Cái gì cũng giữ, còn tha “rác” về nhà
Trong căn phòng chỉ chừng 16m2 trên tầng thượng, anh Lê Dũng (32 tuổi, ngụ quận Tân Bình, TP.HCM) dường như chứa cả thế giới. Làm việc lĩnh vực nội thất, anh có thói quen tích trữ những món đồ, cũ mới có đủ.
“Nó hay chứa đồ, nói là để bày ra chụp hình. Mấy lần tôi nói dọn bớt đi, nó đều nói ba cứ để đó cho con. Nó dọn lên tầng này để tôi khỏi để ý”, ba anh Dũng than thở, chịu thua thói quen này của con mình.
Bạn bè thường gọi anh là Dũng nghệ sĩ, vì thấy món gì hay hay anh lại đem về. Anh mua những miếng vải vuông hoa văn đủ kiểu, nói là để phủ chiếc bàn kê bình hoa.
Máy cassette không còn xài được, chiếm chỗ nhưng anh tiếc nên giữ lại. Bàn gỗ nhỏ, chân rơ như răng sắp rụng, anh kê vào chỗ trống hiếm hoi của căn phòng vì thấy nó chất lừ.
Từ cầu thang ra sân thượng, Dũng để chiếc kệ. Trên đó là miếng xốp, ấm điện hư, chai thủy tinh. Sát bên là mấy cái gối tựa bám bụi nhìn không ra màu nguyên thủy. Vỏ gói thuốc hút hết, anh để một mớ.
Ngoài sân thượng, anh dồn những chậu kiểng bể, sứt mẻ vào một góc. Chuồng chó anh giữ nguyên dù thú cưng đã được đem cho hơn một năm. Bên trong vẫn còn đĩa đựng hạt và khăn lót cho chó ngủ.
Tích trữ đồ, nhiều lúc Dũng thấy gián bò. “Biết là đồ nhiều thì bừa bộn, nhưng tôi thấy cái nào cũng cần thiết, gắn với kỷ niệm. Lỡ bỏ rồi mốt cần không có”, anh nói.
Chị Thiên Ý (ngụ quận 3, TP.HCM) quyết định ra ở riêng sau một năm chịu đựng cô bạn vứt đồ đạc, quần áo bừa bộn. Đồ gì bạn cũng muốn giữ lại.
“Sợ nhất là những bó hoa khô. Bạn không muốn bỏ, treo ngược ở gần tủ quần áo. Lá hoa và bụi rớt xuống. Quần áo giày dép chỉ thấy nhiều thêm, không thấy bạn bỏ bớt bao giờ. Ly uống nước hơn chục cái dù bạn chỉ xài một cái”, chị nói.
Đặc biệt, chính mình tích trữ và để đồ bừa bộn, nhưng mỗi khi không tìm được món gì đó, người bạn này lại nổi cáu. Bạn nói “muốn phát điên trời ơi”.
Về phần tủ lạnh, chị nói đồ ăn để cả tuần coi chừng ngộ độc, nên bỏ đi. Bạn lại kêu lãng phí. Đồ đạc kín tủ kín kệ, chị định dọn bớt, bạn cũng nhăn nhó. Bạn cho rằng một ngày nào đó sẽ dùng đến.
Giải phóng đồ đạc, người nhẹ nhàng hẳn
Từng thích trữ đồ, đặc biệt là đồ kỷ niệm, chị Bình An (30 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh) chia sẻ rằng mình đã thay đổi thói quen này.
Chị kể: “Hồi đó, quần áo từ chục năm trước tôi vẫn giữ lại, cộng thêm lượng mua sau này, nên tủ luôn chật cứng. Giỏ xách tôi để chồng lên nhau nên bị bẹp, mốc da. Sách thì mua chồng chồng nhưng đọc đâu có hết, bụi bám quá trời. Mấy cái vé xem phim, lọ mỹ phẩm đã dùng hết tôi cũng để lại. Hóa đơn điện nước ghim một đống”.
Chưa kể, những món đồ trang trí, máy móc không dùng nữa chị có thói quen tải về nhà ba mẹ. Tới khi em gái than “chị Hai ơi đừng đem về nữa, bụi bặm muỗi mòng lắm”, chị mới nhận thấy mình đang muốn biến nhà ba mẹ thành cái kho.
Nhiều lần chẳng biết cái áo cần mặc đang nhét chỗ nào, hoặc cuốn sách yêu thích lẫn lộn ở đâu, chị hét cho đỡ tức. Sau quá nhiều lần như vậy và thăm nhà bạn bè thấy sao mà gọn gàng quá, chị quyết tâm làm một cuộc cách mạng đồ đạc.
Quần áo, giày dép dù còn tốt nhưng không có dịp mặc hoặc đã lỗi thời, chị bấm bụng dứt khoát đem cho. Những món đồ trang trí “vô tri”, tranh ảnh lộn xộn, chị bỏ bớt. Sách mua ngẫu hứng mà không đọc bao giờ, chị cũng “tiễn em lên đường”. Đồ gốm, gấu bông, chị thải bớt.
“Giờ đây đồ đạc của tôi chỉ còn một nửa so với mấy năm trước. Nhờ vậy, tôi cũng giảm mua đồ vô tội vạ. Vừa hết bừa bộn, vừa tiết kiệm tiền.
Về tới nhà bây giờ, tôi có cảm giác nhẹ nhàng. Cuối năm dọn dẹp nhà cửa khỏe hơn vì ít đồ đạc”, chị cười.
Tích trữ quá nhiều đồ đạc, người mệt là chính chúng ta vì tốn công dọn dẹp, tìm kiếm, không gian sống bị thu hẹp.
Không cần theo trào lưu sống tối giản, nhưng ta có thể giữ nhà cửa, phòng ốc gọn gàng nhất có thể. Ví dụ bao bì, túi xách giấy, chai nhựa sau khi dùng xong là bỏ đi hoặc cho tặng ve chai. Đồ ăn thì nấu và mua với số lượng vừa phải.