Sáng 24/11, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Viễn thông (sửa đổi) với 473/468 phiếu tán thành (tương đương 94,74% số đại biểu tham gia biểu quyết).
Trước đó, báo cáo tóm tắt giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy cho biết, có ý kiến đề nghị làm rõ dịch vụ viễn thông cơ bản trên Internet có phải là một loại hình dịch vụ viễn thông hay không.
Theo đó, dịch vụ viễn thông cơ bản trên Internet cung cấp các tính năng tương đương với dịch vụ viễn thông cơ bản (tin nhắn, thoại, hội nghị truyền hình), cung cấp tính năng chính là gửi, truyền, nhận thông tin giữa hai hoặc một nhóm người sử dụng dịch vụ viễn thông trên Internet.
Các dịch vụ giống nhau cần được điều chỉnh bởi cùng một Luật, bảo đảm sự bình đẳng giữa các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông cơ bản trên Internet với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông truyền thống.
Trên thế giới, nhiều quốc gia đã quy định dịch vụ này là dịch vụ viễn thông và được quản lý theo pháp luật về viễn thông. Do đó, dịch vụ viễn thông cơ bản trên Internet là một loại dịch vụ viễn thông, được điều chỉnh trong Luật Viễn thông.
Tuy nhiên, dịch vụ này có đặc điểm là doanh nghiệp cung cấp dịch vụ không sở hữu hạ tầng mạng, không được phân bổ tài nguyên viễn thông nên dự thảo Luật đã chỉnh lý theo hướng quy định theo phương thức “quản lý nhẹ”, chỉ phải tuân thủ một số quy định về nghĩa vụ. Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, tên gọi “dịch vụ viễn thông cơ bản trên Internet” đã thể hiện được các đặc tính của dịch vụ này nên đề nghị giữ tên gọi như dự thảo Luật.
Về Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích, có ý kiến đề nghị không quy định đối tượng được miễn, giảm đóng góp vào Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam để đảm bảo công bằng và minh bạch giữa các doanh nghiệp viễn thông.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, việc miễn, giảm đóng góp tài chính của doanh nghiệp vào Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam sẽ góp phần tạo điều kiện cho doanh nghiệp tập trung nguồn lực để “khuyến khích doanh nghiệp tư nhân có đủ năng lực tham gia xây dựng hạ tầng viễn thông và các hạ tầng khác cho chuyển đổi số quốc gia” theo chủ trương của Đảng.
Bên cạnh đó, kinh nghiệm quốc tế cho thấy nhiều nước có quy định miễn đóng góp cho doanh nghiệp viễn thông vào quỹ phổ cập dịch vụ viễn thông công ích trong một số trường hợp. Do vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị được giữ quy định về quản lý hoạt động viễn thông công ích như dự thảo Luật; đồng thời, giao Chính phủ quy định cụ thể việc miễn, giảm đóng góp vào Quỹ để phù hợp với tình hình thực tế.
Về tài nguyên viễn thông, có ý kiến đề nghị những số thuê bao dịch vụ viễn thông cũng cần được chia ra các nhóm để đánh giá đúng giá trị, giảm thiểu trường hợp bỏ cọc khi đấu giá và giao Bộ Thông tin và Truyền thông quy định chi tiết; đề nghị giải trình các biện pháp để kiểm soát việc bỏ tiền đặt cọc tham gia đấu giá kho số viễn thông.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, việc đánh giá để phân nhóm theo giá trị các số thuê bao có cấu trúc đặc biệt là khó khả thi vì phụ thuộc vào nhiều yếu tố như quan niệm của người sử dụng, vùng, miền. Việc xác định một mức giá khởi điểm cho số thuê bao thực hiện đấu giá cũng như lựa chọn hình thức đấu giá trực tuyến và trả giá lên theo giá khởi điểm và bước giá là phù hợp quy định của Luật Đấu giá tài sản hiện hành (tương tự triển khai thí điểm đấu giá biển số xe ô tô) sẽ tạo cơ hội cho nhiều người tham gia, tạo điều kiện để xác định được chính xác giá trị số thuê bao đấu giá theo cơ chế thị trường.
Bên cạnh đó, dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi) quy định mức giá khởi điểm phù hợp khi tham gia đấu giá để hạn chế rào cản, tạo điều kiện cho mọi tổ chức, cá nhân có nhu cầu tham gia đấu giá. Tuy nhiên, quy định này cũng dẫn đến những rủi ro nhất định như tình trạng bỏ tiền đặt cọc. Dự thảo Luật giao Chính phủ quy định chi tiết về việc đấu giá quyền sử dụng kho số viễn thông, tên miền quốc gia Việt Nam “.vn” bảo đảm phù hợp với pháp luật về đấu giá tài sản.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của Cơ quan chủ trì thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản để bổ sung quy định về việc phạt vi phạm nghĩa vụ trong hoạt động đấu giá tài sản (quy định điều khoản phạt trong trường hợp trúng đấu giá nhưng không mua tài sản).
Với giải pháp này, số tiền đặt trước có thể thấp nhằm thu hút nhiều người tham gia đấu giá, song số tiền phạt vi phạm nghĩa vụ là lớn sẽ góp phần ngăn chặn tình trạng trả giá cao bất thường rồi bỏ tiền đặt trước, gây lũng đoạn thị trường. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị được giữ quy định về đấu giá kho số viễn thông như trong dự thảo Luật.
Có ý kiến đề nghị quy định rõ đấu giá theo phương thức trả giá lên đối với đấu giá quyền sử dụng kho số viễn thông và tên miền quốc gia Việt Nam “.vn”, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, Điều 40 Luật Đấu giá tài sản quy định 2 phương thức đấu giá là phương thức trả giá lên và đặt giá xuống.
Các loại mã, số viễn thông, tên miền quốc gia Việt Nam “.vn” thuộc loại tài sản mà pháp luật quy định phải bán thông qua đấu giá theo quy định tại khoản 1 Điều 4 của Luật Đấu giá tài sản và được quy định cụ thể tại điểm a khoản 2 và điểm a khoản 3 Điều 50 dự thảo Luật. Theo quy định tại Điều 55 và khoản 2 Điều 58 Luật Đấu giá tài sản, kho số viễn thông, tên miền quốc gia Việt Nam “.vn” thuộc loại tài sản phải thực hiện theo phương thức trả giá lên.
Trên cơ sở nghiên cứu tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo chỉnh lý khoản 6 Điều 50 dự thảo Luật theo hướng bổ sung quy định phương thức, hình thức đấu giá kho số viễn thông, tên miền quốc gia Việt Nam “.vn” được thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu giá tài sản để thống nhất với Điều 58 Luật Đấu giá tài sản về phương thức trả giá lên.
Lê Hoàng(VOV.VN)