Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho biết, năm 2024 là năm để lại nhiều dấu ấn mang tính lịch sử trong công cuộc bảo tồn và phát huy giá trị Di sản Huế. Nhiều công trình kiến trúc trọng điểm đã hoàn thành trùng tu, phục hồi. Nhiều công trình tiêu biểu được khởi công. Nhiều loại hình dịch vụ, ứng dụng khoa học công nghệ đã được triển khai áp dụng, góp phần đưa Di sản Huế đến gần hơn với nhân dân và du khách trong và ngoài nước. Di sản Huế không chỉ mang lại giá trị về mặt tinh thần mà còn đóng góp lớn vào phát triển du lịch và kinh tế của địa phương.
Cụ thể, năm qua, đã có 5 dự án bảo tồn, trùng tu, phục hồi di sản hoàn thành thi công và nghiệm thu đưa vào sử dụng; 6 dự án quan trọng được khởi công mới. Công tác trùng tu, phục hồi di tích được tiến hành một cách bài bản, khoa học, tuân thủ các quy định, nguyên tắc bảo tồn di sản của UNESCO, các quy định của pháp luật liên quan. Các công trình sau khi hoàn thành trùng tu đều được các chuyên gia, dư luận trong và ngoài nước đánh giáo cao, tạo điểm nhấn đặc biệt, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước đến tham quan như: Điện Kiến Trung, Điện Thái Hòa, Hải Vân Quan…
Năm 2024 cũng ghi nhận số lượng khách đến tham quan tại Di sản Huế tiếp tục đà tăng trưởng, nguồn thu từ bán vé tham quan cao hơn năm trước. Tổng lượng khách đến tham quan đạt hơn 2,7 triệu lượt (tăng 19,14% so với cùng kỳ năm 2023). Đây cũng là năm có nguồn thu lớn nhất từ trước đến nay với tổng doanh thu 422,238 tỷ đồng (tăng 18,63% so với cùng kỳ năm 2023, tăng 66,3 tỷ đồng); đạt 132% so với kế hoạch nhà nước giao. Số tiền nộp ngân sách nhà nước năm 2024 là 245,730 tỷ đồng.
Cũng theo Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, trong năm qua, tiếp tục có thêm nhiều cổ vật, lễ hội được công nhận là Bảo vật quốc gia, Di sản văn hóa quốc gia. Đặc biệt, “Những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng ở Hoàng Cung Huế” đã chính thức được ghi danh Di sản tư liệu Khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Sự kiện này là niềm tự hào của Việt Nam nói chung và của TP Huế nói riêng, góp phần nâng cao vị thế Di sản Huế với “Một điểm đến 8 di sản”.
Năm 2024, đơn vị này cũng đã tham mưu, phối hợp tổ chức thành công Festival Bốn mùa. Đặc biệt, tổ chức thành công Tuần lễ Festival nghệ thuật Quốc tế Huế 2024 “Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển” đã tạo dấu ấn đặc sắc và lan tỏa trong lòng người dân và du khách.
Năm vừa qua, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế được xem là đơn vị tiên phong trong việc áp dụng khoa học công nghệ hiện đại vào lĩnh vực bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của cả nước. Các hoạt động dịch vụ ngày càng phong phú, đa dạng đã góp phần nâng cao chất lượng phục vụ du khách, gia tăng trải nghiệm đối với du khách khi đến tham quan tại Di sản Huế.
Phát huy những kết quả đạt được, trong năm 2025, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đặt ra một số nhiệm vụ trọng tâm như: Tiếp tục đẩy mạnh công tác bảo tồn, tu bổ, phục hồi các di tích nhằm từng bước đưa Quần thể Di tích Cố đô Huế trở lại gần hơn với hình dạng vốn có, góp phần thu hút du khách đến với Di sản Huế; Nghiên cứu, xây dựng và đẩy mạnh các giải pháp thu hút du khách đến tham quan tại Di sản Huế nhằm tăng nguồn thu từ vé tham quan và các dịch vụ, hướng đến mức thu năm sau cao hơn năm trước; Đẩy mạnh công tác nghiên cứu, xây dựng hồ sơ di sản đề nghị cơ quan có thẩm quyền công nhận di sản…/.
Nguồn: https://toquoc.vn/doanh-thu-du-lich-tai-di-san-hue-dat-ky-luc-tu-truoc-den-nay-20250114172357394.htm
การแสดงความคิดเห็น (0)