Những ngày cuối năm, anh Lê Ngọc Dư tất bật sửa lại mô hình chú King Kong bằng rơm, cỏ tranh dưới chân núi Bà Đen để chuẩn bị mừng năm mới 2025. Ngoài ra, chàng trai ngụ xã Bàu Năng, huyện Dương Minh Châu cũng không ngơi tay thực hiện một số tác phẩm nghệ thuật từ tre trúc.
Anh Lê Ngọc Dư kể về quá trình chế tạo chú King Kong bằng rơm, cỏ tranh của mình.
Biến trò chơi tuổi thơ thành tác phẩm nghệ thuật
Năm 2024, hai anh em sinh đôi Lê Ngọc Dư, Lê Minh Hải bất ngờ nổi tiếng khắp các trang mạng xã hội và được nhiều cơ quan báo chí biết đến với tác phẩm chú King Kong khổng lồ được làm bằng vật liệu rơm, cỏ tranh trong khuôn viên Lữ quán Village dưới chân núi Bà Đen.
Để tác phẩm của mình được chỉn chu đón chào năm mới Ất Tỵ 2025, Dư dành nhiều công sức thay thế những bộ phận chú King Kong đã cũ bằng lớp rơm mới. Khi chúng tôi đến tham quan, “nghệ nhân miệt vườn” này cho biết chỉ còn công đoạn phủ một lớp sơn PU lên toàn bộ chú King Kong cho đồng màu và hạn chế phần nào tác động của thời tiết.
Buổi trưa, nắng gắt, công việc tu sửa chú King Kong được tạm dừng. Tranh thủ lúc này, Dư bắt tay vào việc lắp ráp những bộ phận cho tác phẩm ốc mượn hồn. Vật liệu để làm nên tác phẩm này là gốc, nhánh, thân tre gai. Anh kể, để tìm được những vật liệu này, anh đã phải mất nhiều tháng liền lặn lội nhiều nơi mới tìm đủ các chi tiết phù hợp với hình dáng của con ốc mượn hồn.
Chú dế cơm to tướng.
“Ví dụ phần đuôi của con ốc, mình phải tìm phôi tre cong hoàn toàn tự nhiên, kích thước cũng phải phù hợp với tổng thể của mô hình. Sau khi đem về nhà, mình chỉ đục đẽo, bỏ bớt những chi tiết thừa, hạn chế tối đa việc tác động vào những phần còn lại”- Dư nói.
Sau vài giờ lắp ráp, con ốc mượn hồn dần hình thành. Dưới đôi tay khéo léo và óc sáng tạo, gốc, cành tre vô tri bỗng hoá thân thành tác phẩm nghệ thuật. Đặt trên tảng đá bên hồ nước, người xem có cảm giác như con ốc mượn hồn vừa bò ra khỏi vỏ đi tìm kiếm thức ăn. Tác phẩm này được anh Dự đặt tên là “ẩn sĩ”.
Bên cạnh mô hình nêu trên, chàng trai sinh năm 1987 còn cho chúng tôi xem nhiều tác phẩm khác được làm từ những vật liệu gần gũi với đời sống như tre, nứa, gáo dừa… Các tác phẩm đều để lại ấn tượng mạnh với người xem như: chú dế cơm to tướng, sinh động đến nỗi có cảm giác có thể nhảy tanh tách khi cầm trên tay; chú cua đồng giương cao đôi càng trong tư thế phòng ngự. Hay những chú ong, chú bọ ngựa và nhiều chú kiến vàng to tướng…
Đặc biệt, anh Dư cho ra đời nhiều mô hình động vật có thể chuyển động được khi có cơn gió thổi qua hoặc có sự tác động vào. Đó là những chú chuồn chuồn, chú chim đại bàng tự cân bằng thân tre; chú rùa hoá rồng có phần đầu và đuôi lắc lư ngộ nghĩnh.
Hoặc bộ sản phẩm rồng chuông gió, mỗi khi có cơn gió nhẹ thổi qua, chú rồng cựa mình, quẫy đuôi như muốn bay lên. Chú chim hạc dang rộng đôi cánh chấp chới bay lượn giữa núi rừng, chú chim gõ kiến, chú ếch bên đầm sen, chú cò ăn cá… Ước tính, đến nay, Dư đã sản xuất được gần 100 sản phẩm từ tre trúc, gáo dừa. Các sản phẩm này đều được nhiều người ưa thích săn đón, không đủ cung cấp cho thị trường.
Chú cua đồng giương cao đôi càng.
Chú rùa hoá rồng.
Dư kể, anh sinh ra và lớn lên trong gia đình không có điều kiện kinh tế khá giả nên không có tiền mua đồ chơi như các bạn cùng trang lứa. Thuở nhỏ, anh em thường dùng lá dừa thắt thành hình con cào cào, châu chấu, nai để chơi. Lớn lên, hai anh em Dư và Hải đến TP. Hồ Chí Minh học nghề làm tóc và kiếm sống được với nghề làm đẹp cho mọi người.
