Một phần tuổi thơ của chị em tôi – những đứa trẻ lớn lên ở phố thị nhỏ thời bao cấp đầy khó khăn gắn với những đêm canh nồi bánh chưng bên ánh lửa bập bùng trong cái rét ngọt đặc trưng của miền Bắc.
Tầm 25, 26 tháng Chạp, bố mẹ lần lượt mang về những xâu thịt nặng trĩu được chia ở cơ quan. Bố hì hục rửa, thái và chia thành các phần: phần để nấu đông, phần để ướp xá xíu, phần để làm nhân bánh chưng…
Mẹ đi ra đi vào phụ giúp bố, luôn miệng “no ba ngày Tết, đói ba tháng hè, cả năm đủ đầy như thế này thì tốt biết mấy”. Những dải thịt ba chỉ ngon nhất, tươi nhất được bố cẩn thận cho vào cái nồi đại cùng lời dặn “chỗ này để gói bánh chưng nhé!”.
Đang chăm chú dõi theo công cuộc chia thịt của bố, chị em tôi cùng “vâng ạ” một tiếng rõ to. Trong suy nghĩ của chúng tôi ngày ấy, phần thịt làm nhân bánh có vị trí rất quan trọng, hơn hẳn cái đám xá xíu, nấu đông kia, còn tại sao thì không giải thích được.
Công đoạn được lũ trẻ mong chờ nhất là gói bánh chưng. Nhiệm vụ quan trọng này được thực hiện bởi ông bà nội. Chúng tôi tíu tít quét sân, trải chiếu, bê lá dong… rồi cùng ngồi ngay ngắn xung quanh đợi ông bà. Những chiếc lá dong xanh mướt được mẹ rửa sạch sẽ, lau khô, tước kĩ phần sống lá, xếp ngay ngắn trên những chiếc mẹt tre nâu bóng màu thời gian.
Những nắm đỗ xanh tròn vo, vàng óng cũng đã yên vị trong âu sành cạnh thúng gạo nếp trắng tinh, đầy có ngọn. Thịt ba chỉ đã được thái thành miếng ướp chút muối, trộn đều với hạt tiêu, hành khô băm nhỏ… Tất cả đã vào vị trí, chỉ đợi ông bà nội ngồi xuống chiếu là việc gói bánh bắt đầu.
Nhưng, năm nào cũng vậy, dù nguyên liệu đã được bố mẹ tôi chuẩn bị đầy đủ; dù 3 chị em tôi đã mỗi đứa một vị trí, đứa cạnh mẹt lá dong, đứa bên âu đậu xanh… thì ông nội vẫn nhìn quanh một lượt, hỏi: “mấy đứa có mặt cả chưa?” rồi mới thủng thẳng ra giếng rửa chân tay. Trước đó, ông cũng đã thay chiếc áo mới, đội lên đầu chiếc khăn xếp vốn chỉ dùng những dịp lễ, tết quan trọng.
Bà nội thì đã mặc sẵn chiếc áo màu tím hoa cà, đang tranh thủ nhai miếng trầu trong khi đợi ông. Cô bé 12 – 13 tuổi là tôi cứ thắc mắc mãi vì không hiểu tại sao lần nào gói bánh, ông cũng yêu cầu 3 chị em phải có mặt. Sự tham gia của chúng tôi chỉ khiến ông bà thêm bận rộn, bởi lúc thì thằng út làm rơi gạo nếp khắp chiếu, lúc thì thằng hai bị bà bắt quả tang ăn vụng đậu xanh…
Dù vậy, ông vẫn yêu cầu mẹ tôi sắp xếp buổi gói bánh chưng vào cuối tuần để chúng tôi đều được tham gia. Khoảng thời gian đợi ông làm các thủ tục trước khi gói bánh thật dài, bù lại, lúc gói bánh thì thật vui, bởi đứa nào cũng được ông bà hướng dẫn cách gói. Ba chiếc bánh nhỏ xinh, méo cạnh, lỏng lẻo “không khác gì đùm mắm tôm” (theo lời của mẹ) nằm bên những chiếc bánh vuông vức, đều chằn chặn, màu lạt trắng nổi bật trên nền lá dong xanh, trông như mấy chú lợn con đang nũng nịu bên cạnh bố mẹ, ông bà.
Rồi nồi được bắc lên, từng chiếc bánh được ông cẩn trọng đặt vào nồi, chiếc trên chiếc dưới ngay ngắn, thẳng hàng; rồi những gộc củi to từ từ đượm lửa, màu lửa hồng dần lên, từ hồng chuyển sang đỏ rực, thỉnh thoảng lại kêu lách tách. Tất cả đã tạo nên một phần ký ức không thể quên trong những năm tháng tuổi thơ nghèo khó nhưng hạnh phúc. Nhờ những chiều cuối năm bên ông bà, đến giờ chúng tôi ai cũng biết gói bánh, cái nào cũng vuông vắn, chắc chắn như dùng khuôn vậy.
Tạp chí Heritage