Powered by Techcity

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đối thoại với nông dân năm 2024


Tham dự hội nghị, có lãnh đạo Ban dân vận Trung ương, Văn phòng Trung ương Đảng, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và Bộ trưởng các bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Công Thương; Tài nguyên và Môi trường; Thông tin và Truyền thông; Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Hội nghị được tổ chức dưới hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến đến 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.


Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương đối thoại với nông dân Việt Nam năm 2024.

Tham dự tại điểm cầu tỉnh Tây Ninh có ông Dương Văn Thắng–Phó Chủ tịch UBND tỉnh; bà Nguyễn Thị Ngọc Yến– Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cùng đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành; Hội Nông dân các huyện và một số nông dân tiêu biểu trên địa bàn tỉnh.


Ông Dương Văn Thắng– Phó Chủ tịch UBND tỉnh, bà Nguyễn Thị Ngọc Yến– Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh tham dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh.

Phát biểu mở đầu hội nghị, ông Lương Quốc Đoàn– Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cho biết, Hội nghị đối thoại với nông dân là hoạt động thường niên do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức.

Đây là diễn đàn để Thủ tướng và lãnh đạo các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương và địa phương trực tiếp lắng nghe các ý kiến, kiến nghị của bà con nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp về các vấn đề còn tồn tại, khó khăn, vướng mắc và những bất cập trong thực hiện chính sách nông nghiệp, nông dân, nông thôn.


Các đại biểu tham dự tại điểm cầu tỉnh Tây Ninh.

Qua 5 lần tổ chức, nhiều vấn đề liên quan đến cơ chế, chính sách để thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn và phát huy vai trò chủ thể của người nông dân đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành Trung ương và địa phương tập trung giải quyết, tạo sự chuyển biến rõ nét, tích cực; được đông đảo nông dân đồng thuận và hưởng ứng tham gia.

Năm 2024, để tổng hợp các ý kiến của hội viên, nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp Bộ NN&PTNT, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức 2 Diễn đàn “Lắng nghe nông dân nói” vào tháng 10 và tháng 11. Thông qua các kênh khác nhau, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã tiếp nhận được gần 3.000 ý kiến, kiến nghị gửi đến hội nghị lần này.


Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính lắng nghe nông dân phát biểu tại hội nghị.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, Hội nghị năm nay diễn ra trong bối cảnh ngành Nông nghiệp đạt được những thành công rất đáng mừng, đáng tự hào khi xuất khẩu đạt mức kỷ lục 62,5 tỷ USD (chỉ tiêu được giao 55 tỷ USD). Kết quả này có sự đóng góp rất quan trọng của nông dân cả nước, khẳng định vai trò, vị thế của nông dân trong phát triển kinh tế chung của đất nước. Theo Thủ tướng, năm 2025 là năm phải tăng tốc, bứt phá để kết thúc thắng lợi nhiệm kỳ Đại hội XIII.


Nông dân Tây Ninh chăm sóc rau màu (Ảnh minh hoạ).

Thủ tướng đề nghị các đại biểu bám sát chủ đề để phát biểu, chia sẻ, cùng cầu thị lắng nghe, chung tay, chung sức đồng lòng để phát triển đất nước. Cuộc đối thoại cần mang tính tương tác nhiều hơn, các đại biểu Hội Nông dân không chỉ đặt câu hỏi mà từ thực tiễn sản xuất của mình có những băn khoăn, trăn trở; phản ánh và đề xuất chính sách điều chỉnh như thế nào cho phù hợp.

Không chỉ hỏi, đặt vấn đề mà cần hiến kế cho Chính phủ, đề xuất những giải pháp xuất phát từ thực tiễn sản xuất để buổi đối thoại không một chiều, nội dung trao đổi thực sự chất lượng.

Tại hội nghị, nhiều câu hỏi của nông dân đã được đặt ra để đối thoại trực tiếp với Thủ tướng Chính phủ, như: cần hoàn thiện cơ chế, chính sách, nguồn lực hỗ trợ nông dân phát triển tổ hợp tác, HTX nông nghiệp; đổi mới hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh theo chuỗi giá trị và thúc đẩy hợp tác, liên kết chặt chẽ giữa các địa phương trong từng vùng và giữa các vùng, kết nối chuỗi giá trị toàn cầu; xây dựng quy hoạch các vùng nguyên liệu, sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn theo các tiêu chuẩn và yêu cầu của thị trường đối với nhóm sản phẩm chủ lực quốc gia; cơ chế, chính sách để hướng tới mục tiêu Netzero, triển khai Đề án phát triển 1 triệu ha lúa chất lượng cao, giảm phát thải; phát triển tín chỉ carbon…


Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan giải đáp ý kiến của nông dân tại hội nghị.

Từ các câu hỏi của nông dân, Thủ tướng chỉ định lãnh đạo các bộ, ngành liên quan trực tiếp trả lời.

Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị bà con nông dân tiếp tục góp ý để cùng nhau xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách; từ đó tháo gỡ nút thắt từ thực tiễn, để mọi người dân có thể đóng góp sức lực, nguồn lực cho sự phát triển, đưa mục tiêu phát triển nông nghiệp hiện đại, xây dựng nông thôn hiện đại, nông dân văn minh được thực hiện nhanh hơn, tăng tốc, bứt phá, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng ấm no và hạnh phúc hơn.

Minh Dương



Nguồn: https://baotayninh.vn/thu-tuong-chinh-phu-pham-minh-chinh-doi-thoai-voi-nong-dan-nam-2024-a183773.html

Cùng chủ đề

Phê duyệt Quy hoạch Thành phố Hồ Chí Minh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

(MPI) – Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1711/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch Thành phố Hồ Chí Minh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Ảnh minh họa. Xây dựng và phát triển Thành phố Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình, năng động sáng tạo Quy hoạch Thành phố Hồ Chí Minh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đưa ra quan điểm phát triển là xây dựng và phát triển Thành phố...

Cùng tác giả

Phê duyệt Quy hoạch Thành phố Hồ Chí Minh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

(MPI) – Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1711/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch Thành phố Hồ Chí Minh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Ảnh minh họa. Xây dựng và phát triển Thành phố Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình, năng động sáng tạo Quy hoạch Thành phố Hồ Chí Minh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đưa ra quan điểm phát triển là xây dựng và phát triển Thành phố...

Cùng chuyên mục

Tin nổi bật

Tin mới nhất