Dịch Covid- 19 bùng phát, hai anh em trở về quê nhà thực hiện giãn cách xã hội. Trong lúc rảnh rỗi, anh chế tạo cần câu cá có hình đầu rồng và đăng lên mạng xã hội cho vui. Bất ngờ, đồ vật này được nhiều người quan tâm, khen ngợi. Với bản tính năng động, tìm tòi, sáng tạo, lại được tiếp thêm nguồn động viên, khích lệ từ cộng đồng mạng, anh Dư nghĩ đến việc tái tạo những món đồ chơi tuổi thơ bằng tre trúc.
Khi dịch Covid- 19 được đẩy lùi, Hải trở lại TP. Hồ Chí Minh tiếp tục gắn bó với nghề làm tóc. Dư ở lại quê nhà, dồn hết thời gian, công sức của mình cho việc sáng tạo. Theo lời anh Dư, để có được một sản phẩm, trước hết, đòi hỏi phải có ý tưởng, sau đó mới bắt tay vào tìm kiếm vật liệu.
Quá trình tìm kiếm không phải lúc nào cũng thuận lợi. Cầm con ốc mượn hồn vừa hoàn thành trên tay, Dư dẫn chứng, những bộ phận của của con ốc mượn hồn này, anh tìm khắp các bụi tre trong thôn xóm không có. Anh phải đi đến những vùng đất cằn cỗi, khắc nghiệt, nơi những cây tre phải chen chúc với nhau.
Ở đó, anh mới tìm thấy những gốc tre có hình dạng đặc biệt, đáp ứng được nhu cầu của mình. “Lắp ráp con ốc này chỉ tốn thời gian một ngày, nhưng thời gian tìm kiếm vật liệu khoảng 4 tháng” – Dư nói.
Chú chim hạc chấp chới bay lượn giữa núi rừng.
Chú kiến vàng dễ thương.
Lan toả tình yêu nghệ thuật
Không dừng lại ở việc thoả mãn nhu cầu cá nhân, thời gian qua, Dư còn dành nhiều thời gian tổ chức các buổi workshop để gặp gỡ, hướng dẫn phương pháp, kỹ năng chế tạo môn nghệ thuật này cho những người cùng đam mê, nhằm lan toả tình yêu thiên nhiên đến với các bạn trẻ.
Anh Trần Văn Hiền, ngụ huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước- người sáng tạo nội dung, khá nổi tiếng với kênh YouTube, TikTok chuyên về ẩm thực làng quê, đã ba lần đến Tây Ninh thuê nhà ở trọ để “thọ giáo” về cách chế tạo các mặt hàng thủ công mỹ nghệ từ tre trúc của anh Dư.
Đến nay, Hiền đã hoàn thành được con kiến bằng tre, dùng để trang trí trong gia đình và anh cảm thấy rất vui mỗi khi ngắm nhìn tác phẩm này. Chàng thanh niên đến từ Bình Phước chia sẻ: “Em cũng là nhà sáng tạo nội dung, em muốn học hỏi nhiều hơn ở anh Dư để sau này có thể quay nhiều hơn các đồ thủ công mỹ nghệ từ tre trúc. Qua đó, em muốn lan toả đến các bạn niềm đam mê cây tre mộc mạc của quê hương”.
Anh Lê Ngọc Dư lắp ráp tác phẩm ốc mượn hồn.
Mô hình chú King Kong bằng rơm, cỏ tranh và những tác phẩm nghệ thuật từ tre trúc của anh Dư đã góp phần tạo không gian sinh động, hấp dẫn ở Lữ quán Village. Chị Trương Thị Hà- giám đốc một công ty thời trang ở TP. Hồ Chí Minh cùng nhóm bạn đến Lữ quán Village tấm tắc: “Cảm nhận đầu tiên khi bước chân vào khuôn viên này là không khí trong lành, có nhiều cây xanh và núi đồi rất đẹp. Đặc biệt, cách bài trí ở đây đậm nét thôn quê, gợi nhớ về tuổi thơ của mình nên mình rất thích”.
Đại diện Lữ quán Village- chị Nguyễn Thị Thanh Thảo cho biết, bên cạnh việc tiếp tục duy trì mô hình King Kong, sắp tới nơi đây sẽ dựng một cửa hàng dùng để trưng bày, giới thiệu những sản phẩm thủ công mỹ nghệ bằng tre trúc của anh Dư để khách tham quan, chiêm ngương. Đồng thời, Lữ quán sẽ phát triển thêm mảng du lịch xanh, trồng nhiều hoa kiểng mới lạ và du lịch trải nghiệm với các hoạt động: cho các em học sinh tắm suối, mò cua, bắt ốc, làm bánh tráng trộn, làm nước đá bào…
Vừa qua, chàng thanh niên Tây Ninh Lê Ngọc Dư được Đài Truyền hình Việt Nam (VTV3) mời đến trường quay ở Hà Nội suốt một tuần để thực hiện chương trình Việt Nam đa sắc. Trong chương trình, Dư đã kể lại quá trình chế tạo những mặt hàng thủ công mỹ nghệ từ tre trúc của mình. “Tôi đang ấp ủ ước mơ và quyết tâm thực hiện tác phẩm Thánh Gióng cưỡi ngựa, cầm cây tre đánh đuổi giặc ngoại xâm”- Dư tâm sự.
Đại Dương
Nguồn: https://baotayninh.vn/voi-nhung-tac-pham-tu-tre-truc-a183713.html