Ở TP Bremen – nơi tôi đang sinh sống và làm việc, dù không còn các hoạt động cộng đồng song trên các diễn đàn của người Việt, việc mua bán hàng hóa dành riêng cho dịp Tết vẫn diễn ra tấp nập, đặc biệt là những loại trái cây được nhập từ Việt Nam như mãng cầu, dừa hay các món ăn truyền thống được làm theo đơn đặt hàng như dưa muối hay bánh chưng, bánh tét.
Một số tiệm tạp hóa chuyên bán đồ châu Á do người Việt làm chủ cũng nhận đặt thực phẩm theo yêu cầu và tăng nhẹ giá bán một số mặt hàng cần thiết cho dịp năm mới như lá chuối đông lạnh hoặc nếp.
Nhìn chung, giá cả hàng hóa có phần đắt đỏ hơn do mức lạm phát kỷ lục – 5,3% tính đến tháng 12-2021, theo cơ quan thống kê của Đức.
Đặc biệt hơn, do đây là lần đầu tiên sau hơn 2 năm rưỡi đại dịch, Việt Nam mở lại một vài đường bay thương mại với châu Âu và một số nước châu Á (như Thái Lan, Singapore), rất nhiều du học sinh và người lao động Việt Nam ở Đức đang săn lùng vé giá rẻ để kịp về thăm nhà trước giao thừa.
Cuộc sống dù biến động ra sao thì người Việt ở Đức cũng có mâm cơm ngày Tết với các món ăn truyền thống
Ngoài chuyến bay chính thức về Hà Nội do Vietnam Airlines và Bamboo Airways vận hành, người Việt còn săn lùng cả những chuyến bay về nước theo đường từ Campuchia, Thái Lan hoặc Singapore, dù các chuyến bay này có hành trình khá vất vả và nguy cơ bị hủy chuyến cao hơn.
Chính sự thiếu hụt nguồn cung vé máy bay đã dẫn đến một vài vụ lừa đảo từ các đại lý giả mạo tại Đức. Họ lợi dụng lòng tin và sự sốt ruột muốn về thăm nhà dịp Tết của nhiều người Việt để tạo tài khoản ảo, bán vé khống rồi khóa các tài khoản mạng xã hội sau khi đã nhận tiền của nạn nhân, thu lợi bất chính.
Sau rất nhiều nỗ lực để tiêm ngừa vắc-xin và nhiều tháng trời đóng cửa một phần nền kinh tế, cả châu Âu đang dần học cách để sống chung với dịch. Đối với người Đức bản xứ, họ cũng đã quen với việc đeo khẩu trang, rửa tay hoặc giữ khoảng cách nơi đông người – những việc mà thời gian đầu dịch bệnh, chính quyền Đức phải rất vất vả để đưa vào thực thi.
Tuy vậy, 2 năm dịch bệnh cũng đã thay đổi nhiều mặt cuộc sống nơi đây mà có lẽ phải mất rất lâu nữa để có thể cải thiện. Đó là sự chia rẽ giữa những người ủng hộ và phản đối việc tiêm ngừa vắc-xin bắt buộc, giữa những người ủng hộ và phản đối các biện pháp kiểm soát dịch của chính phủ.
Những mâu thuẫn mới này đào sâu thêm những mâu thuẫn xã hội đã tồn tại trước đó về sắc tộc, vấn đề người nhập cư hay vấn đề hội nhập châu Âu. Nhiều cuộc biểu tình lớn nhỏ đã diễn ra trên khắp nước Đức trong năm qua, mặc cho các quy định hạn chế tụ tập của chính phủ.
Một trong những thay đổi có ảnh hưởng trực tiếp đến cộng đồng người Việt là làn sóng kỳ thị người gốc Á đến từ một bộ phận người Đức da trắng và cả những người Đức nhập cư không có gốc Á.
Dù không phức tạp như ở Mỹ nhưng cộng đồng người Việt ở Đức trong 2 năm qua cũng gặp không ít trường hợp bị tấn công bằng cả lời nói lẫn hành động. Điều này vô tình làm cho một bộ phận người Việt, đặc biệt là các bạn du học sinh xa nhà, sống khép kín hơn, góp phần dẫn đến tình trạng cô đơn hoặc trầm cảm ở người Việt trẻ trong đại dịch.
Mối quan tâm hàng đầu của chính phủ Đức trong năm 2022 là tiếp tục triển khai mũi vắc-xin tăng cường để ngăn cản làn sóng Omicron, cũng như vực dậy nền kinh tế và các hoạt động dịch vụ, giải trí.
Những tháng sau Tết cũng sẽ là lúc người Việt ồ ạt trở về thăm nhà, nhất là khi các chuyến bay thương mại mở ra nhiều hơn và dịch bệnh ở Việt Nam được kiểm soát tốt. Mong rằng Nhâm Dần sẽ là một năm tươi sáng với người Việt cũng như người dân trên toàn thế giới.