Nhân viên trường học chịu nhiều thiệt thòi
Tôi được biết chị D., nhân viên cấp dưỡng (hợp đồng khoán việc) một trường tiểu học tại TP.Đà Lạt, phụ trách nấu ăn cho học sinh bán trú. Là mẹ đơn thân với hai con nhỏ, hàng ngày chị D. còn phải kiếm thêm đồng ra đồng vào với công việc bán bánh tráng nướng buổi tối ở hồ Xuân Hương cho du khách.
Ngày cuối năm, nhìn danh sách nhận thu nhập tăng thêm của trường không có tên của mình và những chị em tổ cấp dưỡng, chị D. rưng rưng, tủi thân và lo lắng không biết kiếm đâu những khoản chi tiêu cho gia đình, cho con nhỏ trong những ngày tết sắp tới. Tết với chị D., trở thành nỗi lo âu và ám ảnh.
Còn anh L.B (47 tuổi), nhân viên bảo vệ một trường dân tộc nội trú ở tỉnh Lâm Đồng, không vợ con và đã hơn 10 năm nay không về quê ở Hà Tĩnh ăn tết. Anh B. cho rằng đã quen việc ăn tết ở trong trường học rộng thênh thang, một mình.
Dù nhân viên hợp đồng khoán việc không có tên trong danh sách được chia thu nhập tăng thêm, nhưng nhà trường có khoản chi hỗ trợ cho anh. Điều này giúp tết một mình xa quê của anh B. bớt đi nhiều cảm giác buồn, tủi thân khi cảm thấy mình không bị “đứng ngoài” niềm vui của cơ quan, và có thêm ít tiền để trang trải dịp tết.
Theo Nghị định 68 năm 2000 của Chính phủ, các vị trí bảo vệ, nhân viên cấp dưỡng, tạp vụ trường học ở trường mầm nom, tiểu học, dân tộc nội trú… chuyển sang chế độ làm việc theo hợp đồng khoán.
Dù họ đã nhận mức lương khoán theo hợp đồng nên việc không có thu nhập tăng thêm cuối năm là điều đã được thống nhất khi ký hợp đồng lao động. Tuy nhiên, mức lương thấp, chỉ tạm đủ xoay xở cuộc sống hàng ngày, nhân viên nhà trường phải chịu nhiều thiệt thòi.
Nhìn từ góc độ người quản lý, cũng thật khó để đưa các nhân viên hợp đồng khoán việc vào danh sách chi thu nhập tăng thêm trong quy chế chi tiêu nội bộ để thụ hưởng phúc lợi tập thể. Bởi lẽ ban giám hiệu e ngại nguy cơ thiếu hụt ngân sách của trường; chưa kể đến việc cân đối giữa lương, thưởng giữa các vị trí việc làm khác nhau sao cho công bằng, hợp lý.
Về lý sẽ thật khó để gỡ vấn đề chi thu nhập tăng thêm cho người lao động trong trường học ngày tết. Kể cả công đoàn cũng khó có thể trích nguồn quỹ nào đó để chi riêng, bởi kinh phí của công đoàn thực tế là tiền của tất cả mọi thành viên đóng góp, không thể chi ưu tiên. Chưa kể, mức lương của một giáo viên mới ra trường còn thấp hơn tiền khoán hàng tháng của một nhân viên.
Thế nên, ở đây đòi hỏi sự linh động, sáng tạo trên tinh thần “lá lành đùm lá rách” của nhà trường. Một số trường vận động cán bộ, giáo viên có thu nhập tăng thêm cuối năm góp lại một ít, và dùng để chia cho các cá nhân có hoàn cảnh khó khăn dịp tết, đây là một cách làm hay. Hoặc nhà trường chi hỗ trợ từ nguồn quỹ phúc lợi của nhà trường.
Ở một số nơi, nhà trường vận động các nguồn khác như: đề nghị công đoàn cấp trên hỗ trợ, các tổ chức xã hội có thiện ý nhằm mục đích sao cho mọi công đoàn viên trong trường đều có được một mùa xuân ấm áp, cả vật chất lẫn tình cảm đồng nghiệp.
Mùa xuân đến mang niềm vui và ước vọng đầu năm, mong rằng các trường hãy thật sự linh hoạt, nhân văn trong tính toán cách chi thu nhập tăng thêm cho những người lao động có hoàn cảnh khó khăn trong cơ quan, đơn vị, để mọi người đều được trọn vẹn niềm vui xuân mới. Đây cũng là một yếu tố quan trọng tạo nên một trường học hạnh phúc, cho tất cả mọi người.