Tây Ninh là một tỉnh thuộc vùng Đông Nam Bộ, Việt Nam, với diện tích tự nhiện 4.035,45 km2, dân số khoảng 1.064.000 người.
Vị trí địa lý: Toàn tỉnh hiện có 9 đơn vị hành chính bao gồm Thành phố Tây Ninh và 8 huyện. Thành phố Tây Ninh là trung tâm kinh tế – chính trị – văn hóa của tỉnh, cách thành phố Hồ Chí Minh 99 km về phía Tây Bắc theo quốc lộ 22.
Tỉnh Tây Ninh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; phía Tây và Bắc giáp Vương quốc Campuchia với đường biên giới dài 240 km, có 2 cửa khẩu quốc tế (Mộc Bài, Xa Mát), 4 cửa khẩu chính, 10 cửa khẩu phụ; phía Đông giáp tỉnh Bình Dương và Bình Phước, phía Nam giáp thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Long An. Cửa khẩu quốc tế Mộc Bài cách thành phố Hồ Chí Minh 70 km và thủ đô Phnôm Pênh – Campuchia 100 km. Tây Ninh có các trục giao thông quan trọng như đường Xuyên Á, quốc lộ 22B; …
Địa hình: Địa hình Tây Ninh tương đối bằng phẳng, địa chất công trình, tính cơ lý của đất tốt, khi xây dựng nền móng ít tốn kém, rất thuận lợi phát triển nông nghiệp, công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch và cơ sở hạ tầng.
Khí hậu: Khí hậu Tây Ninh tương đối ôn hòa, chia làm 2 mùa rõ rệt: mùa mưa và mùa khô. Lượng mưa trung bình hàng năm từ 1800 – 2200 mm, độ ẩm trung bình trong năm vào khoảng 70 – 80%.
Tây Ninh chịu ảnh hưởng của 2 loại gió chủ yếu là gió Tây – Tây Nam vào mùa mưa và gió Bắc – Đông Bắc vào mùa khô. Tốc độ gió 1,7 m/s và thổi điều hòa trong năm. Nhiệt độ trung bình năm của Tây Ninh là 27,40C, lượng ánh sáng quanh năm dồi dào, mỗi ngày trung bình có đến 6 giờ nắng. Mặt khác Tây Ninh ít chịu ảnh hưởng của bão lũ và những yếu tố bất lợi khác. Khí hậu Tây Ninh rất thuận lợi cho phát triển nông nghiệp đa dạng, đặc biệt là các loại cây công nghiệp, ăn quả, dược liệu và chăn nuôi gia súc gia cầm trên quy mô lớn.
Tài nguyên đất: có 5 nhóm đất chính với 15 loại đất khác nhau
+ Nhóm đất xám (gồm 6 loại) có diện tích 339.833 ha chiếm khoảng 84,4% diện tích tự nhiên và phân bố trên toàn tỉnh. Loại này có thành phần cơ giới nhẹ, dễ thoát nước, phù hợp với nhiều loại cây trồng.
+ Nhóm đất phèn (gồm 3 loại) với tổng diện tích 25.359 ha, chiếm 6,3% diện tích tự nhiên, chủ yếu phân bố ở Châu Thành, Gò Dầu, Trảng Bàng.
+ Nhóm đất đỏ vàng (gồm 3 loại) chiếm tỷ trọng không lớn, khoảng 1,6% diện tích tự nhiên, phân bố chủ yếu ở huyện Tân Biên, Tân Châu. Loại đất này có thể được sử dụng để phát triển lâm nghiệp.
+ Nhóm đất phù sa (gồm 2 loại) chiếm 0,4% diện tích tự nhiên, hình thành do bồi tích của các con sông nên thích hợp trồng các loại lúa nước và rau màu.
+ Nhóm đất than bùn chôn vùi có diện tích rất nhỏ, chỉ chiếm 0,3% diện tích tự nhiên của tỉnh. Chủ yếu phân bổ tại huyện Bến Cầu, Châu Thành… đây là loại đất rất chua, cả tầng mặt và tầng than bùn, độ PH 2 – 3. Hàm lượng chất hữu cơ rất cao, nhưng độ phân giải kém.
