Sinh ra và lớn lên trong gia đình thuần nông có hai anh em, Trần Minh Thuần (31 tuổi) tốt nghiệp đại học, học lên và có bằng thạc sĩ luật kinh tế. Thuần là người trẻ tuổi nhất trong 63 nông dân được tuyên dương là Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2024.
Thạc sĩ về quê khởi nghiệp
Học xong, Thuần có công việc ổn định tại Văn phòng đăng ký đất đai ở huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh.
Xuất thân từ nhà nông, chàng thạc sĩ trẻ hiểu rõ nỗi vất vả, khó khăn của bà con khi làm lúa phải “bán mặt cho đất bán lưng cho trời”, song thu nhập thấp… Chưa kể thương lái thường tìm cơ hội ép giá để đạt lợi nhuận cao nhất, trong khi người dân chỉ mong bán được lúa.
Anh Trầm Minh Thuần cùng nông dân trong hợp tác xã trên cánh đồng mô hình lúa – tôm. Ảnh: NVCC
Minh Thuần suy nghĩ, nông dân muốn quyết định được giá bán, giá thành sản xuất, hiệu quả sinh lời của đồng vốn đầu tư… thì phải tiến tới làm ăn có tổ chức. Xuất phát từ thực tế đó, Thuần quyết định xin nghỉ việc, về quê nhà xã Long Hiệp, huyện Trà Cú khởi nghiệp từ cây lúa.
“Ngày ấy, khi thấy tôi có ý định nghỉ việc để về quê khởi nghiệp, gia đình có chút phản đối, khuyên tôi nên làm thêm vài năm nữa”, Thuần chia sẻ và nói thêm, cha mẹ anh mong con cái làm công việc văn phòng, vì dính vào nông nghiệp rất cực.
“Nhưng sau đó, thấy tôi quyết tâm nên mọi người cũng xuôi dần”, anh Thuần kể.
Năm 2018, Thuần nhờ người thân, cán bộ xã vận động người dân tham gia hợp tác xã kiểu mới. Tuy nhiên, việc vận động rất khó khăn, do người dân từng chứng kiến nhiều hợp tác xã kiểu cũ làm ăn thất bại, thua lỗ và phải giải tán, nên họ sợ tham gia. Chưa kể, nhiều lời bàn tán nói chàng thạc sĩ luật không đủ chuyên môn, không đủ đam mê với đồng ruộng, sẽ bỏ giữa chừng.
Với sự quyết tâm, chàng trai này đã thuyết phục, đưa ra các quyền lợi nên nhiều nông dân đổi ý, quyết định tham gia hợp tác xã.
Hợp tác xã nông nghiệp Long Hiệp của Thuần xây dựng chuỗi giá trị lúa gạo, tức đứng ra mua lúa giống, phân thuốc với giá thấp hơn thị trường giao cho xã viên, sau đó hỗ trợ kỹ thuật canh tác, thu mua lúa khi cuối vụ, rồi đem đi xay xát, đóng bao, xây dựng thương hiệu gạo bán ra ngoài.
Từ đó, xã viên giảm được chi phí đầu vào rất lớn và không lo đầu ra. Đặc biệt, cuối năm, các xã viên còn được chia lợi nhuận theo tỷ lệ sử dụng dịch vụ của hợp tác xã cùng các chính sách mà ngành chức năng địa phương hỗ trợ.
“Hợp tác xã nông nghiệp Long Hiệp ra đời hoạt động với 51 thành viên tham gia góp vốn điều lệ 700 triệu đồng, sản xuất trên diện tích 50ha và bao tiêu sản phẩm của nông dân với giá cao hơn thị trường 300 đồng/kg, trong đó có 20ha diện tích sản xuất lúa hữu cơ”, anh Thuần nhớ lại.
Ban điều hành hợp tác xã khi đó là 6 người trẻ có trình độ thạc sĩ, cử nhân; Thuần làm Chủ tịch HĐQT kiêm giám đốc hợp tác xã. Sau 4 năm hoạt động, hợp tác xã tăng lên 72 xã viên, sản xuất trên diện tích 220ha. Trong đó, có 20ha ở xã Đông Xuân, huyện Duyên Hải làm mô hình lúa – tôm 1 vụ/năm.
Để phát triển bền vững, hợp tác xã thuê 2 nhân sự có bằng cấp cử nhân về hỗ trợ, một người là kế toán, người kia là cán bộ kỹ thuật trồng lúa kiêm phó giám đốc.
