08:27, 11/06/2023
Theo dòng phát triển của xã hội, các đô thị Tây Nguyên ngày một mở rộng hơn và hướng đến những tiêu chí hiện đại.
Trong đó, có vấn đề quy hoạch các chung cư với không gian sinh hoạt chung cho cộng đồng cư dân là nét kiến trúc mới đi đôi với những thói quen sinh hoạt mới. Liệu người dân bản địa có tương thích được không gian đô thị này?
Điều khá bất ngờ là một nhà nghiên cứu văn hóa Tây Nguyên nhìn nhận, thực tế người dân ở đây có nếp sống, sinh hoạt mang tính cộng đồng cao, và đây là tiền đề rất tốt để những khu đô thị mới hình thành các tòa nhà chung cư mà không có sự khiên cưỡng. Quan trọng chỉ là, nhà quản lý tổ chức các không gian ấy như thế nào để phù hợp tâm lý và văn hóa cư dân.
Những mái nhà chung…
Theo nhà nghiên cứu, nhìn tổng thể, những ngôi nhà dài Êđê từ bao đời, chính là mô hình chung cư thu nhỏ. Nhận xét này có thể khiến nhiều người ngỡ ngàng, nhưng đó là sự thật, rất cần được các nhà kiến trúc và quy hoạch để ý.
Trong các buôn làng cũ, mỗi gia đình người Êđê sẽ dựng một mái nhà chung, có một bếp lửa chung, do người mẹ làm chủ gia đình quyết định. Những cô con gái sẽ quây quần quanh bếp lửa của mẹ, sống chung anh chị em, cho đến tuổi trưởng thành chọn người chồng của mình. Đôi vợ chồng trẻ sẽ được mẹ cho một gian trong ngôi nhà chung. Cứ thế, lần lượt từng cô con gái có từng không gian riêng trong không gian chung của cả nhà, và ngôi nhà được kéo dài ra, trở thành một hình ảnh biểu trưng cho văn hóa Tây Nguyên. Những cậu con trai lại được các gia đình khác chọn sang bếp lửa nhà vợ. Đến khi đủ điều kiện, các gia đình nhỏ này lại tách ra, tự dựng nhà dài mới để tiếp tục lo cho con cái.
Các ngôi nhà dài Êđê cứ thế nối tiếp nhau kéo dài, và nhân lên. Buôn làng được gìn giữ và phát triển bằng những không gian sống chung trong gia đình như vậy. Bước khỏi không gian ấy, lại là không gian sinh hoạt chung của mọi người, với những đêm hội hè, lễ, Tết, tất cả dân làng luôn tụ tập bên nhau…
Nhà sinh hoạt cộng đồng và trường mẫu giáo đã được xây dựng tại khu đô thị Ân Phú (TP. Buôn Ma Thuột). |
Mô hình sinh hoạt đó của đồng bào Tây Nguyên bao đời, dù ở cấp độ nhỏ nhất là những gia đình, xem ra rất gần với không gian trong các chung cư hiện đại. Điểm này khác với người dân miền xuôi, bao đời tôn trọng tính sở hữu độc lập, với những ngôi nhà riêng hoàn toàn tách biệt khỏi cha mẹ, anh chị em. Mỗi cặp vợ chồng ở miền xuôi, luôn có thiên hướng tự tạo ngay căn nhà riêng của mình, dù có ở gần cha mẹ, anh chị em thế nào đi nữa. Do đó, một cách tự nhiên, những người nông dân ở đồng bằng, dù đã là thị dân, rời nông thôn đến sống ở thành thị, vẫn không dễ chấp nhận không gian sinh hoạt chung.
Đối chiếu hai góc cạnh này, có thể thấy, nếu các đô thị cao nguyên được tổ chức đúng quy hoạch, xây dựng tốt các hạ tầng văn hóa, xã hội, kiến thiết được những không gian sinh hoạt chung cho cộng đồng, gần gũi nhất là các nhóm gia đình cùng phong cách sống, cùng tầng lớp xã hội, thì việc vận động, mời gọi người dân bản địa chuyển đổi vào những căn hộ chung cư, là khá khả thi. Tâm lý sống trong mỗi mái nhà chung cho phép cư dân dễ chấp nhận điều đó.
