Cứ lên cách khoảng 50 mét lại gặp một cái thác. Có tổng cộng 4 thác như vậy giữa rừng nguyên sinh tạo thành thác Bốn Tầng hấp dẫn dân du lịch mạo hiểm, khám phá.
Đến với huyện An Lão, vùng đất được xem là “Đà Lạt của Bình Định” với nơi cao nhất cách mực nước biển khoảng 1.000m, khí hậu mát mẻ quanh năm với nhiệt độ trung bình năm trong khoảng 22-240C, những người đam mê du lịch mạo hiểm, khám phá không thể bỏ qua cơ hội chinh phục thác Bốn Tầng.
Thác Bốn Tầng mê hoặc
Thác Bốn Tầng thuộc địa phận xã An Quang, nằm giữa rừng nguyên sinh hùng vĩ. Từ Quy Nhơn đến xã An Quang tầm 120km, chúng tôi đi xe hơi đến sát bìa rừng.
Để xe lại, cả nhóm bắt đầu hành trình khám phá thác Bốn Tầng. Được người dân bản địa hướng dẫn, chúng tôi đi bộ sâu vào các cánh rừng phòng hộ, rừng nguyên sinh.
Đường vào thác thật hấp dẫn vì bạn đi trong bóng mát của rừng, của tiếng các loại chim hót, tiếng ve… tạo thành bản hợp xướng thú vị. Bạn cũng chiêm ngưỡng nhiều loài lan rừng nở rực rỡ bên những con suối nhỏ, từ trên cao tầm mắt bạn cũng có thể thu vào những cánh đồng ruộng bậc thang chín vàng bên dưới của đồng bào nơi đây…
Đi bộ khoảng 45 phút, khi ở độ cao 500-600 mét so với mực nước biển, chúng tôi đến thác đầu tiên của hệ thống thác Bốn Tầng. Thác nước trắng xóa chảy từ độ cao khoảng 40 mét xuống, xõa mềm như dải lụa hay mái tóc của thiếu nữ giữa khung cảnh thiên nhiên hoang sơ, thi vị.
Hệ thống thác Bốn Tầng gồm 4 thác nước tương tự như vậy, cứ lên cao khoảng 40 mét, bạn lại gặp một thác đẹp, đầy mê hoặc như thế.
Ở đây, ngoài chiêm ngưỡng cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ, bạn còn có thể đắm mình trong dòng nước suối trong vắt, mát lạnh dưới thác; ngắm những tảng đá đủ hình thù kỳ lạ; lặn bắt ốc đá, được xem là một loại đặc sản ở núi rừng An Lão…
Quy hoạch phát triển du lịch
Ông Đỗ Tùng Lâm – phó chủ tịch UBND huyện An Lão – nói rằng huyện đánh giá thác Bốn Tầng là một địa điểm du lịch khám phá tiềm năng của địa phương và đưa vào kế hoạch xây dựng phát triển.
“Lãnh đạo huyện vừa có cuộc khảo sát thác Bốn Tầng và đã chỉ đạo để lập quy hoạch phân khu, phát triển du lịch, dự kiến vào giữa năm 2024 sẽ công bố quy hoạch để kêu gọi nhà đầu tư” – ông Lâm cho hay.
Theo ông Lâm, du khách khi đến An Quang sẽ tham quan không gian văn hóa đặc sắc của dân tộc H’rê ở thôn 5, thôn 6 thuộc xã này, sau đó nếu có nhu cầu sẽ được lực lượng của Đoàn thanh niên xã hướng dẫn, hỗ trợ khám phá thác Bốn Tầng.
Trước mắt, UBND huyện An Lão có kế hoạch sẽ tạo một đường đi bằng bê tông xi măng rộng chừng 1 mét, dày 6-7cm xuyên rừng để tạo thuận lợi cho du khách khám phá thác Bốn Tầng.
Như vậy, đến với An Lão, du khách không chỉ đến cổng trời An Toàn cao 1.000 mét để săn mây, thưởng thức rượu sim rừng, uống rượu cần, ăn cá niên, rau dớn… mà còn có cơ hội trải nghiệm, chinh phục thác Bốn Tầng hùng vĩ, hoang sơ, đầy cuốn hút.
Bật mí hỗn hợp chống vắt
Nếu lần đầu tiên đến thác Bốn Tầng, bạn nên nhờ người bản địa hỗ trợ, dẫn đường. Bạn cũng nên chuẩn bị thức ăn nhẹ, nước uống để mang theo và đừng quên thuốc mỡ DEP để chống vắt.
Chúng tôi tha thuốc DEP lên toàn bàn chân và bắp chân để ngăn vắt tấn công. Tuy nhiên, cũng có những con vắt lì lợm bám vào, nên thỉnh thoảng cũng phải dừng lại để “tiêu diệt” chúng sau một cú cắn ngứa ngáy.
Trên đường trekking vào thác Bốn Tầng, nhóm chúng tôi gặp vài bạn trẻ người đồng bào Ba Na đi lấy ong. Họ chuẩn bị 1 chai nước để trị vắt, thành phần gồm: muối, chanh và 1 cây sả đập giập để trong hỗn hợp đó.
Khi vắt bò lên chân, thì dùng cây sả đã ngấm hỗn hợp nọ chấm vào con vắt. Nó sẽ rớt xuống đất ngay lập tức. Nhờ vậy hành trình đến thác Bốn Tầng của nhóm chúng tôi dễ dàng hơn.
Tuoitre.vn