Theo Sở Công Thương, tỉnh đã triển khai các chính sách để hỗ trợ các thương mại điện tử và sàn thương mại điện tử của tỉnh. Theo đó, tỉnh ban hành Kế hoạch phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2021-2025 và hằng năm với các hoạt động như: Xây dựng chương trình lớp tập huấn năng cao năng lực, quản lý, vận hành và phát triển thương hiệu cho doanh nghiệp; phổ biến kiến thức pháp luật về thương mại điện tử, pháp luật về thuế, nghĩa vụ thuế; hỗ trợ doanh nghiệp Tây Ninh tham gia sàn thương mại điện tử trong nước như: Shopee, Lazada, Tiki, TikTok… và quốc tế như: Amazon, Alibaba, ebay, aliexpress…
Đoàn chụp ảnh lưu niệm tại Khu du lịch quốc gia núi Bà Đen.
Tỉnh cũng đã triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại quảng bá, xúc tiến thương mại và tiêu thụ sản phẩm. Hằng năm, ngành Công Thương căn cứ chương trình xúc tiến đầu tư – thương mại – du lịch của tỉnh triển khai tổ chức các hoạt động như tham gia các chương trình hội chợ quy mô quốc tế về chuyên ngành thực phẩm như: Foodexpo tại Hà Nội và Hồ Chí Minh, Hội chợ quốc tế hành lang Đông Tây tại Đà Nẵng và các chương trình hội chợ thương mại tổng hợp tại các tỉnh, thành trọng điểm và tiềm năng trong khu vực và cả nước.
Ngành Công Thương thường xuyên thông báo các chương trình diễn đàn, chuỗi sự kiện online do Cục Xúc tiến thương mại, các đơn vị trực thuộc Bộ Công Thương và các tổ chức xúc tiến trong và ngoài nước phối hợp, tổ chức như: các chương trình hội thảo, hội nghị, diễn đàn phổ biến các chính sách xuất nhập khẩu, chương trình kết nối với các tổ chức phân phối trong và ngoài nước cho doanh nghiệp địa phương tham gia.
Ngành cũng tổ chức các chương trình kết nối cung cầu với các tỉnh, thành trong khu vực và thị trường có nhu cầu kết nối với doanh nghiệp tỉnh Tây Ninh và kết nối giao thương với các nhà cung cấp khu vực phía Nam, siêu thị, hệ thống bán lẻ trong cả nước. Đồng thời phối hợp, tổ chức các chương trình hội thảo, hội nghị, diễn đàn phổ biến các chính sách xuất nhập khẩu, chương trình kết nối với các tổ chức phân phối trong và ngoài nước, các lớp tập huấn về quản trị doanh nghiệp, quản trị kinh doanh, khởi nghiệp, quản lý chất lượng, kỹ năng bán hàng, thiết kế bao bì và hướng dẫn doanh nghiệp đăng ký thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Đối với hoạt động du lịch, thời gian qua, tỉnh tổ chức nhiều hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch, từng bước khẳng định chất lượng, thương hiệu của du lịch Tây Ninh với trọng tâm là Khu du lịch quốc gia núi Bà Đen, lan toả đến các điểm du lịch lân cận với các chương trình hợp tác, liên kết phát triển du lịch các tỉnh vùng Đông Nam bộ như Hội Xuân núi Bà Đen năm 2024 với chủ đề “Hương sắc Tây Ninh”, chương trình “Bình Phước với Tây Ninh – một cung đường 2 điểm đến”, đoàn Famtrip Bình Dương với chủ đề “1 cung đường, 3 điểm đến”, các chương trình tạo điều kiện cho doanh nghiệp kinh doanh du lịch giới thiệu sản phẩm du lịch, kết nối tuyến, điểm tham quan giữa các địa phương.
Du khách tham quan Di tích lịch sử Căn cứ Trung ương Cục miền Nam.
Tỉnh cũng đã tổ chức đoàn cán bộ, công chức đi tham dự các lễ hội văn hoá kết hợp xúc tiến đầu tư tại các địa phương thuộc Hàn Quốc, Trung Quốc… với mục tiêu quảng bá tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, tiếp cận, kết nối các nhà đầu tư để kịp thời thu hút dòng vốn đầu tư mới.
Thời gian tới, Đảng bộ, chính quyền cùng người dân Tây Ninh sẽ phát triển du lịch theo định hướng: tập trung hỗ trợ về pháp lý để các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện dự án đầu tư tại các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh. Trọng tâm là phát triển nhanh, đưa Khu du lịch quốc gia núi Bà Đen trở thành khu du lịch đẳng cấp của khu vực và quốc gia, là tâm điểm dẫn dắt, kết nối lan toả du lịch địa phương và khu vực Đông Nam bộ.
Người tiêu dùng tham quan sản phẩm của doanh nghiệp Tây Ninh tại Hội nghị xúc tiến thương mại tại TP. Hồ Chí Minh.
Đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông các tuyến giao thông đường bộ nội tỉnh, liên tỉnh và đường thuỷ nhằm kết nối giao thông giữa các điểm du lịch trong tỉnh và kết nối du lịch Tây Ninh với các địa phương khác trong nước và các địa phương có đường biên giới giáp với tỉnh Tây Ninh.
Thu hút đầu tư vào hệ thống cơ sở hạ tầng du lịch chất lượng cao như: khách sạn từ 3 đến 5 sao; các trung tâm mua sắm, vui chơi giải trí, khu điểm du lịch, hệ thống cơ sở dịch vụ ăn uống đạt tiêu chuẩn…
Đẩy mạnh phát triển sản phẩm du lịch lễ hội, tín ngưỡng và du lịch văn hoá tâm linh kết hợp phát triển đa dạng các loại hình du lịch khác như: du lịch nghỉ dưỡng; du lịch sinh thái; du lịch xanh; du lịch về nguồn, tìm hiểu lịch sử nhằm thu hút đông đảo du khách đến với Tây Ninh.
Đồng thời tăng cường các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch, điểm đến du lịch an toàn, kích cầu du lịch nội địa, liên kết tour, tuyến du lịch giữa các tỉnh; từng bước thu hút, mở rộng thị trường du lịch quốc tế…
Tây Ninh luôn chào đón và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư. Sự thành công của nhà đầu tư, doanh nghiệp cũng chính là sự phát triển của Tây Ninh.
Nhi Trần
Du lịch Tây Ninh được định hướng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Chú trọng phát triển du lịch văn hoá, bảo tồn, phát huy giá trị di sản và bản sắc văn hoá dân tộc; tạo dựng các sản phẩm, dịch vụ du lịch gắn với các hoạt động kinh tế – xã hội hiện hữu của địa phương.
Ứng dụng công nghệ 4.0 trong công tác quảng bá, xúc tiến du lịch; từng bước phát triển du lịch thông minh.
Khai thác du lịch hồ Dầu Tiếng, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của quần thể di tích lịch sử, văn hoá và danh thắng quốc gia núi Bà Đen, Vườn quốc gia Lò Gò – Xa Mát, du lịch sông Vàm Cỏ Đông, rừng Hoà Hội…
Nguồn: https://baotayninh.vn/ket-noi-du-lich-dia-phuong-va-khu-vuc-dong-nam-bo-a178275.html