Bằng cách điều động hợp lý đàn máy bay không người lái (UAV) và áp dụng các chiến thuật mới, sẽ cần trung bình 6 tên lửa Fire Dragon 480, đã được Trung Quốc xuất khẩu sang Trung Đông, để tiêu diệt một tàu chiến lớn của Mỹ, theo tờ South China Morning Post (SCMP) hôm nay 20.6 dẫn một bài báo trên tạp chí Command Control & Simulation.
Fire Dragon 480 được đánh giá là tên lửa đạn đạo chiến thuật nhờ có cảm biến dẫn đường chính xác, cho phép nó tấn công các mục tiêu đang tiến hành chuyển hướng với độ chính xác cao, theo SCMP.
Ông Li Jiang Jiang, một nhà khoa học thuộc đơn vị 92228 của quân đội Trung Quốc (PLA), viết trong nghiên cứu nói trên rằng tầm tấn công thực tế của Fire Dragon 480 vượt qua 500 km, dù nó có thể bị giới hạn ở mức 290 km.
Lý giải việc tàu ngầm Trung Quốc bất ngờ nổi lên ở eo biển Đài Loan
Mô phỏng đánh chìm chiến hạm Mỹ
Tàu sân bay của Mỹ USS Dwight D. Eisenhower và nhóm hộ tống tàu này đang tuần tra ở biển Đỏ. Nhóm tàu hộ tống bao gồm tàu USS Philippine Sea, tàu tuần dương lớp Ticonderoga, loại được sử dụng trong mô phỏng của PLA.
Theo bài báo của ông Li, tàu tuần dương lớp Ticonderoga được trang bị hai hệ thống phóng thẳng đứng Mk41, có khả năng phóng hơn 200 tên lửa phòng không, trong đó có Standard 6 và Sea Sparrow.
Trong game mô phỏng chiến tranh, 12 quả tên lửa Fire Dragon 480 đã được phóng để tấn công 2 tàu tuần dương lớp Ticonderoga. Trước khi giao chiến, những người điều khiển tên lửa được truy cập vào hình ảnh vệ tinh có độ chính xác thấp, cho phép họ ước tính sơ bộ vị trí của tàu chiến Mỹ.
Khi đến khu vực mục tiêu, tên lửa Fire Dragon 480 sẽ kích hoạt các cảm biến được gắn kèm để tìm kiếm mục tiêu và điều chỉnh quỹ đạo bay cho phù hợp.
Để phòng thủ, các tàu tuần dương lớp Ticonderoga đã phóng nhiều tên lửa phòng không và kích hoạt hệ thống pháo cận chiến Phalanx. Trong số tên lửa phòng không này, tên lửa Standard 6 có tầm bắn 240km, đạt tỷ lệ bắn trúng 71%, trong khi tên lửa tầm ngắn Sea Sparrow có tỷ lệ bắn trúng 44%. Khi khói tan, một trong những tàu tuần dương bị chìm, theo cuộc mô phỏng của PLA.
Trong một kịch bản khác, các nhà khoa học Trung Quốc đã thay thế đầu đạn của 8 tên lửa bằng “đầu đạn bầy đàn”, trong mỗi đầu đạn chứa 6 UAV.
Khi những tên lửa cải tiến này đến gần tàu chiến Mỹ, chúng giảm tốc độ và thả UAV. Mục tiêu của những đàn UAV là chuyển hướng hỏa lực phòng không của các tàu tuần dương và cung cấp tọa độ mục tiêu chính xác hơn cho đợt tấn công bằng tên lửa thứ hai.
“Sau khi các tên lửa tầm xa hoàn thành các cuộc tấn công, bầy đàn [UAV] sẽ tiến hành tấn công trực tiếp vào bất kỳ tàu địch nào còn lại”, ông Li viết.
Sau nhiều vòng mô phỏng, các nhà khoa học ước tính tỷ lệ sống sót của hai tàu tuần dương lớp Ticonderoga theo chiến thuật này gần bằng 0, theo SCMP.
Trung Quốc đã “vượt mặt” Mỹ trong cuộc chạy đua tên lửa?
Để phát huy hết tiềm năng
Cũng theo ông Li, UAV được sử dụng để tấn công theo kiểu bầy đàn có thể thuộc loại Switchblade 600 hoặc các mẫu tương tự. Với bán kính hoạt động hơn 40 km, những chiếc UAV này có hiệu quả về mặt chi phí và có sẵn trên thị trường quốc tế.
Những UAV này dễ bị tấn công bởi các hệ thống phòng thủ gần như Phalanx. Tuy nhiên, khi được tích hợp với tên lửa tầm xa, chúng gây ra mối đe dọa đáng kể cho tàu chiến, theo ông Li.
Để Fire Dragon 480 và chiến thuật bầy UAV đi kèm phát huy hết tiềm năng, hệ thống phóng tên lửa này của Trung Quốc cần nhận được một số nâng cấp và sửa đổi về công nghệ, theo nghiên cứu của ông Li. Khả năng chống nhiễu và liên kết dữ liệu không đồng nhất giữa tên lửa và UAV cũng phải được tăng cường để đáp ứng nhu cầu chiến đấu thực tế.
Trong khi đó, Mỹ đang dần ngừng hoạt động các tàu tuần dương lớp Ticonderoga để chuyển sang sử dụng các tàu hiện đại hơn, với chiếc cuối cùng sẽ được cho là “nghỉ hưu” vào năm 2027, theo SCMP.
Nguồn: https://thanhnien.vn/ten-lua-trung-quoc-xuat-khau-co-the-danh-chim-chien-ham-my-o-bien-do-185240620115026343.htm