Powered by Techcity

Tuỳ thuộc hiệu quả hoạt động ngân hàng


Gần đây, người dân tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh (nhất là đối tượng chính sách người có công và đối tượng bảo trợ xã hội) đã nhiều lần kiến nghị ngành ngân hàng lắp đặt thêm trụ ATM tại các xã vùng sâu, vùng xa để thuận tiện trong việc rút tiền mặt. Tuy nhiên, việc lắp đặt trụ ATM còn phụ thuộc vào nhu cầu phát triển và hiệu quả hoạt động kinh doanh của ngân hàng.

Hầu hết các đối tượng chính sách người có công và đối tượng bảo trợ xã hội được Nhà nước chi trả tiền qua hình thức chuyển khoản, nhưng thực tế tại nhiều địa bàn xã chưa có trụ ATM. Việc này gây khó khăn cho người dân trong việc đi rút tiền mặt.

Trụ ATM gần UBND xã Long Thuận

Theo số liệu thống kê của UBND xã Đồng Khởi, huyện Châu Thành, đối tượng an sinh xã hội trên địa bàn xã được nhận trợ cấp, ưu đãi là 775 người, với tổng số tiền hằng tháng phải chi trả hơn 714 triệu đồng. Được sự chỉ đạo của UBND huyện về việc thực hiện chi trả qua chuyển khoản không dùng tiền mặt, UBND xã đã tổ chức vận động các đối tượng trên mở tài khoản và dùng thẻ ATM. Kết quả, hiện nay có 356 người đã mở tài khoản, trong đó có 116 người đã được cấp thẻ, số còn lại ngân hàng chưa giao thẻ (tính đến ngày 30.10.2024).

Thực tế, trên địa bàn xã Đồng Khởi chưa có trụ ATM, khi người dân cần rút tiền phải đến các khu vực có đặt trụ như thành phố Tây Ninh, Thị trấn- huyện Châu Thành, xã Mỏ Công- huyện Tân Biên… Đa số đối tượng đang đề cập là người cao tuổi, người khuyết tật, thương binh, bệnh binh đi lại khó khăn, trở ngại. Do đó, việc các đối tượng trên rút tiền mặt tại các trụ ATM cách nơi cư ngụ của họ khá xa. Mặt khác, việc uỷ quyền cho người thân đi rút tiền phát sinh nhiều vấn đề bất tiện.

Tương tự, người dân tại khu vực các xã Long Giang, Long Khánh, Long Phước, Long Chữ, huyện Bến Cầu mong muốn ngân hàng đặt một trụ ATM liên xã, cụ thể là tại ngã ba Long Giang để người dân thuận tiện khi cần giao dịch rút tiền mặt.

Bà Trần Thị Bé Ngoan- Phó Chủ tịch UBND xã Long Giang cho biết, hiện tại, người dân trên địa bàn xã muốn đi rút tiền mặt phải chạy xe khá xa, xuống gần trụ sở UBND xã Long Thuận hoặc thị trấn Bến Cầu. Chủ trương không sử dụng tiền mặt là đúng đắn, thế nhưng trên thực tế có rất nhiều người không biết hoặc không quen dùng điện thoại thông minh để giao dịch tài khoản số. Việc không sử dụng tiền mặt tại địa phương vẫn còn đang trong quá trình từng bước chuyển đổi.

Vừa qua cử tri có kiến nghị ngân hàng lắp đặt trụ ATM tại ngã ba Long Giang. Địa điểm này thuận tiện người dân ở các xã lân cận đến giao dịch rút tiền.

“Ngành ngân hàng cần xem xét đặt trụ ATM tại ngã ba Long Giang để người dân thuận tiện rút tiền. Một mặt nhằm chia sẻ số lượt người rút tiền tại trụ đặt gần UBND xã Long Thuận, nhất là vào những ngày công nhân lãnh lương. Thời điểm này, gia đình tôi đến rút tiền phải chờ đợi rất lâu, chưa kể phải đi một quãng đường xa mới đến được trụ ATM này. Mặt khác, ngân hàng cũng nên tạo điều kiện thuận lợi cho những người cao tuổi như tôi, người khuyết tật, thương binh, bệnh binh… có điều kiện thuận tiện để rút tiền mặt sử dụng”- ông Huỳnh Văn Nghe (sinh năm 1931, ngụ xã Long Giang), người dân đang được hưởng chế độ chính sách người có công nêu ý kiến.

Trước kỳ họp thứ 14 của HĐND tỉnh, cử tri tại các xã Lộc Ninh, Bến Củi, Phước Minh, Phước Ninh- huyện Dương Minh Châu; Thạnh Bình, Tân Lập- huyện Tân Biên cũng kiến nghị ngành ngân hàng quan tâm khảo sát, lắp đặt thêm các trụ ATM tại những điểm thuận lợi liên xã để người dân không phải đi xa rút tiền mặt, phát sinh chi phí, bất tiện, nhất là đối với những người thuộc đối tượng gia đình chính sách và bảo trợ xã hội.

Bà Nguyễn Thị Thuý Oanh- Phó Chủ tịch UBND xã Bến Củi cho hay, người dân trên địa bàn xã cần rút tiền mặt phải chạy xe qua huyện Dầu Tiếng (tỉnh Bình Dương), khu vực ngã ba Đất Sét, xã Cầu Khởi, Khu công nghiệp Chà Là (huyện Dương Minh Châu), Khu công nghiệp Phước Đông (huyện Gò Dầu)… Thực trạng này rất khó khăn cho các đối tượng gia đình chính sách, bảo trợ xã hội, kể cả người dân, công chức, viên chức, công nhân đang làm việc cho nông trường cao su trên địa bàn rút tiền mặt. Do đó, kiến nghị của cử tri rất chính đáng, ngân hàng cần quan tâm xem xét.

Trao đổi với phóng viên Báo Tây Ninh, ông Nguyễn Xuân Hiền- Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Tây Ninh cho biết, việc lắp đặt ATM thuộc quyền tự chủ kinh doanh của các ngân hàng thương mại, xuất phát từ nhu cầu phát triển và hiệu quả hoạt động kinh doanh của ngân hàng. Các ngân hàng thương mại là doanh nghiệp nên việc xác định địa bàn lắp đặt ATM phải tính đến hiệu quả hoạt động (số lượng khách hàng ở khu vực, số lượng giao dịch qua ATM, bảo đảm an toàn…), do chi phí lắp đặt và duy trì hoạt động cho 1 trụ ATM là khá lớn. Hiện nay, việc trang bị ATM của các chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh do trụ sở chính của các ngân hàng phân bổ về cho chi nhánh, trên cơ sở xem xét hiệu quả phương án hoạt động việc lắp đặt trụ ATM.

Ông Nguyễn Xuân Hiền còn cho biết, thực hiện chủ trương của Chính phủ về việc đẩy mạnh chuyển đổi số, thanh toán không dùng tiền mặt, hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt trong thời gian qua đã tăng mạnh. Số giao dịch rút tiền mặt qua trụ ATM ngày càng giảm, đây là xu hướng phát triển theo đúng chủ trương của Chính phủ.

Đối với khu vực vùng sâu, vùng xa, hiện nay, Thủ tướng Chính phủ cho triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hoá, dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile-Money). Các công ty viễn thông được phép thực hiện thí điểm đã phát triển khá mạnh dịch vụ này.

Quốc Sơn – Đại Dương



Nguồn: https://baotayninh.vn/tuy-thuoc-hieu-qua-hoat-dong-ngan-hang-a180961.html

Cùng chủ đề

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Tin nổi bật

Tin mới nhất