Theo đó, Sở Giao thông vận tải đề nghị UBND TP Thủ Đức cùng các quận, huyện như: quận 7, 12, Bình Thạnh, huyện Hóc Môn, Củ Chi, Nhà Bè, Bình Chánh và Cần Giờ chỉ đạo lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm đối với các trường hợp xây dựng công trình không phép, trái phép trong phạm vi hành lang bảo vệ trên bờ sông, kênh, rạch thuộc địa bàn quản lý.
Đồng thời, yêu cầu các địa phương nêu trên chỉ đạo các phường, xã, thị trấn, đơn vị trực thuộc tích cực vận động nhân dân, doanh nghiệp tháo dỡ hoặc buộc tháo dỡ (cưỡng chế) đối với công trình xây dựng lấn chiếm không phép, trái phép trong phạm vi hành lang bảo vệ trên bờ sông, kênh, rạch thuộc địa bàn quản lý.
Sở Giao thông vận tải cũng đề nghị Sở Xây dựng chỉ đạo lực lượng Thanh tra xây dựng địa bàn tăng cường kiểm tra và phối hợp UBND quận, huyện, TP Thủ Đức kiên quyết xử lý các trường hợp xây dựng lấn chiếm không phép, trái phép trong phạm vi hành lang bảo vệ trên bờ sông, kênh, rạch trên địa bàn.
Bên cạnh đó, Sở Giao thông vận tải giao Thanh tra Sở, Trung tâm Quản lý Đường thủy phối hợp với đơn vị chức năng của Sở Xây dựng, UBND quận, huyện và TP Thủ Đức thường xuyên kiểm tra, xử lý đối với trường hợp trên.
Theo thống kê của Trung tâm Quản lý Đường thủy về các trường hợp vi phạm hành lang bảo vệ trên bờ và lấn chiếm sông, kênh, rạch trên địa bàn TP Hồ Chí Minh có hàng trăm trường hợp lấn chiếm bị cơ quan chức năng phát hiện và xử phạt.
Cụ thể, tính đến nay, tổng số trường hợp công trình xây dựng, san lấp lấn chiếm và vi phạm hành lang bảo vệ bờ sông, kênh, rạch trên địa bàn TP Hồ Chí Minh là 108 trường hợp.
Trong đó, trên địa bàn quận 7 là 7 trường hợp, quận 12 là 12 trường hợp, quận Bình Thạnh là 4 trường hợp, TP Thủ Đức là 18 trường hợp, huyện Bình Chánh là 22 trường hợp, huyện Nhà Bè là 25 trường hợp, huyện Hóc Môn là 4 trường hợp, huyện Cần Giờ là 8 trường hợp và huyện Củ Chi là 8 trường hợp.
Liên quan đến vấn đề này, trong giai đoạn 2023 – 2024, TP Hồ Chí Minh cũng đã tiến hành cắm mốc hành lang bảo vệ 59 tuyến sông, kênh, rạch với tổng chiều dài hơn 553km.
Trong đó, sông Sài Gòn sẽ được cắm mốc trên chiều dài gần 72km, từ khu vực cầu Bình Phước (TP Thủ Đức) đến giáp ranh tỉnh Tây Ninh.
Bên cạnh đó, một số tuyến sông rạch khác cũng được cắm mốc như: Soài Rạp dài gần 60km; sông Lòng Tàu dài 32km và hơn 7km sông Đồng Nai; rạch Tôm, kênh Cây Khô, rạch Bà Lớn…
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, việc triển khai cắm mốc nhằm đảm bảo an toàn về bảo vệ sự ổn định của bờ sông, kênh rạch. Đồng thời, đảm bảo tính mạng, tài sản của người dân sống ven sông, kênh khi nhiều khu vực có nguy cơ sạt lở, nhất là vào mùa mưa.