Tết đang rộn ràng trên mọi nẻo đường quê hương, trong sắc hoa đào, hoa mai rực rỡ, chào đón một mùa xuân mới, mang hy vọng về một cuộc sống bình thường sẽ sớm trở lại. Cùng chung với niềm hân hoan đó, tại nước Đức xa xôi, không khí Tết cổ truyền cũng đang lan tỏa, hiện hữu ở mỗi gia đình kiều bào nơi đây, trong căn phòng ấm cúng hay trên mâm cơm đoàn viên quây quần.
Bạn bè chị Mai Anh tại Berlin cùng gói bánh chưng
Mọi người đang chuẩn bị Tết ở chùa Linh Thứu- Berlin.
Suốt hai năm qua, đường bay về Việt Nam chưa được nối lại bình thường. Đại dịch Covid-19 tại Đức vẫn bùng phát mạnh. Nhiều kiều bào đành tạm hoãn ước mơ về quê ăn Tết của mình. Nhưng càng đến những ngày cuối năm, không khí nhộn nhịp từ quê nhà, đã lan tỏa sang cả bên này. Thấy rõ nhất ở trong các nhóm cộng đồng mạng như “Bếp việt xa xứ, Món ngon từ siêu thị Đức…” nơi có hàng chục nghìn thành viên tham gia, tràn ngập hình ảnh các món ăn ngày Tết, cách cắm hoa, trang trí trong nhà đón năm mới.
Để thuận tiện cho những gia đình ở nơi hẻo lánh, xa chợ châu Á. Các bài viết hướng dẫn rất chi tiết, tỉ mỉ từ khâu mua nguyên liệu loại gì, ở đâu trên mạng, cách làm như thế nào. Mang lại hào hứng cho mọi người cùng tự tay chuẩn bị Tết cổ truyền. Để thấy Tết vẫn gần bên ta, đâu có xa xôi gì…
Chị Mai Anh hiện đang sinh sống tại Berlin cho biết nơi chị ở rất tiện lợi vì có nhiều chợ châu Á mà to nhất là khu giao hàng Đồng Xuân của người Việt. Những ngày này hàng hóa Tết nhập từ quê hương sang không thiếu thứ gì, từ lá dong, bánh mứt, bao lì xì cho đến các loại hoa quả trang trí…
Mỗi người góp 1 món ăn tất niên chung vui tại Berlin.
Thường mọi năm hội người Việt ở Berlin tổ chức đón Tết cho kiều bào. Nhưng hai năm nay vì dịch bệnh phải tạm dừng. Bạn bè chị rủ nhau mấy gia đình cùng tham gia gói bánh chưng, mỗi người làm một món và cùng ăn tất niên chung.
Đối với chị, Tết là một điều gì đó rất thiêng liêng, luôn cảm thấy rưng rưng khi thời khắc giao thừa đang đến. Nên khi có gia đình bạn bè cùng chung vui, cảm giác nỗi nhớ quê hương cũng vợi đi rất nhiều. Dù bận bịu với công việc nhưng chị vẫn dành thời gian cúng giao thừa, sắp xếp cho con lên chùa thắp hương đầu năm. Không gian thanh tịnh và các món ăn chay mang đậm vị quê khiến chị có cảm giác thật yên bình trong tâm hồn.
Gia đình chị Thu Hà sống ở một ngôi làng nhỏ cách thành phố cổ Trier 40 km thì luôn tỉ mỉ chuẩn bị Tết từ rất sớm. Chị đặt mua trước gạo nếp, đỗ xanh, gấc, lá dong đông đá…
Cách đó khoảng 1 tuần, chị và hai cô con gái đã tự cắt hoa đào giấy để trang trí nhà cho có không khí Tết, tự làm giò lụa, giò xào, vì nơi chị ở xa chợ châu Á và không có người Việt. Chồng chị còn dậy cho các con tự gói bánh chưng, các con rất hào hứng tham gia.
Chồng chị Hà dạy con gái gói bánh
Ngày 30 Tết (năm nay tháng Chạp chỉ có ngày 29) cả gia đình chuẩn bị một mâm cơm tất niên có đầy đủ các món ăn truyền thống như nem rán, xôi gấc, giò chả, canh măng, thịt gà… Thắp hương cúng giao thừa đúng giờ Việt Nam xong, anh chị gọi điện về chúc tết bố mẹ và họ hàng, rồi mừng tuổi cho các con. Sau đó cả nhà cùng quây quần thụ lộc, cùng xem chương trình Táo quân.
Tết đối với gia đình chị là những khoảnh khắc sum vầy, đong đầy kỷ niệm, để sau này các con có đi xa cũng nhớ đến ngày Tết mà về với bố mẹ.
Chị Thanh Huyền hiện đang sinh sống tại thành phố München (Munich) thuộc miền Nam nước Đức nói rằng do dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, vận chuyển bị thắt chặt nên lượng hàng hóa bán sẵn phục vụ Tết năm nay tại các chợ châu Á ở đây không được phong phú như mọi năm. Nhưng mọi người cũng chuẩn bị mua sẵn nguyên liệu tự làm tại nhà, vẫn ý ới rủ nhau tụ tập tất niên.
. Bánh chưng chị Huyền gói hộ bạn bè
Chị cho biết năm ngoái Tết trùng đúng đợt nghỉ dịch. Chị đã bỏ công làm cả trăm chiếc bánh chưng và mấy chục cây giò để gửi cho bạn bè ở xa, vì dịch bùng mạnh mà không biết mua ở đâu.
Năm nay dù phải đi làm nhưng chị cũng thu xếp gói hộ được hơn 40 cái bánh chưng, để gia đình các bạn mình có chút hương vị Tết quê. Thời tiết ở Đức hiện tại rất lạnh, chị vẫn cố tìm bằng được một cành đào nhỏ xinh và những bó hoa tươi thắm. Chút sắc màu điểm xuyến cho căn phòng thêm rực rỡ, khiến chồng con luôn thấy sắc xuân, hương xuân đang tràn ngập trong ngôi nhà của mình. Niềm vui hạnh phúc cứ ngời lên trong ánh mắt, nụ cười.
Chị Thanh Huyền trong căn phòng trang trí Tết của nhà mình ở Munich
Cành hoa đào giấy mẹ con chị Thu Hà ở Trier tự cắt dán.
Một năm mới đã đến và dù ở đâu, dù làm gì, người Việt vẫn luôn hướng về quê hương, vẫn cố gắng giữ gìn và lan tỏa bản sắc văn hóa Tết trên xứ người. Đó cũng là cách để thấy quê hương luôn gần gụi và tâm hồn mình có được những giây phút thực sự nhẹ nhõm, bình an, sau bao lo toan thường nhật.