Powered by Techcity

Truyền dạy ngôn ngữ Tà Mun cho thế hệ kế thừa


Tây Ninh có 21 dân tộc thiểu số đang sinh sống, gồm 5.551 hộ, tổng số 20.415 người, chiếm tỷ lệ 1,73% dân số toàn tỉnh. Mỗi cộng đồng dân tộc thiểu số đều có ngôn ngữ riêng. Có một thực tế, hiện nay, dân tộc thiểu số nào cũng có tiếng nói riêng nhưng không phải dân tộc nào hay tộc người nào cũng có chữ viết của dân tộc mình. Điều đó đặt ra yêu cầu cấp thiết phải bảo tồn, gìn giữ ngôn ngữ dân tộc, bởi “ngôn ngữ còn thì dân tộc còn” và ngược lại. 

Việc bảo tồn, giữ gìn và lưu truyền ngôn ngữ, chữ viết của đồng bào các dân tộc thiểu số được ví như “một bài toán” có nhiều cách giải, tuy nhiên sử dụng cách giải nào nhanh, phù hợp nhất đang là một vấn đề đặt ra. Mặc dù chưa được công nhận là một dân tộc thiểu số nhưng cộng đồng người Tà Mun tại Tây Ninh vẫn còn lưu giữ được những giá trị văn hoá tinh thần, tín ngưỡng của mình, đặc biệt gìn giữ được ngôn ngữ.  Cộng đồng người Tà Mun không có chữ viết riêng, họ lưu truyền ngôn ngữ bằng tiếng nói. 

Tham gia lớp ngôn ngữ Tà Mun có 50 học viên là người Tà Mun  sinh sống trên địa bàn TP. Tây Ninh.

Sáng tạo ký tự La-tinh cho chữ viết người Tà Mun

Triển khai dự án 06 của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch về thực hiện Dự án “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Tây Ninh đã thực hiện nhiều chương trình nhằm bảo tồn các loại hình văn hoá phi vật thể, trong đó có tiếng nói, chữ viết của đồng bào dân tộc thiểu số.

Tháng 6 vừa qua, Bảo tàng tỉnh phối hợp Phân viện Văn hoá Nghệ thuật quốc gia Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh tổ chức lớp truyền dạy ngôn ngữ Tà Mun cho đồng bào Tà Mun ở ấp Tân Lập (xã Tân Bình) và ấp Thạnh Hiệp (xã Thạnh Tân) tại Nhà văn hoá dân tộc Tà Mun (ấp Tân Lập, xã Tân Bình, TP. Tây Ninh). Lớp học có sự tham gia của 50 học viên người Tà Mun sinh sống trên địa bàn tỉnh.

Tham gia khoá học, học viên được trang bị kiến thức tổng quan về ngôn ngữ Tà Mun, tiếp nhận tiếng Tà Mun một cách tự nhiên thông qua thực hành, trải nghiệm, rèn luyện theo mẫu, hát dân ca truyền thống của người Tà Mun. Qua đó hình thành và phát triển năng lực ngôn ngữ về kỹ năng nghe, nói, đọc, viết ở mức độ cơ bản (bằng ký tự La-tinh).

Là một trong những người giảng dạy tại khoá học, ông Lâm Văn Ron- già làng, người có uy tín của cộng đồng người Tà Mun nhìn nhận, tiếng nói của đồng bào Tà Mun đang dần bị mai một, đặc biệt đối với thế hệ trẻ. Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, các cơ quan chức năng mở lớp truyền dạy ngôn ngữ Tà Mun cho con em đồng bào. Nếu truyền dạy bằng hình thức truyền miệng, người học sẽ “nói trước quên sau” nên ông Ron nảy ra ý tưởng phiên âm tiếng nói bằng ký tự La-tinh để có thể lưu giữ ngôn ngữ của đồng bào mình bằng chữ viết.

“Tôi và cô Lâm Thị Niệm đứng lớp, công tác tổ chức lớp học gặp khó khăn trong khâu vận động các em đến lớp. Tuy nhiên, sau khi tham gia được vài buổi học, các em tỏ ra thích thú. Kết thúc lớp học, các em gặp tôi và hỏi khi nào mở lớp tiếp theo để được tham gia. Tôi có trao đổi với các em, khi về nhà trong sinh hoạt hằng ngày nên trao đổi với ba mẹ bằng tiếng nói của đồng bào mình để góp phần bảo tồn, gìn giữ ngôn ngữ không bị mai một và mất đi”- già làng Lâm Văn Ron trao đổi với nhóm phóng viên.

Vấn đề bảo tồn, gìn giữ ngôn ngữ các dân tộc thiểu số từ lâu đã được Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm. Điều 5, chương I Hiến pháp Việt Nam năm 2013 ghi rõ: “Các dân tộc có quyền dùng tiếng nói, chữ viết, giữ gìn bản sắc dân tộc, phát huy phong tục, tập quán, truyền thống và văn hoá tốt đẹp của mình”.

Xu hướng hội nhập quốc tế làm tăng nguy cơ suy giảm các ngôn ngữ của đồng bào dân tộc thiểu số. Trong khi đó, ngôn ngữ không chỉ là một phần của của văn hoá mà còn là phương tiện để thống nhất ý chí và củng cố sức mạnh đoàn kết dân tộc. 