Tài nguyên nước: Nguồn nước mặt của Tây Ninh chủ yếu dựa vào chế độ hoạt động của 2 sông lớn là sông Sài Gòn và sông Vàm Cỏ Đông.
Tài nguyên khoáng sản: Tây Ninh có tiềm năng về một số loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng trong đó có khoáng sản làm xi măng là loại nhiều tỉnh trong vùng không có; đất sét làm gạch ngói, đá, cát xây dựng mà một số tỉnh xung quanh đã có những hạn chế. Trữ lượng các loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng khá lớn, chất lượng tốt.
Văn hóa và tiềm năng du lịch: Tây Ninh hội tụ nhiều tiềm năng để có thể phát triển hầu hết các loại hình du lịch như:
+ Núi Bà Đen – ngọn núi cao nhất Nam bộ nằm giữa đồng bằng mang một câu chuyện đẹp về lòng chung thủy, có giá trị tâm linh cao là điểm đến hành hương, tham quan của trên 2 triệu du khách mỗi năm. Tại đây còn có những hang động kỳ bí, những lối đi hiểm trở lên đỉnh núi và những trang sử hào hùng của một căn cứ kháng chiến…. là cơ sở để phát triển các loại hình du lịch khám phá, mạo hiểm, về nguồn… Khu Ma Thiên Lãnh là một thung lũng lọt giữa 3 ngọn núi, khí hậu mát lành là vị trí lý tưởng cho một khu nghỉ dưỡng, giải trí cao cấp
Núi bà đen
Tây Ninh là địa phương giàu truyền thống cách mạng. Rừng Tây Ninh là nơi trú đóng của Trung ương cục Miền Nam, cơ quan đầu não lãnh đạo cách mạng Miền Nam. Tua hai với chiến thắng lịch sử gắn liền với phong trào Đồng khởi. Chiến khu Dương Minh Châu – nơi ra mắt mặt trận dân tộc giải phóng Miền nam…. Ngoài ra, Tây Ninh còn nhiều địa danh khác gắn liền với cuộc kháng chiến chống ngoại xâm như căn cứ Bời Lời, địa đạo An Thới… Du khảo về nguồn có nhiều tiềm năng để phát triển.
+ Tòa thánh Cao đài là trung tâm của đạo Cao đài, một tôn giáo ra đời tại Tây Ninh từ năm 1926. Với kiến trúc độc đáo của tòa thánh, nhạc lễ có giá trị văn hóa cao, những lễ hội lớn vào tháng giêng, tháng 8… tòa thánh Tây Ninh là một nét độc đáo riêng có của Tây Ninh thu hút hàng triệu du khách trong và ngoài nước mỗi năm.
Tòa Thánh Tây Ninh
+ Hồ Dầu tiếng rộng 27.000 ha có đảo Nhím rộng 340 ha là vị trí lý tưởng cho một khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí mang tầm quốc tế.
+ Vườn quốc gia Lò Gò – Xa Mát cách thị xã Tây Ninh 40 km, diện tích 18.765 ha có giá trị cao về đa dạng sinh học. Tại đây có nhiều loại động vật, thực vật được ghi trong sách đỏ Việt nam. Vì vậy rất phù hợp để phát triển du lịch sinh thái, nghiên cứu khoa học.
Tây Ninh có vị trí quan trọng nối giữa thành phố Hồ Chí Minh và các điểm du lịch nổi tiếng của Campuchia: từ thành phố Hồ Chí Minh đến Phnom Penh qua cửa khẩu Mộc Bài khoảng 170 km, đến Siem Reap qua cửa khẩu Xa Mát khoảng 400 km. Do đó việc kết nối, tạo các tour giữa Tây ninh với các tỉnh thành trong nước, với Campuchia và các nước khác bằng đường bộ có nhiều tiềm năng để phát triển.
Tây Ninh có thể phát triển hầu hết các loại hình du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái, tâm linh, giải trí,… Tuy nhiên, hạ tầng du lịch và dịch vụ còn chưa phát triển tương xứng và đang trong giai đoạn đầu hoàn thiện, do đó rất nhiều cơ hội lớn đang chờ các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến khám phá, thực hiện những ý tưởng độc đáo của mình.
Cổng TTĐT tỉnh