(NLĐO) – Càng gần Tết, những cuộc gặp qua video call gia đình càng nhiều hơn. Chị em tôi hoài niệm về quá khứ, nhớ nhung những cái Tết xa xưa, những năm tháng má còn khỏe mạnh.
Từ TP HCM về quê hương Tiền Giang chưa tới 2 giờ đi xe, những ngày cuối tuần, chị em tôi thường hẹn nhau tụ tập tại ngôi nhà thờ ba má để ngủ một đêm “tâm sự” chuyện trong nhà ngoài phố.
Chị em tôi cùng gói bánh tét chuẩn bị cho Tết
Sáng sớm, tôi thường xách giỏ tản bộ trên con đường quê mát rượi, thoang thoảng mùi hương cỏ dại, ríu rít tiếng chim. Điểm dừng chân là ngôi chợ ở đầu làng, lựa mua lủ khủ: Thịt, tôm, cá, rau củ trái cây, đặc biệt là các loại bánh gắn liền với tuổi thơ, nuôi chúng tôi khôn lớn. Về nhà bày biện nấu một bữa trưa đậm chất quê, cùng nhau ăn rồi lại chia tay mỗi người một nơi. Chỉ vậy thôi mà mà tuần mới nơi phố thị như tràn năng lượng, vài ba tuần thấy thiếu lại hẹn nhau về. Còn ba ngày tết, gia đình tôi có thông lệ con cháu tề tựu ở căn nhà thờ ba má.
Rồi đại dịch Covid-19 ập tới kéo dài hơn nữa năm, “ai ở đâu ở yên đó” hạn chế dịch lây lan. Những cuối tuần, ngày giỗ ba má, những ngày lễ lớn trong năm lần lượt trôi qua. Ngày Tết cũng ngấp nghé cận kề, mà số ca nhiễm không có dấu hiệu dừng lại, một vài người quen ra đi vì Covid-19. Lòng bất an, nhớ quê, nhớ chị em da diết! Đêm đêm lật lại hình ảnh chị em xúm xít bên nhau thời chưa có dịch xem mà ứa nước mắt.
Càng gần Tết, những cuộc gặp qua video call gia đình càng nhiều hơn. Chị em tôi hoài niệm về quá khứ, nhớ nhung những cái tết xa xưa, những năm tháng má còn khỏe mạnh. Cuộn phim ký ức về ngảy tết cứ hiện về…
Tờ mờ sáng 28 tháng Chạp trời lạnh thấu xương, má cùng chị Hai khoác áo ấm, xách giỏ lên xóm trên chia thịt heo, rồi khệ nệ mang về sơ chế phân loại: Thịt ba rọi dùng kho nước dừa, đùi gọ làm nem, da và má đầu heo làm bì, rồi nào là lạp xưởng, thịt luộc, thịt dồn khổ qua…Chị em tôi mỗi đứa cây dao cái thớt, chờ má đưa ra miếng nào yêu cầu làm gì là xắt kiểu đó. Chỉ có 3 ngày Tết thôi nhưng chuẩn bị đủ thứ làm từ sáng sớm đến tận khuya mới xong, ai cũng mỏi rã rời nhưng thật vui.
Đáng nhớ nhất ngày 30 Tết gói bánh tét, nhắc đến món bánh tét của má mà thèm ơi là thèm. Khoanh bánh bên màu xanh phần nếp chắc nịch dẻo béo ngậy, nhưn chuối đỏ rực tươm mật; còn nhưn đậu thật bùi, béo, miếng mỡ heo trong veo tan liền nơi đầu lưỡi, được má nêm vừa miệng có vị mặn ngọt đan xen, ngon làm sao! Thật tình mà nói, từ ngày má qui tiên, tôi chưa ăn lại được khoanh bánh tét nào ngon đến vậy.
Má tôi rất kỹ trong khâu chọn nguyên liệu, nếp gói bánh phải là nếp hương, theo má loại này mới có độ dẻo mùi thơm tự nhiên. Từ giữa tháng Chạp là má đã đặt mua của những chỗ quen; trước Tết một tuần má ra vườn chọn những buồng chuối xiêm thật già chặt về dú cho chín mùi, phần lá chuối phơi để gói bánh, thân chuối chẻ dọc phơi héo làm dây cột bánh.
