Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2024 của Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) diễn ra sáng 20/4/2024 vừa thông qua phương án phân phối lợi nhuận năm 2023 với mức chia cổ tức bằng tiền mặt lên đến 15% mệnh giá (cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu sẽ nhận được 1.500 đồng).
Với tỷ lệ phân chia cổ tức như trên, Techcombank sẽ chi gần 5.300 tỷ đồng cho việc phân phối lợi nhuận cho các cổ đông. Việc chia cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 15% khiến Techcombank trở thành ngân hàng hiếm hoi hiện nay xét về độ “chịu chi” cho các cổ đông.
Đây là năm đầu tiên sau 10 năm Techcombank chia cổ tức bằng tiền mặt. Theo ông Hồ Hùng Anh – Chủ tịch HĐQT Techcombank – với vốn chủ sở hữu đứng hàng đầu trong số các ngân hàng Việt Nam hiện nay, điều đó cho phép Techcombank chia cổ tức bằng tiền mặt nhưng vẫn đảm bảo được các chỉ số an toàn.
“Tôi hy vọng việc chia cổ tức bằng tiền mặt trong năm nay sẽ bắt đầu cho những năm sau đó chúng ta có thể đạt được các chỉ tiêu về tăng trưởng”, ông Hồ Hùng Anh nói.
Nguồn để chia cổ tức là lợi nhuận chưa phân phối của Ngân hàng sau khi trích lập các quỹ tính đến thời điểm ngày 31/12/2023 theo Báo cáo tài chính kiểm toán riêng và hợp nhất năm 2023 đã được kiểm toán.
Cũng tại Đại hội, các cổ đông đã thông qua phương án tăng vốn điều lệ từ hơn 35.225 tỷ đồng lên trên 70.450 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phiếu từ nguồn vốn chủ sở hữu. Tỷ lệ phát hành là 1:1, cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu được hưởng quyền sẽ được nhận thêm 100 cổ phiếu mới.
Đối tượng phát hành là tất cả cổ đông hiện hữu có tên trong danh sách tại ngày chốt danh sách cổ đông để thực hiện quyền nhận cổ phiếu từ việc tăng vốn điều lệ từ phát hành cổ phiếu từ nguồn vốn chủ sở hữu.
Thời gian dự kiến hoàn thành tăng vốn bằng phát hành cổ phiếu là trong năm 2024 hoặc cho đến khi Techcombank hoàn thành các thủ tục theo quy định của pháp luật. Sau khi phát hành, Techcombank sẽ cùng với VPBank trở thành “thế lực” thực sự trong ngành ngân hàng xét về quy mô vốn điều lệ.
Techcombank là một trong nhóm các ngân hàng dẫn đầu về lợi nhuận năm 2023 với 22.888 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Tổng tài sản tính đến 31/12/2023 đạt 849.500 tỷ đồng.
Đặc biệt, chiến lược đẩy mạnh thu hút khách hàng mới và thiết lập quan hệ ngân hàng chính của Techcombank đã giúp ngân hàng luôn dẫn đầu về số dư CASA, đạt tỷ lệ 40% tại ngày 31/12/2023. Năng lực số hoá hàng đầu cùng hệ sinh thái của các đối tác đã giúp Techcombank thu hút 2,6 triệu khách hàng mới vào năm 2023, đóng góp khoảng 6,7 nghìn tỷ đồng vào tăng trưởng CASA.
ĐHCĐ thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2024 với các chỉ tiêu quan trọng như: Dư nợ tín dụng 616.031 tỷ đồng, tăng 16,2% (theo phê duyệt của NHNN); tổng tiền gửi khách hàng phù hợp với tăng trưởng tín dụng thực tế, nhằm tối ưu hoá bảng cân đối kế toán (năm 2023 đạt 507.157 tỷ đồng, tăng 34,3%); lợi nhuận trước thuế 27.100 tỷ đồng (tăng 18,4%); tỷ lệ nợ xấu thấp hơn 1,5%.
Để đạt được kế hoạch trên, Techcombank sẽ tập trung đẩy mạnh tăng tốc trong 3 lĩnh vực ưu tiên: Tăng tiền gửi không kỳ hạn CASA; đa dạng hoá danh mục tín dụng; tăng cường quan hệ giao dịch ngân hàng chính (MOA) đối với khách hàng cá nhân và tổ chức.
ĐHĐCĐ cũng thông qua ngân sách thù lao năm 2024 cho HĐQT và BKS với mức thù lao cố định 38,6 tỷ đồng (năm 2023 là 34,9 tỷ đồng), chi phí hoạt động và các chi phí khác 9,3 tỷ đồng (năm 2023 là 8 tỷ đồng).
Các cổ đông Techcombank cũng đã bầu HĐQT và BKS nhiệm kỳ 2024 – 2029 với 09 thành viên HĐQT (tăng 1 thành viên so với nhiệm kỳ trước) và 03 thành viên BKS.
HĐQT nhiệm kỳ mới gồm: Ông Hồ Hùng Anh (Chủ tịch HĐQT), ông Nguyễn Đăng Quang (Phó Chủ tịch thứ nhất), ông Nguyễn Thiều Quang, ông Nguyễn Cảnh Sơn, ông Hồ Anh Ngọc, bà Nguyễn Thu Lan, ông Saurabh Narayan Agarwal, ông Phạm Nghiêm Xuân Bắc (thành viên độc lập), và ông Eugene Galbraith (thành viên độc lập).
Trong đó, bà Nguyễn Thu Lan, ông Phạm Nghiêm Xuân Bắc, và ông Eugene Galbraith là những thành viên mới.
Danh sách BKS nhiệm kỳ 2024 – 2029 gồm: Ông Hoàng Huy Trung, bà Bùi Thị Hồng Mai, và bà Đỗ Thị Hoàng Liên.
Bà Nguyễn Thu Lan sinh năm 1969, đã có hơn 22 năm gắn bó với Techcombank. Hiện bà đang đảm nhiệm vị trí Quyền Giám đốc khối Quản trị rủi ro. Ông Phạm Nghiêm Xuân Bắc sinh năm 1961, từng đảm nhiệm vị trí lãnh đạo tại các tổ chức trong nước và quốc tế thuộc các lĩnh vực như thị trường vốn, bất động sản, sở hữu trí tuệ. Ông Bắc đang là TGĐ Công ty TNHH Tầm nhìn Liên danh, Chủ tịch HĐQT các công ty: Công ty TNHH Luật Tầm nhìn và Liên danh, Công ty CP Cộng Hưởng, Công ty CP Phi thuyền Đầu tư. Ông Bắc đang là Trưởng Ban Kiểm soát CTCP Chứng khoán TP.HCM (HSC). Ông Eugene Galbraith sinh năm 1952 (quốc tịch Mỹ), hiện là luật sư thuộc Đoàn Luật sư TP. Hà Nội. Ông có nhiều năm kinh nghiệm làm cố vấn hoạch định kinh tế cho Bộ Tài chính Indonesia. Hiện ông đang làm Uỷ viên Hội đồng độc lập Ngân hàng KB Bukopin (đang làm thủ tục kết thúc nhiệm kỳ). |
Tuân Nguyễn