Việc mượn ngôn ngữ dân tộc khác để mã hoá âm thanh của cộng đồng người Tà Mun không phải là cách làm mới nhưng đã mang lại những hiệu quả nhất định. Ông Ron lấy một vài ví dụ như chữ “Ta” trong tiếng Tà Mun có nghĩa là “ông”, “Uôl” có nghĩa là “bà”, khi đọc bằng tiếng Tà Mun sẽ mã hoá bằng ký tự La-tinh để các em học sinh dễ nhớ hơn và khi về nhà có thể dễ dàng ôn tập.  

“Người dân trong xóm khi có ma chay, lễ hội thường tụ họp lại và giao tiếp với nhau bằng ngôn ngữ Tà Mun. Mỗi khi cúng kiếng tôi cũng vái lạy bằng tiếng đồng bào Tà Mun. Trong sinh hoạt gia đình, khi đi chợ, trao đổi mua bán, đồng bào tôi cũng trò chuyện với nhau bằng tiếng Tà Mun. Theo tôi, những người làm cha mẹ nên cố gắng giữ nếp sinh hoạt giao tiếp bằng tiếng đồng bào mình cho con cháu học tập, noi theo”- ông Ron thông tin thêm.

Ông Lâm Văn Ron và anh Lâm Văn Giỏi trao đổi nội dung mã hoá ngôn ngữ Tà Mun bằng ký tự La-tinh.

Giữ gìn sự trong sáng của ngôn ngữ dân tộc thiểu số

Theo nhiều tài liệu và người cao tuổi kể, cộng đồng người Tà Mun đến Tây Ninh từ năm 1926, sau giải phóng mới định canh định cư. Họ làm nương làm rẫy theo nhóm, không tách rời. “Tôi mong muốn được Đảng và Nhà nước công nhận người Tà Mun là dân tộc thiểu số.

Sau này, các em, các cháu đi làm giấy khai sinh, nói dân tộc Tà Mun không có trên giấy tờ nên rất khó khăn. Một vài người dân cũng phản ánh với tôi rằng họ gặp khó khăn trong việc làm giấy tờ, tôi phải giải thích để bà con hiểu 54 dân tộc anh em trên đất nước Việt Nam chưa có tộc người Tà Mun của mình. Tôi cũng mong các cấp chính quyền nếu được hãy mở ngoặc trên giấy tờ, ghi rõ tộc người Tà Mun để sau này chúng tôi cũng có được “danh phận” rõ ràng”- ông Ron cho hay.

Là người cao niên, ông Ron nhận thấy, giai đoạn hiện nay ngôn ngữ Tà Mun đã bị pha trộn rất nhiều, pha giữa ngôn ngữ Kinh và Khmer, nếu không tìm cách giữ gìn sau này có nguy cơ mất đi chứ không chỉ mai một. Các lớp truyền dạy cần duy trì thường xuyên, chờ có dịp mới mở lớp khó đạt được hiệu quả bền vững.

Tuy nhiên, mở lớp học bài bản cần thông qua Sở Giáo dục và Đào tạo, nhưng thông qua ngành Giáo dục phải có chữ viết, và đặc thù của lớp này là lớp truyền miệng nên rất khó để tổ chức bài bản. Còn nếu đề xuất qua cơ quan Nhà nước phải có giấy tờ, chứng từ, mở lớp bài bản, đội ngũ giáo viên đứng lớp phải có chứng chỉ, kiến thức nhất định về ngôn ngữ dân tộc thiểu số.

Nhà văn hoá dân tộc Tà Mun- nơi giao lưu văn hoá của cộng đồng người Tà Mun trên địa bàn TP. Tây Ninh.

Trước sự pha trộn ngôn ngữ, vốn từ vựng để định danh các đồ vật, sự vật, hiện tượng hằng ngày đã bị mai một nhiều, người Tà Mun mượn khoảng 30%-40% từ vựng của người Kinh, ví dụ từ “chìa khoá” trong tiếng Tà Mun vẫn gọi là “chìa khoá”.

Anh Lâm Văn Giỏi (25 tuổi), người Tà Mun, ngụ khu phố Ninh Đức, phường Ninh Thạnh, TP. Tây Ninh cho biết, anh và gia đình luôn sử dụng ngôn ngữ đồng bào mình trong sinh hoạt hàng ngày, đặc biệt dịp lễ tết, cưới hỏi. Anh bình luận rằng, tiếng nói đồng bào mình rất đẹp và mong muốn ngôn ngữ này được đưa vào giảng dạy trong trường học, để con em người Tà Mun thế hệ sau này được kế thừa, phát huy.

Vấn đề đặt ra, để tiếng đồng bào tồn tại và phát triển, cần phải làm gì? Giải pháp khả thi và bền vững nhất là dạy tiếng dân tộc trong nhà trường.

Việc bảo tồn ngôn ngữ của đồng bào dân tộc thiểu số còn thể hiện vị thế bình đẳng giữa các dân tộc, thể hiện sự đa dạng trong văn hóa Việt Nam. Bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số mà ngôn ngữ cũng là một mục tiêu quan trọng. Làm được điều đó, nghĩa là chúng ta đã và đang bảo vệ một tài nguyên quý giá, khai thác một bảo tàng sống, một nguồn du lịch đặc sắc để phát triển kinh tế, xã hội và khẳng định chủ quyền của đất nước.

Hoàng Yến – Việt Đông

(còn tiếp)



Nguồn: https://baotayninh.vn/bai-1-truyen-day-ngon-ngu-ta-mun-cho-the-he-ke-thua-a180474.html

Cùng chủ đề

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Tin nổi bật

Tin mới nhất