Tối 29 Tết, má trút nếp ra đãi, lấy chuối ra lột vỏ chẻ làm tư, ướp chút muối đường; còn đậu xanh ngâm qua đêm đãi vỏ lựa bỏ những hạt sượng, thịt ba rọi có nhiều mỡ ướp hành tiêu muối đường để qua đêm cho thấm gia vị . Sáng sớm ngày cuối năm, khi chị em tôi còn yên giấc, má lục đục cho nếp vào chảo, nạo dừa vắt nước cốt ngập nếp, rồi thêm chút muối đường để chừng 3 giờ cho nước cốt dừa ngấm vào nếp, sau đó bắt chảo lên bếp xào đến khi nước cốt dừa rút hết vào hạt nếp.
Má là thợ chính ngồi giữa gói bánh, mấy chị tôi làm thợ cột. Còn tôi là chuyên gia… phá! Cứ lấy nếp nhưn gói những cái bánh bé tẹo, mà phải công nhận tôi cũng khéo tay gói cái nào cái nấy đều tăm tắp, ai cũng khen. Mấy mẹ con vừa làm vừa trò chuyện thật rôm rả, má cứ căn dặn cột phải thật chắc tay, nếu không lúc nấu đòn bánh bị bung dây, bánh ninh nước sẽ bở mất ngon. Má nói làm bánh tét rất cực, người ta bán cũng nhiều mua vài đòn về cúng cũng qua cái Tết.
Chị em tôi đã “khôi phục” món bánh tét của má
Má muốn tự tay gói cho hợp khẩu vị và mình làm kỹ lưỡng nên bánh sẽ được giữ lâu hơn, ra giêng thư thả vẫn còn bánh ăn. Và, cái chính là làm cho có không khí Tết. Bỗng giọng chùng lại, má tiếp: “Giờ má còn khỏe thì gói, qua thế hệ má, tụi bây chắc không làm nữa”. Lúc má nói vậy chỉ nghe qua thôi, tôi cũng không suy nghĩ.
Thoáng chốc má tôi về với tổ tiên tròn 10 năm. Đúng như lời má tiên đoán, thông lệ gói bánh tét của má chị em tôi không thể duy trì, cái nồi dùng nấu bánh tét lúc sinh thời má nâng niu, giờ xếp xó mốc meo sau chừng ấy thời gian. Vì mưu sinh mỗi người một nơi, cận kề tết mới sắp xếp về nhà, không có thời gian cũng không đủ khéo léo để gói bánh ngon như má, nơi xa chắc má cũng thông cảm với bầy con.
Trong những tháng ngày giãn cách, điều chúng tôi mong ước là có vắc-xin đủ để tiêm phòng cho mọi người, cùng ý thức tuân thủ “5K” để khống chế được dịch, mọi người được bình an để có cái tết sum vầy tại quê nhà. Chị em tôi hứa hẹn nếu Tết về quê được, nhất định phải khôi phục món bánh tét của má. Thật vui khi mà mấy chị phân công tôi làm thợ chính, do cái tật hồi nhỏ tôi hay phá phách mỗi khi má gói bánh tét, chỉ có tôi mới đủ điều kiện làm “truyền nhân” của má khoản này. Nghe cũng khoái mà cũng hơi lo không biết làm được không, nhưng sẽ cố sức để không phụ lòng má và các chị. Tôi thầm nhủ trong lòng “Má ơi! Năm nay, tụi con nhất định khôi phục nồi bánh tét của má”.
Thành phẩm cuối cùng
Ước nguyện đã thành hiện thực, đầu tháng 10, TP HCM gỡ bỏ giãn cách, rồi lần lượt các địa phương, nhiều nơi trở thành vùng xanh. Những ngày giáp Tết năm nay háo hức lạ thường, đếm từng ngày mong chóng đến để cùng đại gia đình đón cái tết sum vầy trong bối cảnh đại dịch toàn cầu, điều tưởng không thể mà có thể. Khi ấy, chị em tôi sẽ được dịp quây quần bên nồi bánh tét, chờ đón thời khắc thiêng liêng chuyển giao năm mới, để cùng nhau cầu cho một năm mới không còn dịch dã, thế giới bình an!