Chúng tôi quyết định đến tắm thác Muốn, xã Điền Quang (Bá Thước) vào những ngày nắng nóng như đổ lửa. Con đường cách đây khoảng chục năm chỉ có dân địa phương mới đến được thì nay đã đi vào tận chân thác. Câu hát “Muốn ăn ngô thì ra Rằm Tám/ Muốn ăn cơm gạo tám thì vào làng Mười”, làng Mười chính là nơi có thác Muốn quanh năm nước chảy.
Nhiều bạn trẻ thích thú vui đùa ở thác Muốn.
Truyền thuyết kể rằng: Ngày ấy có một đôi nam nữ yêu nhau tha thiết, thề non hẹn biển. Hàng ngày chàng trai đi rừng săn bắn muông thú, cô gái ở nhà dệt cửi lấy vải thổ cẩm thêu váy áo chờ ngày sánh duyên cùng chàng trai. Tình yêu của họ tưởng sẽ thành hiện thực nhưng gia đình hai bên lại không bằng lòng. Một ngày nọ, chàng trai và cô gái cùng trèo lên đỉnh núi nắm chặt tay nhau, nhìn về phía bản làng và gia đình. Khi ông mặt trời chuẩn bị khuất sau rặng núi, họ chia tay nhau mỗi người đi một ngả, không ai biết họ đi về đâu…
Người dân ở đây còn có câu chuyện khác. Rằng trên đỉnh Đồi Muốn – nơi cư trú của chòm Don có một mó nước trong vắt, gần ấy là ngôi nhà sàn của đôi vợ chồng đã luống tuổi mà vẫn chưa có một mụn con. Thương tình, nhà trời sai một tiên nữ đầu thai vào gia đình sinh ra một bé gái nước da trắng ngần, trông thật đáng yêu. Càng lớn thiếu nữ càng trở nên xinh đẹp, một buổi mai, nàng ra mó nước vo gạo đồ xôi và bắt gặp một chàng trai tuấn tú trên đường đi săn đang dừng chân cho con ngựa trắng uống nước. Rồi họ ước nguyện cùng nhau để tháng tốt ngày lành nên duyên chồng vợ. Nhưng chia tay mấy bận trăng khuyết, mấy mùa hoa Bông Trăng nở lại tàn mà chàng trai đã không quay trở lại. Sau này cô gái nghe hung tin chàng trai giỏi giang, hào hiệp kia đã gặp họa ở Hang Lòn. Không tin điều đó là sự thật, cô gái vẫn nhớ lời hẹn ước ngồi bên mó nước đợi chờ chàng, nước mắt chảy ròng hết tháng này qua năm nọ, nhiều đến nỗi hóa thành dòng thác. Tiếng thác là khúc ca buồn, tựa như tiếng thở dài, tiếc nuối hạnh phúc của lứa đôi không thành mà dân gian bao đời nay truyền lại. Cái tên đồi Muốn, thác Muốn, thác Mơ có từ đó thể hiện ước vọng về tình yêu trọn vẹn của người thiếu nữ xứ Mường Khô.
Cũng bởi lẽ đó mà người dân ở khu vực này vẫn còn dặn dò nhau: “Ai qua Dốc Cọ, Hang Lòn/ Nghe tiếng bìm bịp gọi con thì về…”. Ngoài hang Lòn hiểm trở, nơi chàng trai đã tử nạn giữa rừng, đến nay chúng ta còn bắt gặp Hòn đá Vạnh phân mốc ranh giới của ba mường; mó nước mát trong và hình ảnh của thiếu nữ hóa thành đá núi đợi chờ bên thác nước âm thầm chảy dài theo năm tháng.
Gần đến chân thác, công chức văn hóa xã Điền Quang, anh Trương Ngọc Tuân giới thiệu: “Trước đây dân bản địa mỗi lần đi tắm thác phải rủ nhau leo núi vất vả, khó khăn nhưng cũng thú vị lắm. Thác Muốn ngày nay, xe ô tô đỗ được ngay dưới chân thác, thuận tiện hơn nhiều”. Lướt qua những thửa ruộng đang trổ bông, tiếng thác chảy càng rõ hơn. Anh Bùi Văn Hưng, Trưởng thôn Mười nói với chúng tôi: “Nếu cô đến đây vào mùa mưa, chừng từ tháng 6 đến tháng 10, thời điểm nhiều nước nhất, thác còn đẹp hơn nữa”.
