Trung thu là dịp để chúng ta nhìn lại bản thân và nhận ra rằng hạnh phúc không phải là khi ta có tất cả, mà là khi ta biết chia sẻ với những người xung quanh.
Cô giáo Tống Thu Lan (Chủ nhiệm lớp 6A4, Trường THCS Kim Giang, Thanh Xuân, Hà Nội) trao đổi với học sinh về sự sẻ chia, tử tế trong dịp Tết Trung thu. |
Tết Trung thu là dịp để mọi người quây quần bên gia đình, bạn bè, thưởng thức những chiếc bánh nướng, bánh dẻo thơm ngon; trẻ được rộn ràng rước đèn, “trông trăng”. Tuy nhiên, Trung thu năm nay rất khác bởi còn có những mảnh đời đang phải đối mặt với những khó khăn, mất mát do thiên tai, đặc biệt là đồng bào vùng lũ ở miền Bắc.
Theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, năm nay, các chương trình, sự kiện Trung thu được rút ngắn, tập trung vào việc tặng quà cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt là ở các vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo, những vùng chịu ảnh hưởng của thiên tai, lũ lụt.
Trung thu năm nay đầy cảm xúc, các hoạt động được tổ chức giản dị, nhiều món quà nhỏ của học sinh được gửi đến các bạn nhỏ vùng bão lũ. Nhiều tỉnh, thành, đơn vị, trường học đã quyết định dừng các hoạt động vui chơi để dành kinh phí ủng hộ đồng bào bị ảnh hưởng bởi bão số 3. Trong bối cảnh đồng bào đang chịu ảnh hưởng nặng nề từ bão lụt, Tết Trung thu là cơ hội để thể hiện lòng nhân ái và tinh thần sẻ chia.
Khi cơn bão dữ qua đi, để lại những cảnh tượng đau lòng của sự mất mát, thì sự giúp đỡ từ cộng đồng và các tổ chức từ thiện trở nên vô cùng quan trọng. Những hoạt động như quyên góp, trao tặng quà, tổ chức hoạt động thiện nguyện không chỉ giúp giảm bớt nỗi đau cho những người bị ảnh hưởng, mà còn truyền đi thông điệp về sự gắn bó và trách nhiệm của cộng đồng đối với nhau. Những hành động nhỏ bé, dung dị nhưng có thể mang lại niềm vui và hy vọng cho những người đang gặp khó khăn.
“Trong bối cảnh đồng bào đang chịu ảnh hưởng nặng nề từ bão lụt, Tết Trung thu là cơ hội để thể hiện lòng nhân ái và tinh thần sẻ chia”. |
Thật vậy, mỗi chúng ta không khỏi đau lòng trước hình ảnh những ngôi nhà ngập chìm trong nước, những mái ấm tan hoang, những gương mặt trẻ thơ thu mình một góc, nhiều trẻ không được đến trường, nhiều học sinh năm nay không được đón Tết Trung thu… Trung thu không chỉ là dịp để chúng ta vui chơi, mà còn là cơ hội để thể hiện tình yêu thương, sự quan tâm đến những người kém may mắn hơn. Mỗi món quà gửi đến vùng lũ đều mang theo thông điệp ấm áp, sẻ chia những khó khăn với đồng bào, cũng là cơ hội giáo dục lòng nhân ái cho trẻ.
Tết Trung thu, chúng ta không quên nhiệm vụ quan trọng là giáo dục lòng nhân ái cho thế hệ trẻ. Trẻ em là tương lai của đất nước, việc giáo dục về lòng nhân ái, sự sẻ chia và trách nhiệm với cộng đồng là cực kỳ quan trọng để tạo ra những con người tử tế trong tương lai. Hãy tạo cơ hội cho trẻ tham gia vào các hoạt động tình nguyện, từ việc quyên góp quần áo cũ, sách vở đến việc tham gia các buổi gây quỹ từ thiện. Bằng cách này, trẻ sẽ hiểu rằng, việc giúp đỡ người khác không chỉ là nghĩa vụ, mà còn là một phần trong cuộc sống của mỗi chúng ta, bởi “cho đi là nhận lại”.
