Theo tờ Business Insider, các lực lượng Nga đã thích nghi với các loại vũ khí được tin là “sẽ làm thay đổi cuộc chơi” mà Ukraine đưa vào chiến trường, chẳng hạn như Hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao (HIMARS) do Mỹ cung cấp.
Tuy nhiên, các chuyên gia quân sự cho rằng tên lửa Storm Shadow mà Anh cam kết gửi Ukraine vào đầu tháng này, có thể gây ra những vấn đề hậu cần mới cho Nga, và tăng cường đáng kể khả năng tấn công tầm xa của Kyiv, trang Breaking Defense đưa tin.
Đại tá Mỹ: 600 hệ thống vũ khí phương Tây sẽ giúp Ukraine có sức mạnh phản công
Uy lực của Storm Shadow
Storm Shadow, một tên lửa hành trình phóng từ trên không được phát triển với sự hợp tác của Pháp, đã có kinh nghiệm chiến đấu trong các cuộc xung đột khác nhau trên khắp Trung Đông. Khi được phóng từ máy bay, loại tên lửa này bay ở độ cao thấp và tránh bị phát hiện, theo Business Insider.
Với phạm vi hoạt động hơn 155 dặm (250 km), Storm Shadow có tầm bắn xa gấp 3 lần so với HIMARS, và chỉ kém 30 dặm so với Hệ thống Tên lửa Tác chiến Lục quân (ATACMS) do Mỹ sản xuất. Ngoài ra, nó cũng có thể vươn tới các vùng mà Nga đang kiểm soát ở Ukraine, theo hãng thông tấn Ukrinform.
Ông George Barros, chuyên gia phân tích về Nga tại Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW, Mỹ), nhận định điều này sẽ có ảnh hưởng lớn đến hoạt động của các lực lượng Nga trên chiến trường.
Trong khi đó, theo ông Jack Watling, nhà nghiên cứu cấp cao về chiến tranh trên bộ tại Viện các quân chủng thống nhất Hoàng gia (Anh), việc đưa Storm Shadow vào chiến trường sẽ giải quyết “những thách thức chiến thuật nghiêm trọng” mà Ukraine hiện đang phải đối mặt. Theo chuyên gia này, đầu đạn tên lửa này có thể xuyên thủng các mục tiêu kiên cố, trong khi năng lực tàng hình sẽ giúp nó khó bị phát hiện và đánh chặn.
Nga lần đầu tuyên bố bắn hạ tên lửa hành trình tầm xa Storm Shadow Anh viện trợ Ukraine
“Những tên lửa này sẽ giúp Ukraine đánh trúng các trạm chỉ huy và kiểm soát, cơ sở hậu cần, nơi tập hợp các binh sĩ Nga”, Chuẩn đô đốc Mỹ Tim Woods nói với Breaking Defense trong một cuộc phỏng vấn hôm 15.5.
Theo đó, ông Watling cho rằng việc Ukraine triển khai tên lửa Anh sẽ buộc Nga chuyển các trung tâm hậu cần ra xa tiền tuyến hơn, cũng như tái tổ chức các hệ thống phòng không. Chuyên gia này dự đoán Storm Shadow cũng sẽ khiến Nga đổi chiến thuật tấn công để chuyển về phòng thủ để bảo toàn lực lượng và khí tài, trước các đợt phản công tiềm năng của Ukraine.
Ngoài ra, Ukraine cũng có thể sử dụng tên lửa Storm Shadow để phân tán sự ưu tiên của Nga. Cụ thể, nó sẽ khiến các chỉ huy cấp cao của Moscow cảm thấy “bất an” hơn vì đang nằm trong tầm bắn của Kyiv.
Chuyên gia Watling lưu ý rằng việc khiến các chỉ huy Nga “lo sợ cho sự an toàn cá nhân” là một cách hiệu quả để làm suy giảm sự tập trung và việc ra quyết định trên chiến trường. Theo ông, nếu biết cách kết hợp năng lực của Storm Shadow với các đòn tâm lý, loại vũ khí này sẽ tạo ưu thế rất lớn cho Ukraine. “Chỉ riêng sự tồn tại của Storm Shadow trong kho vũ khí của Ukraine cũng có thể quan trọng ngang với triển khai chúng”, ông nói.
Hiệu quả của HIMARS ở Ukraine: Nga – Mỹ trong cuộc chơi “mèo đuổi chuột”
Mỹ có tiếp bước Anh?
Việc cung cấp tên lửa Storm Shadow cho Ukraine diễn ra vào đúng thời điểm Kyiv đang chuẩn bị cho cuộc phản công rất được lên kế hoạch ở miền đông và miền nam. Theo Business Insider, điều này đã đặt ra câu hỏi liệu chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden có cung cấp ATACMS cho Ukraine hay không.
Nếu Mỹ thực sự gửi ATACMS, đây không phải là lần đầu tiên Mỹ nối gót đồng minh châu Âu trong việc viện trợ Ukraine. Trước đó vào đầu năm nay, việc Anh xác nhận sẽ viện trợ xe tăng chiến đấu chủ lực Challenger cho Ukraine đã mở đường cho Đức và Mỹ gửi 2 loại xe tăng Leopard và M1 Abrams đến Kyiv.