Dù không hùng vĩ như thác Mây, thác Hiêu vào mùa nước đổ, nhưng thác Muốn lại không bao giờ trơ khấc chỉ còn đất và mỏm đá. Bởi thế mà mùa nào du khách cũng có thể đi bộ từ chân thác, leo lên các tảng đá mà không sợ trượt ngã. Thác Muốn có tới 43 thác nước lớn nhỏ, cao thấp khác nhau. Trong đó, người ta nhắc nhiều về thác Gió, thác Bến Bai… Ai chưa đến Bến Bai uống nước thiêng và mát thì người đó chưa phải là dân Điền Quang nói riêng, Mường Khô nói chung.
“Uống nước thiêng Bến Bai nước của trời và đất
Con trai Mường giỏi bẫy moong, con gái giỏi xường đang”.
Cùng với hệ thống thác nước lớn nhỏ, ở đây còn có 3 hang động, đó là: hang Mộng, hang Bụt và hang Bến Bai. Trong hang có nhiều nhũ đá rủ xuống tựa hình cây cột chống trời, đài sen, quả phật thủ, mâm xôi, hình con ngựa, cá sấu, chim công rồi cả hình đôi nam nữ đang trao duyên… Có thể chính trí tưởng tượng của con người đã thổi hồn để những khối đá ấy thêm lung linh, huyền ảo. Trên Đồi Muốn và những cánh rừng đại ngàn ở Điền Quang vẫn còn rất nhiều loại cây gỗ quý, cây thảo dược quý hiếm dùng làm thuốc chữa bệnh, làm gia vị chế biến món ăn và nhiều loài động vật quý hiếm khác.
Trên đồi Muốn có nhiều hang động với những nhũ đá lung linh, huyền ảo.
“Tiếc là bà con đồng bào dân tộc Mường ở thôn Mười đời sống còn khó khăn vì thế họ chưa có thể đầu tư làm du lịch”, trưởng thôn Bùi Văn Hưng cho biết thêm. Hiện thôn Mười có 658 nhân khẩu với 145 hộ. Tuy nhiên, đến nay mới chỉ có 3 hộ làm du lịch, đó là các hộ: Hà Văn Thịnh, Hà Ngọc Thanh, Bùi Văn Lực. Gần đây nhất, ông Nguyễn Tam đang xây dựng 5 phòng nghỉ ngay dưới chân thác. Chỉ tính riêng kỳ nghỉ 30-4 và 1-5, thác Muốn đã đón hơn 2.000 người đến tham quan và tắm thác. So với các địa điểm khác, con số đó còn khá khiêm tốn, nhưng với chúng tôi, đây là tín hiệu tốt.
Theo chân ông bà đi nương rẫy, anh Hà Văn Thịnh từ năm 2016 đã vào đây mở quán. Ban đầu thỉnh thoảng mới có vài ba người khách. Ở vị trí ngay dưới chân thác, quán Lương Sơn – Thác Muốn của anh là chỗ dừng chân đầu tiên để leo dần lên đỉnh thác. Anh chia sẻ: “Tôi đang xin phép mở rộng, nâng cấp quán. Sự thuận tiện về giao thông đi lại đã tạo điều kiện để mọi người đi tham quan, tắm thác ngày càng nhiều hơn”.
Ông Hà Văn Quang, Chủ tịch UBND xã cho biết: “Đến với Điền Quang, du khách không chỉ chiêm ngưỡng vẻ đẹp của thác Muốn, thả hồn mình bay bổng theo truyền thuyết về tình yêu của đôi trai tài gái sắc mà còn được gặp gỡ, giao lưu với người Mường, tham quan những ngôi nhà sàn, thưởng thức rượu cần và những món ăn đặc sắc của đồng bào dân tộc. Chúng tôi đang muốn xây dựng thôn Mười là địa điểm du lịch cộng đồng. Tuy nhiên, do đời sống của bà con còn nhiều khó khăn, việc đi lại chưa thuận lợi, đồng thời chưa kết nối được với một số điểm du lịch khác nên việc thu hút khách còn nhiều hạn chế. Hầu hết khách chỉ ghé qua đây như điểm dừng chân rồi đi lên Pù Luông để nghỉ dưỡng”.
Sơn thủy hữu tình, thác Muốn đang chờ được các nhà đầu tư đến “đánh thức”. Cùng với 55 di tích, trong đó có 9 di tích cấp tỉnh, thác Muốn đang được huyện Bá Thước cũng như xã Điền Quang quan tâm, chú trọng để xây dựng đầu tư phát triển du lịch sinh thái, gắn với việc khám phá trải nghiệm thiên nhiên và văn hóa cộng đồng.
MINH HIỀN