Kiến tạo những chung cư
Không phải tự nhiên để đến nay, TP. Buôn Ma Thuột thể hiện ấn tượng về các chủ đề văn hóa trong những khu đô thị mới. Nổi bật nhất là các đô thị ở phía bắc đường vành đai phía tây thành phố, có các đô thị đang định hình, đều lựa chọn những hình ảnh biểu tượng gắn với văn hóa bản địa: Hình ảnh voi ở khu đô thị Eco City Premia, biểu tượng ngọn lửa cao nguyên ở khu đô thị Ân Phú, kiến trúc hạt cà phê ở Làng Cà phê Trung Nguyên… Mỗi biểu tượng chủ đề thể hiện một góc độ nhìn nhận về không gian văn hóa của đô thị, cũng chính là mục tiêu đầu tư phù hợp với văn hóa bản địa và thói quen sinh hoạt của người dân.
Theo quy hoạch, các đô thị mới này, đều có các công viên rộng, được bố trí các vị trí tiểu cảnh, điểm sinh hoạt cộng đồng ngoài trời cho cư dân. Hạ tầng văn hóa xã hội cũng được địa phương yêu cầu triển khai đầy đủ, như nhà sinh hoạt cộng đồng, trường mẫu giáo… Đây là cơ sở thực tế để tạo các không gian sinh hoạt chung cho người dân, có thể tổ chức những sự kiện tập thể, phong trào rất gần gũi hình ảnh sinh hoạt cộng đồng trong buôn làng bản địa.
Biểu tượng voi ở khu đô thị Eco City Premia – hình ảnh gắn liền với biểu tượng văn hóa Tây Nguyên. Ảnh: Nguyễn Gia |
Gắn với những không gian chung ấy, sự hình thành những tòa căn hộ chung cư cho các đô thị mới này sẽ là điểm nhấn kiến trúc phù hợp quy hoạch đô thị, dễ dàng bố trí cư dân trong không gian sống chung, tiết kiệm mặt bằng thực địa. Các căn hộ chung cư, nếu biết chọn những lối kiến trúc vừa cách tân, hiện đại cho đời sống thị dân, nhất là giới trẻ, vừa có những yếu tố văn hóa truyền thống sẽ dễ được người dân đón nhận. Khi liên kết các sinh hoạt chung bên ngoài với sinh hoạt riêng của mỗi gia đình trong mỗi căn hộ, các đô thị thật sự rất gần gũi với bóng dáng những buôn làng truyền thống.
Nhà nghiên cứu nhấn mạnh, phải thấy rằng, xã hội tiến bộ đang ngày càng giúp con người gần gũi những phương tiện, thiết bị hiện đại, song tâm thức lại hướng về những giá trị văn hóa vững bền, những hoạt động gần gũi thiên nhiên và cộng đồng hơn. Giới trẻ hôm nay lại càng xích đến vai trò hội nhập văn hóa đa dạng, sẵn sàng chấp nhận những cái mới hài hòa với truyền thống. Cho nên, khi các đô thị ở vùng cao nguyên đầu tư những không gian sống chung, kiến thiết những khu nhà chung cư, với bài trí, kiến trúc phù hợp nếp nghĩ, cách sống của đông đảo người dân, chắc chắn sự thích ứng của người dân sẽ cao hơn hẳn các vùng đô thị khác. Đây là vấn đề rất đáng quan tâm đối với các nhà quản lý và quy hoạch, cần được nhìn nhận thấu đáo và toàn diện thêm. “Thả” chung cư vào giữa cao nguyên, phải chăng là câu chuyện đô thị hóa độc đáo mà hài hòa?
Nguyên Đức