Sau gần 300 năm tính từ thời kỳ Châu Ấn thuyền, năm 1990, Hội thảo quốc tế về phố cổ Hội An đã đánh dấu sự tham gia trở lại của người Nhật trong hành trình hợp tác nghiên cứu, bảo tồn di sản văn hóa Hội An, cùng 60 học giả từ Ba Lan, Hà Lan, Canada, Thái Lan, Mỹ, Úc và Việt Nam.
Những người Nhật đầu tiên khảo cứu Hội An
Theo GS.TS. Kikuchi Seiichi (Đại học Nữ Showa, Nhật Bản), từ thời Meiji (1868 - 1912), các nhà nghiên cứu Nhật Bản đã thực hiện những cuộc điều tra về các phố Nhật Bản ở các nước Đông Nam Á.
Năm 1909, Kojima Masanori đã tới Hội An để nghiên cứu “Nhật Bản kiều” (Chùa Cầu) và những ngôi mộ người Nhật ở đây. Năm 1922, Segawa Kame đến Hội An nghiên cứu các địa điểm liên quan đến “phố người Nhật” (Tùng Bản dinh) và đã viết bài giới thiệu về Hội An trên báo chí Nhật Bản đương thời.
Năm 1928, Kuroita Katsumi và Iwao Seiichi đến Hội An nghiên cứu những di tích liên quan tới người Nhật. Họ khảo sát và tiến hành tu bổ những ngôi mộ người Nhật ở Hội An; nghiên cứu văn bia Phổ Đà sơn linh trung Phật (niên đại 1640) trên vách động Hoa Nghiêm ở Ngũ Hành Sơn, có khắc tên những người Nhật từng góp tài chính để dựng tượng Quan Âm Bồ tát. Năm 1933, Matsumoto Nobuhiro tiếp tục đến Hội An để khảo cứu các di tích liên quan đến Nhật Bản ở đây.
Theo đánh giá của GS.TS. Kikuchi Seiichi, trong số những học giả Nhật Bản đến nghiên cứu Hội An vào đầu thế kỷ 20, thì Iwao Seiichi là người để lại nhiều thành tựu nhất. Ông đã nghiên cứu nhiều phương diện như: vị trí, quy mô, tổ chức hành chính, các nhân vật chủ yếu, hoạt động kinh tế… của người Nhật ở Hội An vào cuối thế kỷ 16 - đầu thế kỷ 17, và công bố trên các diễn đàn học thuật ở Nhật Bản.
Hội thảo quốc tế về phố cổ Hội An tổ chức vào tháng 3/1990 đã mở ra bước ngoặt trong nghiên cứu về Hội An. Năm 1991, Tổng cục Văn hóa Nhật Bản (Monbusho) cử chuyên gia đến tìm hiểu hiện trạng phố cổ Hội An và đặt quan hệ hợp tác nghiên cứu với chính quyền địa phương.
Luận cứ cho hồ sơ di sản
Từ năm 1992, Viện Nghiên cứu Văn hóa quốc tế (Đại học Nữ Showa) đã bắt đầu tiến hành điều tra khảo sát phố cổ Hội An trên các lĩnh vực địa lý, địa chất, lịch sử, khảo cổ, văn hóa, kiến trúc… và xây dựng dự án “Bảo tồn phố cổ Hội An”.
Viện này trở thành trung tâm tập hợp các học giả thuộc nhiều trường đại học, viện nghiên cứu và trung tâm khoa học ở Nhật Bản tham gia nghiên cứu lịch sử và văn hóa Hội An. Đây cũng là đầu mối vận động kinh phí cho dự án “Bảo tồn phố cổ Hội An”.
Năm 1996, hội thảo khoa học về kế hoạch bảo tồn phố cổ Hội An đã được tổ chức tại đô thị cổ này. Đồng thời phía Nhật Bản cũng tổ chức các hội thảo thường niên tại Tokyo, cùng sự tham dự của đại diện cơ quan quản lý và nhà khoa học Nhật Bản, Việt Nam để đánh giá tiến trình dự án “Bảo tồn phố cổ Hội An”.
