Má nói, dù là người có kinh nghiệm lâu năm trong việc canh lửa cũng không thể nấu một nồi cơm củi mà không có… cơm cháy. Cơm cháy như một bảo chứng cho độ ngon của cơm nấu củi.
Tuổi thơ tôi trôi qua êm đềm cùng những sợi khói quê. Những năm 1980, mé ngoại thành Sài Gòn vẫn là chốn bưng biền, cảnh sắc không khác miền Tây với sông rạch chằng chịt: những cánh đồng bát ngát, những rặng dừa nước xanh um một màu khắp các triền sông.
Xóm tôi, cái thời dây điện chỉ mới được kéo ngoài mé lộ, những nhà trong ruộng đồng chỉ dám xài bình sạc, thắp được mỗi cái bóng đèn bé tẹo nên phải tiết kiệm, đa phần xài đèn dầu. Bóng đèn ấy phải để dành cho những dịp quây quần giỗ quải, lễ Tết. Đèn đóm thì vậy, còn nấu nướng chỉ thuần bếp củi, xác trấu, xác mía, vỏ dừa khô, rơm rạ sau vụ mùa…
Nhà nào làm nông nhất định sẽ có một cái sân thiệt rộng để phơi lúa. Nhà nào làm vườn sẽ có một chái bếp sau nhà thiệt dài để chất vài cự củi ngay ngắn từ những thứ cành cây khô trong vườn.
Nhà tôi làm nông nên cũng có khoảnh sân rộng, không lót gạch tàu, chỉ là một nền đất nện từ đất đáy sông rất dẻo, nén chặt lâu ngày bằng phẳng, láng o như trét hồ dầu. Tôi thương cái khoảnh sân nhà mình vô cùng. Vì ở đó, Tết hiện diện đầu tiên, rõ rệt nhất, năm nào cũng vậy.
Đầu chạp, cha bắt đầu ra vườn, gom những tàu lá dừa, những cành xoài khô, mớ chà tràm rồi chặt khúc đều nhau, trải sân phơi. Nắng tháng chạp đanh giòn nên chỉ cần vài ba bữa là củi trên sân đã khô queo. Lúc này, cha tỉ mỉ chất thành một cự củi dài, thẳng tắp sau hè.
Nhà hàng xóm cũng chung một nhịp, sân phơi nhà ai cũng trải đầy củi đủ loại. Nhà nào có điều kiện sẽ mua hẳn vài xe củi dạt từ cây gỗ của mấy trại mộc gần đó: củi mít, củi tràm, củi thông…
Cái cự củi nhìn giản dị vậy nhưng có khi là thước đo cho sự chu toàn của đàn ông – trụ cột trong nhà. Qua thăm nhà, các cô các dì nhất định sẽ ghé mắt ngó cái cự củi là biết ông chồng nhà này có thương vợ con hay không. Đàn bà giữ lửa cho tổ ấm. Nhưng đàn ông mới chính là người mang lửa về nhà.
Ngày thường, cái cự củi có thể xuề xòa chút ít. Nhưng Tết tới là phải tươm tất chỉnh tề, đầy đặn, gọn gàng. Từ mớ củi đó mà có những đòn bánh tét, những nồi thịt kho tàu đầy ứ, những tô canh khổ qua, những nồi măng hầm thơm lừng cho Tết vẹn tròn.
Tinh mơ mùng một năm nào cả nhà cũng được quây quần bên đống un có củi lẫn xác lá khô, rơm khô để hong ấm đôi tay trong tiết trời lạnh tê của ngày đầu năm, bắt đầu câu chuyện của năm mới thật ấm áp.
Những sợi khói len lỏi giữa những ngón tay trước khi tan biến cũng để lại mùi thơm rất lạ. Nó mang một chút cay nồng của lá khuynh diệp hay lá sả, một chút the the của lá chanh khô; cùng âm thanh tí tách giòn giã của củi ổi, củi bần…
Những bữa cơm nấu từ bếp củi cũng thật thơm, nhất là mùi thơm của lớp cơm cháy dính đáy nồi. Má nói, dù là người có kinh nghiệm lâu năm trong việc canh lửa cũng không thể nấu một nồi cơm củi mà không có… cơm cháy. Cơm cháy như một bảo chứng cho độ ngon của cơm nấu củi.
Riêng tôi vẫn nhớ hoài mùi khói bếp còn vương vất trên mấy hột cơm trắng ngà của mâm cơm ngày Tết. Thứ mùi mà bây giờ, trong phố thị đông đúc này, ước một lần được bắc nồi cơm trên bếp, nấu bằng mấy khúc củi rút từ cự củi của cha làm để nghe mùi cơm thơm mùi khói, mà đâu thể nào được nữa…
Nguồn: https://tuoitre.vn/tet-ve-nho-soi-khoi-que-20241229112213417.htm