Dân tộc Tày
Theo số liệu tổng điều tra dân số, dân tộc thiểu số tại Cao Bằng chiếm 95% toàn tỉnh, trong đó dân tộc Tày chiếm phần lớn với 40,83%, Nùng 29,81%, Mông 11,65%, Dao 10,36%, Sán Chỉ 1,49%, Lô Lô 0,54%.
Dân tộc Tày còn có tên gọi khác là Thổ, gồm cả các nhóm: Ngạn, Phén, Thu Lao, Pa Dí. Phần đông người Tày cư trú ven các thung lũng, triền núi thấp ở các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Cạn, Thái Nguyên, Quảng Ninh và một số vùng thuộc Bắc Giang… Người Tày có một nền nông nghiệp cổ truyền khá phát triển với đủ loại cây trồng như lúa, ngô, khoai và rau quả mùa nào thức đó.
Bản của người Tày thường ở chân núi hay ven suối. Tên bản thường gọi theo tên đồi núi, đồng ruộng, khúc sông. Mỗi bản có từ 15 đến 20 nóc nhà. Bản lớn chia ra nhiều xóm nhỏ. Nhà ở có nhà sàn, nhà đất và một số vùng giáp biên giới có loại nhà phòng thủ.
Trong nhà phân biệt phòng nam ở ngoài, nữ ở trong buồng. Người Tày thường mặc quần áo vải bông nhuộm chàm, áo phụ nữ dài đến bắp chân, ống tay hẹp, xẻ nách ở bên phải, cài 5 khuy.