Trên thực địa, từ năm 1993 đến năm 1998, Viện Nghiên cứu Văn hóa quốc tế đã cử các nhóm chuyên gia khảo cổ từ Nhật Bản đến Hội An để điều tra thám sát và tiến hành khai quật những điểm nằm ở “vùng lõi” của đô thị cổ Hội An.
Kết quả các cuộc khai quật này đã giúp các nhà khoa học và bảo tồn Nhật Bản, Việt Nam hình dung về thời điểm bắt đầu có sự định cư của cư dân Hội An trong khu vực phố cổ, về những điểm cư trú vào thế kỷ 17, cũng như sự biến đổi của phố cổ từ xưa đến nay.
Sau một thập kỷ “tái” nghiên cứu Hội An (1990 - 1999), những kết quả nghiên cứu chuyên ngành và liên ngành về Hội An của các nhà khoa học Nhật Bản đã cung cấp cơ sở dữ liệu phong phú, cho phép nâng cao dần nhận thức về bề dày lịch sử cũng như giá trị đa dạng của đô thị cổ Hội An. Đây cũng là những luận chứng khoa học cho hồ sơ đệ trình UNESCO công nhận Hội An là Di sản văn hóa thế giới vào năm 1999.
Sau khi Hội An trở thành Di sản văn hóa thế giới, người Nhật tiếp tục đồng hành với Hội An trong việc bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể ở Hội An, thông qua các chương trình hợp tác nghiên cứu, giao lưu văn hóa và quảng bá hình ảnh Hội An ra thế giới, đặc biệt là ở Nhật Bản.
Gắn kết cộng đồng
Năm 2022, dự án tu bổ di tích Chùa Cầu do Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An chủ trì được triển khai thực hiện. Dự án tu bổ này có kinh phí đầu tư 20,2 tỷ đồng, do Quảng Nam và TP.Hội An đầu tư, có sự tài trợ kinh phí từ quỹ Sumitomo và sự hỗ trợ chuyên môn từ các chuyên gia tư vấn của tổ chức JICA (Nhật Bản).
Ngày 3/8/2024, công trình trùng tu Chùa Cầu khánh thành ngay trong Tuần Văn hóa Việt - Nhật lần thứ 20. Ngoài việc bảo tồn một di tích đặc biệt quan trọng của Hội An, đây còn là dấu ấn tốt đẹp của mối quan hệ giữa Hội An nói riêng, Quảng Nam nói chung với Nhật Bản trong hợp tác nghiên cứu và bảo tồn di sản văn hóa.
Những dự án tài trợ của Nhật Bản đối với việc bảo tồn đô thị cổ Hội An trong 35 năm qua đã tạo ra những kết quả sâu sắc và toàn diện trên nhiều khía cạnh. Chính quan điểm bảo tồn tính xác thực của di sản qua việc giữ nguyên vẹn các yếu tố kiến trúc, văn hóa và lịch sử ở Hội An, đáp ứng các tiêu chuẩn bảo tồn di sản quốc tế đã nâng cao vị thế của Hội An trong bản đồ di sản.
Cạnh đó, từ sự hợp tác hiệu quả trong lĩnh vực di sản văn hóa, sức hút du lịch từ Hội An, đặc biệt đối với du khách Nhật Bản tăng lên đáng kể. Chưa kể, các chương trình giao lưu văn hóa còn góp phần gắn kết cộng đồng với di sản, khuyến khích cộng đồng địa phương tham gia trực tiếp vào hoạt động bảo tồn và phát triển du lịch.
Thông qua hợp tác, Nhật Bản cũng đã chia sẻ kỹ thuật và công nghệ bảo tồn di sản văn hóa, tham gia đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực bảo tồn và quản lý di sản văn hóa tại Hội An và Quảng Nam.
Sự đồng hành của người Nhật với Hội An không chỉ dừng lại công tác bảo tồn di sản. Những giá trị cộng hưởng được mở ra trên mọi lĩnh vực, góp phần lan tỏa giá trị văn hóa Hội An ra với thế giới.
Nguồn: https://baoquangnam.vn/noi-dai-tinh-bang-giao-viet-nhat-3148444.html
การแสดงความคิดเห็น (0)