Làng hương Quảng Phú Cầu chuyên về tăm hương ở xã Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hòa, Hà Nội, đang thu hút rất nhiều du khách đến tìm hiểu về giá trị văn hóa và check-in trên mạng xã hội.
Hãng tin AFP của Pháp mới đây đăng phóng sự về làng hương Quảng Phú Cầu. Tại ngôi làng này, bà Đặng Thị Hoa buộc những bó hương (nhang) mới sấy khô chuẩn bị cho Tết Nguyên đán và ngắm nhìn dòng khách du lịch xếp hàng chờ chụp ảnh.
Ba thế hệ trong gia đình bà Hoa đã làm nghề nhuộm hương màu đỏ. Nhưng bà Hoa cùng nhiều gia đình khác sinh sống và làm việc tại làng hương Quảng Phú Cầu giờ đây cũng làm những chiếc tăm hương màu vàng, xanh lam, xanh lá cây để phục vụ du khách háo hức chụp ảnh đăng Instagram.
Hằng trăm bó hương nhiều màu sắc được phơi khô dưới nắng trong sân chùa của làng, xếp thành hình bản đồ Việt Nam khổng lồ.
“Làng của chúng tôi đã trở thành điểm thu hút khách du lịch”, Hãng tin AFP dẫn lời bà Hoa, 45 tuổi, người đã làm nghề làm hương trong ba thập kỷ.
Nhờ mạng xã hội và những du khách thích chụp ảnh, dân làng hương Quảng Phú Cầu có thêm thu nhập.
Với 50.000 đồng (2 USD), du khách có thể thoải mái chụp ảnh với những bó hương, trong khi một bó hương 20 chiếc chỉ có giá hơn 12.000 đồng (0,5 USD).
Dân làng thậm chí còn dựng cầu thang kim loại để du khách có thể chụp ảnh từ trên cao.
Ông Nguyễn Hữu Long nói với Hãng tin AFP rằng ông rất bận vào giai đoạn trước Tết, do có nhiều du khách đến đền chùa thắp hương, cũng như người dân thắp hương bàn thờ tổ tiên tại nhà.
Nhưng ngay cả khi vào mùa bận rộn, ông Long vẫn đảm bảo có người đi cùng du khách.
“Tôi phân công một hoặc hai người giúp du khách tìm góc chụp ảnh đẹp nhất, và đảm bảo họ không làm hỏng việc sấy hương”, ông Long, 58 tuổi, nói với AFP.
Du khách đánh giá rất cao vẻ đẹp của làng hương Quảng Phú Cầu.
“Nơi này rất đẹp, nhiều màu sắc và rất đáng đăng trên Instagram”, chị Catherine Caro đến từ Philippines khen.
Quảng Phú Cầu, ở ngoại ô Hà Nội, là một trong số những ngôi làng trên khắp Việt Nam có nghề buôn bán hương. Nhiều gia đình sống trong những con hẻm nhỏ cùng làm việc nhuộm, phơi khô hoặc gọt vỏ tre làm hương.
Trình tự công việc đầy đủ bao gồm chặt những cành tre để cho vào máy cắt tỉa, nhúng những dải mỏng tre vào thùng thuốc nhuộm nhiều màu sắc, trước khi để những que hương xòe ra ngoài đường như bó hoa cho khô tự nhiên.
“Tôi tự hào về nghề truyền thống của gia đình… và cũng cảm thấy vui mừng khi làng mình ngày càng được nhiều người biết đến – bà Hoa vui vẻ nói – Tôi cũng kiếm được nhiều tiền hơn”.