Thác Bản Giốc nằm trên đường biên giới Việt – Trung, giữa khung cảnh núi non trùng điệp còn đậm nét nguyên sơ. Ai chưa đến thác Bản Giốc, xem như chưa đến tỉnh vùng biên Cao Bằng…
Thác Bản Giốc được chia làm 2 phần là thác chính (thác cao) và thác phụ. Nếu đi từ phía ngoài vào thì phía bên trái được gọi là thác phụ và phía bên phải gọi là thác chính. Thác phụ thuộc hoàn toàn chủ quyền của Việt Nam, thác chính thì một nửa thuộc về Trung Quốc. (Ảnh: Vinh Hà) |
Điều hấp dẫn, độc đáo của thác Bản Giốc là ở phần thác chính, thác không chảy thẳng một dải từ trên xuống mà quanh co qua những mô đất, chia tầng như bậc thang. (Ảnh: Hải Vân) |
Sở hữu vẻ đẹp trời cho, thác hiện lên như một bản hòa ca hùng tráng của thiên nhiên đất trời Cao Bằng. Bản Giốc được vinh danh là thác nước tự nhiên lớn nhất Đông Nam Á và lớn thứ tư thế giới trong các thác nước nằm trên một đường biên giới quốc gia. (Ảnh: Vinh Hà) |
Thác Bản Giốc được ví von như cô gái kiêu kỳ, mà nét kiêu sa của nàng khó mà cưỡng lại. Chừng đó đủ để biểu tượng du lịch của tỉnh Cao Bằng trở thành điểm đến khó cưỡng đối với du khách trong và ngoài nước. (Ảnh: Thùy Dương) |
Khung cảnh thiên nhiên kỳ vĩ mà vô cùng thơ mộng, thác Bản Giốc tựa như dải lụa trắng mềm mại nổi bật trên nền xanh của núi rừng miền biên giới. (Ảnh: Vinh Hà) |
Khi đến thác Bản Giốc, du khách không chỉ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp hùng vĩ của thác nước mà còn tận hưởng không khí trong lành, gần gũi thiên nhiên, khám phá nét văn hóa độc đáo của đồng bào dân tộc bản địa và trải nghiệm những món ngon hấp dẫn của người dân nơi đây. (Ảnh: Hải Vân) |
Khoảng thời gian đẹp nhất để đến Cao Bằng là tháng 9 đến tháng 12, khi thác Bản Giốc đầy nước trong xanh. Vào tháng Tư này, “hòn ngọc” của vùng biên cương không ào ạt và dữ dội như thời kỳ mùa mưa, song cũng đủ dịu dàng làm nao lòng du khách. Riêng trong những tháng đầu năm 2023, Khu du lịch thác Bản Giốc ghi nhận gần 65.000 khách du lịch đến tham quan, trong đó có gần 2.000 khách du lịch nước ngoài. (Ảnh: Vinh Hà) |
Hiện tỉnh Cao Bằng đang triển khai hiệu quả Kế hoạch thực thi Hiệp định Hợp tác bảo vệ và khai thác tài nguyên du lịch thác Bản Giốc (Việt Nam) – Đức Thiên (Trung Quốc), hướng tới xây dựng Khu du lịch thác Bản Giốc trở thành Khu du lịch trọng điểm, kiểu mẫu về du lịch qua biên giới, du lịch xanh, du lịch thông minh, là hình mẫu trong quan hệ hợp tác với nước bạn Trung Quốc. (Ảnh: Thùy Dương) |
TG&VN