Ngành chức năng khảo sát tình hình dự trữ hàng hóa thiết yếu phục vụ tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.
Giai đoạn 2021-2024, trên địa bàn tỉnh xây dựng và đưa vào sử dụng 2 siêu thị (siêu thị Go! Hoà Thành, siêu thị Go! Gò Dầu); cải tạo, nâng cấp 27 chợ; 5 cửa hàng xây dựng mô hình điểm bán hàng Việt Nam với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam”.
Đến nay, toàn tỉnh có 109 chợ, 13 siêu thị, 1 trung tâm thương mại hạng III; 5 siêu thị Winmart, 60 cửa hàng Bách hóa Xanh và 14 cửa hàng tạp hóa, tiện lợi xây dựng mô hình điểm bán hàng Việt Nam được Bộ Công Thương và UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí.
Hầu hết các chợ, siêu thị, cửa hàng tiện lợi đều hoạt động hiệu quả, góp phần thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế – xã hội và giao lưu hàng hoá của nhân dân địa phương.
Từ năm 2021 đến nay, siêu thị Co.opMart Tây Ninh, Co.opMart Tân Châu, Co.opMart Gò Dầu, Co.opMart Châu Thành, Co.opMart Dương Minh Châu, Co.opMart Trảng Bàng, Co.opMart Phước Đông và Co.opMart Tân Biên đã thực hiện 97 chuyến bán hàng lưu động với tổng doanh thu trên 700 triệu đồng. Ngoài ra, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu-Thương mại-Công nghệ-Dịch vụ Hùng Duy đã thực hiện các chuyển bán hàng đến vùng sâu, vùng xa hàng ngày với tổng doanh thu khoảng 3 tỷ đồng/ngày.
Thời gian qua, các ngành chức năng đã đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, thường xuyên cập nhật thông tin về diễn biến tình hình, xu hướng phát triển thị trường các mặt hàng cao su, khoai mì, các sản phẩm từ khoai mì, hạt điều, gạo, rau, củ quả trên trang web của ngành Công Thương định kỳ hàng tháng, quý; triển khai các thông báo về tình hình xuất nhập khẩu để các doanh nghiệp kịp thời ứng phó với những đột biến bất lợi thị trường; xây dựng và triển khai chương trình bình ổn thị trường, bảo đảm cung cầu hàng hóa, kịp thời áp dụng các biện pháp bình ổn, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá, đặc biệt vào các dịp lễ, tết, mùa vụ.
Các siêu thị, cửa hàng tiện lợi hoạt động hiệu quả, góp phần thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế – xã hội và giao lưu hàng hoá.
Theo UBND tỉnh, các ngành, các cấp trên địa bàn đã triển khai quán triệt nghiêm túc vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của chiến lược phát triển thương mại đối với sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.
Hoạt động thương mại phục hồi tích cực, các chương trình kích cầu tiêu dùng, tháng khuyến mại tập trung được tổ chức ở nhiều địa phương, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, nhu cầu mua sắm của người dân ngày càng tăng. Công tác kết nối cung cầu được thực hiện tốt, giá cả tương đối ổn định; gắn kết tạo nguồn hàng ổn định giữa nhà sản xuất với các hệ thống phân phối lớn trên toàn tỉnh.
Trong thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch số 98/KH-UBND ngày 11.1.2022 của UBND tỉnh về tổ chức thực hiện Quyết định số 1163/QĐ-TTg ngày 13.7.2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chiến lược “Phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” trên địa bàn tỉnh; thực hiện có hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành Công Thương trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn đến năm 2030.
Mặt khác, tỉnh cũng chú trọng việc xây dựng hạ tầng thương mại đồng bộ, hiện đại, bền vững, vừa đáp ứng nhu cầu lưu thông hàng hóa, vừa hỗ trợ xuất khẩu. các ngành chức năng có liên quan theo dõi, nắm diễn biến tình hình thị trường về cung cầu, giá cả hàng hóa; bảo đảm trật tự, bình ổn thị trường, kiểm soát chặt chẽ tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại; tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra xử lý các trường hợp vi phạm trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Giang Hà
Nguồn: https://baotayninh.vn/xay-dung-ha-tang-thuong-mai-dong-bo-hien-dai-a182281.html