Thuần còn tận dụng các mối quan hệ bạn bè khi học thạc sĩ để tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm gạo, đưa nghề sản xuất lúa gạo hữu cơ ngày càng phát triển bền vững.
Chàng trai này chủ động đi giới thiệu gạo tại các hội chợ, hội thảo và liên kết tiêu thụ tại một số công ty, chuỗi cửa hàng bán sản phẩm sạch, OCOP. Ngoài ra, anh còn bán thô trực tiếp cho các công ty xuất khẩu và thương lái.
Khi có đối tác, anh quyết định chuyển sang làm sản phẩm gạo sạch từ hạt lúa hữu cơ và xây dựng thương hiệu gạo riêng cho mình. Thuần là một trong những người đầu tiên ở Trà Vinh xây dựng thương hiệu gạo riêng là “Hạt Ngọc Rồng”.
Sản phẩm gạo “Hạt Ngọc Rồng” của hợp tác xã nông nghiệp Long Hiệp đã đạt chuẩn sản phẩm OCOP 4 sao.
Hiện đa số các xã viên hợp tác xã nông nghiệp Long Hiệp gieo sạ các giống lúa như ST25, OM18, OM5451. Riêng vụ hè thu vừa qua, năng suất lúa đạt từ 6-7,5 tấn/ha, cao hơn năm 2023. Với giá khoảng 8.000 đồng/kg, sau khi trừ vốn khoảng 6.800 đồng/kg, người dân lời 1.200 đồng/kg.
Anh Thuần khởi nghiệp thành công với mô hình kinh tế hợp tác xã. Ảnh: T.X
Sự hỗ trợ của địa phương
Thạc sĩ Thuần chia sẻ, trong quá trình vận hành phát triển hợp tác xã nông nghiệp Long Hiệp, anh đã tranh thủ tận dụng được tối đa các chính sách của địa phương.
Theo đó, hợp tác xã được hỗ trợ 3 tỷ đồng để đầu tư kho hàng với sức chứa 3.000 tấn lúa theo Quyết định 298 của UBND tỉnh Trà Vinh. Quyết định nói trên của UBND tỉnh cũng chi trả lương cho 2 nhân sự có bằng cấp cử nhân khi hỗ trợ tại hợp tác xã.
Hợp tác xã Long Hiệp còn được hỗ trợ 600 triệu đồng để xây trụ sở; đất thuê làm trụ sở cũng được nhà nước hỗ trợ theo dạng không thu tiền sử dụng đất…
Theo anh Thuần, ngành chức năng tỉnh Trà Vinh rất quan tâm đến kinh tế tập thể, ưu tiên phát triển lĩnh vực nông nghiệp. Do đó, có nhiều chính sách thúc đẩy liên kết. Khi có chính sách phù hợp với lĩnh vực hoạt động của hợp tác, anh đều chủ động đem nộp hồ sơ.
Không những xin được hưởng chính sách hỗ trợ cho hợp tác xã, anh còn đang làm hồ sơ xin 10 nhà lưới cho người dân địa phương.
Về định hướng phát triển hợp tác xã trong thời gian tới, anh Thuần sẽ mua máy bay không người lái (drone) để làm dịch vụ phun thuốc, bón phân. Trong giai đoạn 2025-2030, sẽ tăng thêm 30% diện tích vùng trồng lúa cho hợp tác xã (khoảng 100ha), cùng với đó là tăng sản lượng bao tiêu và hướng tới xuất khẩu.
Anh Thuần kiểm tra lúa trong kho. Ảnh: T.X
Theo anh Thuần, năm nay, lợi nhuận của hợp tác xã nông nghiệp Long Hiệp mang lại cho xã viên khoảng 1,4 tỷ đồng; năm 2023 là 1,1 tỷ.
Hồi năm 2020, Thuần được Trung ương Đoàn trao giải thưởng Lương Định Của. Năm 2021, anh đạt danh hiệu Top 100 doanh nhân trẻ khởi nghiệp xuất sắc.
Ngoài ra, anh còn được tặng hàng loạt bằng khen, giấy khen của nhiều đơn vị khác. Hiện anh là Phó chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Trà Vinh.
Vietnamnet.vn
Nguồn:https://vietnamnet.vn/chang-thac-si-ve-que-ru-nong-dan-lam-an-gio-co-hop-tac-xa-loi-nhuan-tien-ty-2322807.html
การแสดงความคิดเห็น (0)