Nhà bà Trần Lệ Kim (thường gọi là Dì Kim, 60 tuổi) có hơn 26 năm gói bánh bá trạng, được người dân Q.5, Q.11 khen nức nở nhờ tay nghề điêu luyện khiến chiếc bánh mềm thơm, nhân đầy đặn. 11 giờ ngày 12.6, dì Kim cùng nhiều bà con trong hẻm tất bật gói bánh. Công thức và cách làm bánh duy trì suốt hàng chục năm qua, điều thay đổi duy nhất có lẽ chính sự xuất hiện của những chiếc khẩu trang che quá nửa khuôn mặt.
|
|
Nồi bánh nuôi 4 người con trưởng thành
26 năm trước, dì Kim tập gói bánh bá trạng, món bánh truyền thống của người Hoa gốc Quảng cho chồng con ăn tết Đoan Ngọ. Thấy bánh ngon, chồng dì Kim nảy ra ý tưởng gói bánh để bán. Làm chơi mà ăn thật, những mẻ bánh đầu tiên của hai vợ chồng bất ngờ được mọi người trong hẻm khen ngợi và đặt mua. Lò bánh bá trạng An Ký ra đời từ ngày ấy.
|
Ban đầu, chồng dì bưng cái thùng đỏ đi bán khắp các con đường ở Q.5, Q.11, sau đó là đường Phú Thọ Hòa (Q.Tân Phú), Chợ Thiếc, Nguyễn Trãi… Miếng ngon nhớ lâu, ngày càng nhiều người tìm đến nhà dì Kim để đặt bánh. Dần dà, từ cái thùng bánh dạo, hai vợ chồng đã mở được cả lò bánh bá trạng ngay tại hẻm 170 Tuệ Tĩnh, P.12.
Nói với phóng viên, dì Kim xúc động kể, lúc đó gia đình khó khăn, hai vợ chồng nuôi 4 đứa con vô cùng vất vả, chính nồi bánh bá trạng đã giúp cả nhà vượt qua cơn khốn khó, nuôi đàn con trưởng thành.
4 năm trước, chồng dì đột quỵ rồi ra đi, một mình dì Kim ở lại với 8 cái nồi bánh cỡ lớn, ngày ngày cùng chị em bạn hàng gói bánh, duy trì nghề bánh đầy kỷ niệm của hai vợ chồng.
|
“Hồi đó ông xã còn sống, ông xã bán, ông xã là chú Mập. Ông xách cái thùng màu đỏ đi bán, sau lấy cái giỏ, ngày thường bán sống qua ngày, đến dịp 5.5 có chút xíu mối mua nhiều thôi, đa phần khách quen”, tiếng dì Kim át cả tiếng quạt gió thổi vù vù trong căn nhà tràn ngập nguyên liệu làm bánh.
“Chú Mập nổi tiếng lắm, đi bán bao nhiêu năm khu chợ Thiếc ai cũng biết. Ở trên card visit còn nè, nhưng giờ người ta xóa số rồi, muốn gọi thì gọi số dì Kim nha”, bà chủ tiệm bánh An Ký vui vẻ khoe.
|
Có thời điểm, dịp tết Đoan Ngọ những năm trước, tiệm bánh An Ký bán đến 600kg, dì Kim nói năm nay kinh tế khó khăn, người mua thì ít mà người làm thì nhiều, bán chừng 300 – 400kg đã là hạnh phúc.
Dẻo thơm miếng bánh bá trạng
Theo quan sát và cảm nhận của phóng viên, bánh bá trạng có khác về hình dáng so với bánh chưng ngày tết âm lịch nhưng hương vị thì khá tương đồng. Đặc biệt là phần vỏ bánh ăn chung với nhân đậu xanh mềm dẻo, rất hấp dẫn. Tuy nhiên, nhân bánh bá trạng được làm cầu kỳ hơn, với 7 nguyên liệu khác nhau: Gạo nếp, đậu xanh, thịt heo, trứng muối, nấm đông cô, đậu phộng, tôm khô. Nếu “ăn sang”, khách có thể đặt thêm bào ngư tùy ý. Bánh được gói bằng lá trúc Tàu, luộc kỹ trên bếp từ 8-10 tiếng đồng hồ rồi phơi ráo nước.
|
Gần 30 năm qua, cứ vào dịp tết Đoan Ngọ, nhà dì Kim lại nhộn nhịp như vậy. Có 4 – 5 người, đa phần là bà con trong hẻm, cũng là chị em bạn hàng ở chợ của dì Kim lại xắn áo phụ dì Kim một tay gói bánh.
Cứ hai người một bàn, người xếp 7 lớp nhân đặt lên bàn cân cho chuẩn thì người còn lại lấy xuống đùm nốt phần lá lên trên rồi chằng dây lại gọn gàng. Ai nấy đều nhanh nhẹn, động tác thuần thục, nhìn bàn gói bánh đầy màu sắc vô cùng thích mắt. “Ngày thường thì chỉ có một bàn gói thôi”, dì Kim chia sẻ với phóng viên.
|
Nếu ngày thường chỉ bán 10kg nếp thì hai ngày cao điểm, gia đình dì Kim có thế làm từ 80-100kg nếp, nấu tới 23 giờ mới xong. “Cái này không có luộc lẹ được, luộc là phải 8-9 tiếng, bánh lớn thêm 1 tiếng nữa là 10 tiếng. Tiền lớn là bánh lớn, khách mua cái gì mình bán cái đó”, dì Kim cho biết.
|
|
Anh Phát, con trai thứ dì Kim, phụ mẹ trông 4 nồi bánh đang sôi ùng ục trước cửa nhà, khói bốc nghi ngút, nói luộc bánh cũng phải có những kỹ thuật riêng thì vỏ bánh mới mềm thơm, nhân chín đều. Những năm trước, anh Phát còn phải thức đêm để luộc bánh vì số bánh được đặt lớn hơn nhiều lần. Giữa trưa ngày thứ 7, tiệm bánh hối hả, chuẩn bị cho ra lò những mẻ bánh mới, bà con đang ở nhà chống dịch, ai cũng nôn nao ngóng bánh bá trạng đón tết Đoan Ngọ về…
|