Để bảo vệ rừng cũng như phát huy phong tục, tập quán truyền thống lâu đời của người H’Mông Nà Hẩu, hằng năm, nhân dân trong xã đều tổ chức Tết rừng.
Tết rừng được dựa trên ý nghĩa lịch sử truyền thống và tập tục lâu đời của dân tộc H’Mông với ý nghĩa cảm tạ trời đất, cảm ơn thần rừng, thần núi, cầu mong các vị thần che chở, bảo vệ và giúp con người có cuộc sống mạnh khỏe, hạnh phúc, bình yên; cho cây cối, gia súc, gia cầm phát triển, cho sự trường tồn của các dòng họ cùng với màu xanh ngút ngàn của những cánh rừng nguyên sinh.
Người dân trong xã Nà Hẩu giơ tay thề giữ rừng. (Ảnh THANH SƠN). |
Tết rừng đã có từ khi người H’Mông Nà Hẩu di cư đến đây lập bản, trở thành nét sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng dân gian, tạo ra sắc thái văn hóa riêng nơi đây.
Theo truyền thống, Tết rừng Nà Hẩu được tổ chức vào ngày âm lịch cuối cùng của tháng Giêng hằng năm.
Cả 3 bản xã Nà Hẩu đều có một khu rừng cấm, rừng thiêng nằm ở địa thế đẹp nhất của bản, hội tụ đầy đủ linh khí của trời đất để thờ thần rừng.
Mở đầu là nghi lễ rước lễ vật lên khu rừng cấm. Nghi thức độc đáo, trang nghiêm của buổi lễ diễn ra trước cửa rừng, dưới gốc cây táu mật cổ thụ. Lễ vật để dâng cúng thần rừng gồm một cặp gà trống-mái, một con lợn đen, rượu, hương, giấy bản. Lợn đen được giao cho 2 chàng trai và 2 cô gái đưa lên khu rừng cấm.
Thầy Mo làm lễ cúng thần rừng. (Ảnh THANH SƠN). |
Đến giờ lành, thầy cúng kính cẩn dâng hương, lần lượt quay về bốn phía gõ mõ và khấn mời thần linh về chứng giám, hưởng lễ vật, phù hộ, ban lộc rừng cho người dân, cầu cho mưa thuận gió hòa, cây cối tốt tươi, mùa màng bội thu…
Sau đó, thầy cúng cùng một số thanh niên trong xã thực hiện việc cắt tiết gà, tiết lợn, lông của gà được phết máu và dán lên gốc cây cổ thụ.
Sau lễ hội Tết rừng, 3 bản của xã Nà Hẩu đều cấm rừng 3 ngày để tạ ơn thần rừng đã che chở, nuôi sống đồng bào bao đời nay.
Trong thời gian này, mọi người tuyệt đối thực hiện các điều kiêng kỵ theo luật tục. Đó là không đi vào rừng chặt cây xanh, không đem lá xanh từ rừng về nhà, không đào củ, bẻ măng, không đào đất, không thả rông gia súc, không phơi quần áo ngoài trời, không xay ngô, giã gạo….
Lễ hội Tết rừng Nà Hẩu không chỉ là nghi lễ độc đáo có ý nghĩa tâm linh cầu phúc, góp phần bảo tồn các giá trị vật chất, tinh thần trong cộng đồng các dân tộc mà còn góp phần thiết thực vào công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên rừng cũng như bảo vệ môi trường sinh thái, bảo tồn sự đa dạng sinh học Khu bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu nói riêng và trên địa bàn huyện Văn Yên nói chung.
Ra quân trồng cây làm du lịch. (Ảnh THANH SƠN). |
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Văn Yên Lã Thị Liền cho biết, Nà Hẩu là xã đặc biệt khó khăn của huyện Văn Yên, có diện tích tự nhiên gần 5.700ha, toàn xã có hơn 500 hộ, với gần 2.300 khẩu, trong đó dân tộc H’Mông chiếm 92%.
Xã nằm trong vùng lõi của Khu bảo tồn thiên nhiên, có địa hình như một lòng chảo khổng lồ giữa thung lũng, có điều kiện khí hậu đặc trưng rất mát mẻ với nhiệt độ trung bình trong năm khoảng 23 độ C.
Khu bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu là nơi lưu giữ một hệ sinh thái động, thực vật phong phú và đa dạng, với vẻ đẹp của những cánh rừng già thâm nghiêm, tán rừng nguyên sinh, mang lại cho Khu Bảo tồn một bầu không khí thật trong lành, tinh khiết và đưa con người trở nên gần gũi với thiên nhiên hơn bao giờ hết.
Tết rừng của người H’Mông xã Nà Hẩu năm nay đã được nâng cấp lên cấp huyện tổ chức, với chủ đề “Độc đáo Tết rừng của người H’Mông Nà Hẩu”. Với thế mạnh riêng có về thiên nhiên, con người nơi đây, xã Nà Hẩu đang được huyện Văn Yên xây dựng trở thành xã du lịch trọng điểm của huyện.
Người dân trong xã tham gia trồng cây. (Ảnh THANH SƠN). |
Yên Bái khởi động Tháng Thanh niên năm 2024
Ngay sau khi lễ cúng rừng, nhân dân trong vùng đã cùng nhau trồng được 1.200 cây phong linh trên các tuyến đường của xã, góp phần quảng bá những nét đẹp văn hóa địa phương, phát triển du lịch cộng đồng, từng bước thu hút khách du lịch đến tham quan rừng sinh thái, khám phá sự kỳ thú của các thác nước và hang động, thưởng thức các sản phẩm ẩm thực của dân tộc H’Mông, tạo điều kiện để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương.