Tên lửa đạn đạo Oreshnik bay qua vùng trời Kazakhstan vào rạng sáng 21/11.
Ngày 22/11, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết Moskva đã sử dụng tên lửa đạn đạo mới có khả năng mang theo đầu đạn hạt nhân có tên là “Oreshnik”.
Theo nhà lãnh đạo, vũ khí này đã được phóng vào cơ sở công nghiệp quốc phòng của Ukraine ở Dnipro, đồng thời khẳng định cuộc tấn công đã diễn ra thành công.
Theo Tổng thống Nga Putin, các hệ thống phòng không hiện nay của phương Tây không thể đánh chặn tên lửa Oreshnik và vũ khí này có thể tấn công mục tiêu với tốc độ Mach 10 – khoảng 12.300 km/h.
Oreshnik bay đến Anh chỉ 19 phút
Từ những thông tin hiện có, các chuyên gia quân sự nhận định Oreshnik có tầm bắn hiệu quả lên đến hơn 5.500 km và nó vẫn được xem vào danh sách các tên lửa đạn đạo tầm trung.
Về khả năng tấn công của Oreshnik, hệ thống này có thể triển khai đến bất kỳ đâu nếu sử dụng bệ phóng di động dựa trên nền tảng tổ hợp tên lửa đạn đạo liên lục địa di động (ICBM) RS-26.
Nếu được đặt ở phía tây bắc nước Nga, ví dụ như ở Murmansk và Kaliningrad, Oreshnik có thể tấn công hầu hết các căn cứ quân sự NATO ở châu Âu.
Tất cả các quốc gia châu Âu từ Ba Lan, vùng Baltic, Bồ Đào Nha cho đến Anh đều nằm trong tầm tấn công của Oreshnik.
Theo kênh quân sự Military Chronicle, với việc sử dụng động cơ đẩy sử dụng nhiên liệu rắn, Oreshnik chỉ mất 19 để đến Anh, 11 phút đến Đức và 8 phút đến Ba Lan.
Cùng với video về vụ tấn công rạng sáng 21/11, Oreshnik nhiều khả năng được trang bị từ 3 đến 6 đạn đầu hạt nhân hoặc thông thường. Mỗi đầu đạn hạt nhân có sức công phá 150 kiloton.
Còn theo người phát ngôn Lầu Năm Góc Sabrina Singh: “Oreshnik chắc chắn có thể được cải tiến để mang theo nhiều loại đầu đạn thông thường hoặc hạt nhân khác nhau”.
Jeffrey Lewis, chuyên gia về không phổ biến vũ khí hạt nhân tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Middlebury nhận định, Tổng thống Nga Putin trước đó đã ám chỉ rằng Nga sẽ hoàn tất việc phát triển hệ thống tên lửa đạn đạo tầm trung (IRBM) sau khi Washington và Berlin nhất trí triển khai tên lửa tầm xa của Mỹ tại Đức từ năm 2026.
Tác động của tên lửa Oreshnik đến NATO
Theo điện Kremlin, cuộc tấn công vào Dnipro nhằm đáp trả việc Ukraine dùng tên lửa ATACMS của Mỹ và Storm Shadow do Anh chế tạo để tấn công tỉnh Bryansk và Kursk của Nga trước đó.
Đòn tập kích bằng vũ khí đạn đạo hoàn toàn mới của Nga đã gây chấn động dư luận thế giới, bởi không quân Ukraine ban đầu thông báo đây là tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) có khả năng mang đầu đạn hạt nhân – loại vũ khí vốn được thiết kế để tấn công các mục tiêu chiến lược, thường là trong cuộc chiến giữa các siêu cường.
Giới chuyên gia nhận định vụ phóng tên lửa mới này đã truyền tải thông điệp của Tổng thống Putin một cách rõ ràng. Nếu các nước phương Tây tiếp tục cung cấp vũ khí tầm xa để Ukraine tập kích lãnh thổ Nga, xung đột có nguy cơ vượt khỏi tầm kiểm soát và điện Kremlin hoàn toàn có thể ra lệnh tấn công Mỹ hay một thành viên NATO nào đó.
Giới quan sát cho rằng kịch bản này có thể đẩy xung đột Ukraine từ cuộc chiến giữa hai quốc gia thành chiến tranh hạt nhân hủy diệt giữa các siêu cường.
Hầu như toàn bộ mục tiêu trong lãnh thổ Ukraine đều nằm trong tầm bắn của các loại vũ khí thông thường mà Moskva thường xuyên triển khai xuyên suốt cuộc xung đột. Nhưng lần này, Nga lại quyết định phóng một tên lửa tầm xa hơn có khả năng mang đầu đạn hạt nhân, điều được giới quan sát đánh giá là “rất đáng chú ý”.
Chuyên gia Timothy Wright tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế cho biết việc Nga phát triển tên lửa mới có thể ảnh hưởng đến quyết định của các nước NATO về việc mua hệ thống phòng không nào cũng như theo đuổi năng lực tấn công nào.
Nguồn: https://vtcnews.vn/ten-lua-oreshnik-nga-su-dung-tan-cong-ukraine-khong-the-bi-danh-chan-ar909011.html