôn trọng chính mình. Khi học viên có thể tự tin với những giá trị văn hóa của mình, họ sẽ trở nên mạnh mẽ hơn trong việc hòa nhập với thế giới mà không sợ nỗi lo bị hòa tan, đánh mất bản sắc. Đây là lý do tại sao tôi luôn đặt trọng tâm vào việc kết nối văn hóa Việt Nam với thế giới trong các chương trình đào tạo, cũng như các hoạt động chuyên môn của mình.
Là một người có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, đặc biệt về Văn hóa và Giao tiếp liên văn hóa, cô có lời khuyên nào cho những người trẻ đang trên con đường phát triển bản thân không?
Thạc sĩ Lê An Na: Lời khuyên lớn nhất mà tôi muốn dành cho các bạn trẻ là hãy luôn kiên định với đam mê và bản sắc riêng của mình. Mỗi người chúng ta đều có những điểm mạnh, những sở thích và niềm đam mê riêng, và điều quan trọng là phải không ngừng học hỏi, nhận diện rõ giá trị và bản sắc cá nhân để tiếp tục củng cố và phát triển. Sự kiên nhẫn và nỗ lực không ngừng sẽ đưa bạn đến những nơi mà bạn không bao giờ tưởng tượng được.
Bên cạnh đó, tôi cũng muốn nhấn mạnh rằng thành công không chỉ đến từ kiến thức chuyên môn, mà còn từ nền tảng văn hóa và cách chúng ta ứng xử và thể hiện bản thân trước thế giới bên ngoài. Đó là lý do tại sao việc thấu hiểu sâu sắc về văn hóa, lấy đó làm nền tảng để rèn luyện phong thái và nghi thức cũng như cách ứng xử là một phần không thể thiếu trong hành trình phát triển bản thân, bản sắc của mỗi người.
Cuối cùng, hãy luôn nhớ rằng mỗi cá nhân đều có giá trị riêng và sứ mệnh của chúng ta là phát triển giá trị đó, không chỉ để tạo dựng thành công cho bản thân mà còn để đóng góp cho cộng đồng và xã hội.
Cảm ơn Thạc sĩ Lê An Na đã chia sẻ!
Nguồn: https://phunuvietnam.vn/thac-si-le-an-na-va-su-menh-lan-toa-gia-tri-van-hoa-nghi-thuc-va-phong-thai-cho-the-he-tuong-lai-20240830151643956.htm