Theo đại lịch Mahasangkran, thời khắc giao thừa đón Quản thế thiên năm mới 2024 của người dân Campuchia diễn ra vào lúc 22h17 ngày đầu tiên của lễ hội, gọi là ngày Choul Chnam Thmey hay Mahasangkran.
Người dân Campuchia tham quan, chụp ảnh lưu niệm tại thắng cảnh Wat Phnom (Thủ đô Phnom Penh) trước thềm Tết cổ truyền Choul Chnam Thmey 2024. (Ảnh: Hoàng Minh/TTXVN)
Ngày 13/4, người dân ở Vương quốc Campuchia chính thức bước vào kỳ nghỉ Tết cổ truyền (Vào năm mới) 2024 trong 4 ngày (đến 16/4), nhiều hơn một ngày so với thông lệ hằng năm.
Theo phóng viên TTXVN tại Phnom Penh, các tuyến đường trung tâm Thủ đô Phnom Penh thông thoáng hơn thường lệ, khi đại bộ phận người dân sở tại và người lao động nhập cư đã di chuyển về quê nhà để sum họp với gia đình và tham gia các hoạt động đón Tết theo phong tục truyền thống.
Tuy nhiên, trong ngày đầu của mùa lễ hội Choul Chnam Thmey 2024, một số chợ truyền thống ở Phnom Penh vẫn duy trì hoạt động với hàng hóa chủ yếu là nhu yếu phẩm ngày Tết và vật phẩm cúng lễ đón giao thừa như cơm thiêng (bai sey), cau, nhang, đèn, nến, bánh trái, hoa quả các loại…
Theo đại lịch Mahasangkran, thời khắc giao thừa đón Quản thế thiên năm mới 2024 của người dân Campuchia diễn ra vào lúc 22h17 ngày đầu tiên của lễ hội, gọi là ngày Choul Chnam Thmey hay Mahasangkran. Từ sáng sớm, người dân Campuchia mang vật thực lên chùa cúng dường chư tăng, thực hiện các nghi thức sớt bát, cầu siêu, đắp núi cát, nghe giảng pháp…
Các phần việc này thường kết thúc trong buổi sáng, để chư tăng tụng kinh cầu siêu, thuyết pháp, tiến hành các nghi lễ truyền thống khác và độ thực không quá giờ ngọ theo truyền thống Phật giáo nguyên thủy.
Ở một số địa phương, khuôn viên các ngôi chùa cũng là nơi diễn ra phần hội của lễ hội Choul Chnam Thmey với sự kiện Sangkran thường bắt đầu vào buổi chiều, cùng các chương trình ca múa nhạc cổ truyền và hiện đại, những vũ điệu truyền thống và các trò chơi dân gian sôi động, mang đậm bản sắc văn hóa của người dân Chùa Tháp.
Tại thủ đô Phnom Penh, sự kiện Sangkran và các hoạt động vui chơi giải trí được tổ chức ở 4 địa điểm chính, gồm thắng cảnh Wat Phnom, công viên Đài độc lập, công viên chùa Botum Vatey và khu vực bờ sông trước chùa Ounalom, gần cung điện hoàng gia Campuchia.
Nhân dịp Tết cổ truyền năm 2024, Quốc vương Campuchia Norodom Sihamoni đã gửi thông điệp chúc mừng đến người dân Campuchia, nêu bật ý nghĩa to lớn của lễ hội trong việc giữ gìn đoàn kết và phong tục tập quán truyền thống tốt đẹp của dân tộc cũng như tôn vinh văn hiến Khmer./.