Cùng với đó, phụ huynh và giáo viên cũng nên khuyến khích trẻ em thể hiện lòng nhân ái qua những hành động nhỏ hàng ngày, như giúp đỡ bạn bè, chia sẻ đồ chơi, hay đơn giản là lắng nghe và quan tâm đến người khác. Những hành động này sẽ giúp trẻ xây dựng thói quen và tư duy tích cực về việc giúp đỡ và sẻ chia.
“Tết Trung thu là dịp để gieo mầm thiện trong lòng trẻ thơ. Bằng những hoạt động thiết thực và ý nghĩa có thể giúp trẻ hình thành những phẩm chất tốt đẹp, trở thành những công dân có ích cho xã hội”. |
Bên cạnh đó, Trung thu cũng là dịp để chúng ta nhìn lại bản thân và nhận ra, hạnh phúc không phải là khi ta có tất cả, mà là khi ta biết chia sẻ với những người xung quanh. Lòng nhân ái, sự đồng cảm là những giá trị cao đẹp mà chúng ta cần trân trọng, gìn giữ và phát huy.
Tuy nhiên, việc giáo dục lòng nhân ái cho trẻ là một quá trình lâu dài, cần sự kiên trì và thực hành liên tục. Gia đình là môi trường đầu tiên và quan trọng nhất để hình thành nhân cách cho trẻ. Hãy tạo ra một không khí gia đình ấm áp, yêu thương để trẻ cảm thấy an toàn và hạnh phúc. Hãy xem đây là dịp để gieo mầm thiện trong lòng trẻ thơ. Bằng những hoạt động thiết thực và ý nghĩa có thể giúp trẻ hình thành những phẩm chất tốt đẹp, trở thành những công dân có ích cho xã hội.
Năm nay, trong thư chúc Tết Trung thu gửi thiếu niên, nhi đồng cả nước, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã viết: “Bác rất mong muốn mỗi Trung thu các cháu lại có được một cái tết vui vẻ hơn, đầy đủ hơn, ý nghĩa hơn cả về vật chất và tinh thần bởi sự chăm lo của gia đình, nhà trường, xã hội cho các cháu…Trung thu năm nay không được trọn vẹn bởi thiên tai đã gây ra những hậu quả nặng nề đối với nhiều gia đình, thôn xóm, bản làng, phường xã. Nhiều cháu thiếu nhi không may bị cướp đi sinh mạng; nhiều cháu mất người thân, mất nhà cửa, sống trong hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Bác xin gửi lời chia buồn sâu sắc nhất tới thân nhân, gia quyến các cháu là nạn nhân của bão lũ và hy vọng tất cả chúng ta hãy dũng cảm vượt qua đau thương, mất mát này…”.
Hãy để Tết Trung thu không chỉ là một ngày lễ, mà còn là một dịp để khơi dậy tinh thần đoàn kết, sẻ chia và lòng nhân ái trong mỗi chúng ta. Bằng những hành động thiết thực và ý nghĩa, chúng ta có thể làm cho mùa Trung thu này trở nên đặc biệt hơn như câu câu hát “Người Việt Nam da nâu, mắt đen, thảo thơm bất khuất như cành sen”… trong bài “Một vòng Việt Nam”. Hơn thế, Tết Trung thu cũng là cơ hội để chúng ta nhìn nhận và thực hành những giá trị nhân ái trong cuộc sống. Qua đó, không chỉ tạo ra môi trường sống tốt đẹp hơn mà còn xây dựng một thế hệ tương lai đầy lòng nhân ái và trách nhiệm.
Nguồn: https://baoquocte.vn/tet-trung-thu-nam-nay-rat-khac-286628.html