Quay bột cát (ảnh: Phí Thành Phát)
Nghề làm chậu kiểng tại Tây Ninh đã có từ 20 năm trở lại đây. Chậu kiểng gồm hai phần chính là phần đế (có nơi gọi là chân, đôn) và thân chậu, có nhiều loại kích thước dao động từ 5 tấc đến 1 mét, thành phần chủ yếu là xi măng và cát biển.
Trung bình một chậu làm mất khoảng năm ngày, trải qua năm bước: đắp bột cát, đổ khuôn, quay miệng, quét lồng, sơn chậu. Công cụ chủ yếu để thực hiện là trục, dao quay (dao làm chậu, dao quay miệng và dao quay đế), liềm và bàn quay. Dao quay là loại dao có thể điều chỉnh lưỡi, kích thước tuỳ theo kích thước đế, chậu có công dụng vừa làm khuôn đắp bột cát, vừa làm khuôn đổ chậu.
Bắt đầu công đoạn đắp bột cát, nghệ nhân dùng dao làm chậu gắn lên trục, tiến hành đổ cát đã lọc bỏ sạn phía dưới, dùng tay thuận để quay dao, tay còn lại liên tục dùng cát đắp lên tạo thành bột cát. Bột cát phải thật dẽ, đắp thật chặt, bảo đảm cát đủ với khung thì chậu thành phẩm mới tròn và đẹp. Trung bình một ngày, nghệ nhân quay bột cát được khoảng 30 khung.
Nghệ nhân trẻ Nguyễn Thị Huỳnh Nhi cạo cát.
Sau khi đắp bột cát, nghệ nhân dùng hồ đã trộn sẵn đổ lên khung, dùng dao quay đã điều chỉnh độ rộng phù hợp với chậu kết hợp với bay để đắp hồ lên khung bột cát tạo thành khuôn chậu. Thường mỗi chậu cần phải đổ ít nhất 3 lần, mỗi lần cách nhau tầm khoảng 3-5 phút để lớp hồ đổ trước vừa khô lại, tạo thành khung chậu vừa đều vừa đẹp.
Lần cuối cùng, nghệ nhân cẩn thận thêm khung sắt khoảng 3 – 5 ly (mm) vào và sử dụng phần xi măng pha với nước (hồ dầu) theo tỷ lệ nhất định tráng vào lớp ngoài cùng để chậu được đẹp và liền lạc hơn. Đổ khung xong, nghệ nhân dùng dao nhỏ để tạo hình miệng chậu, dùng bay gom phần hồ còn lại để tái sử dụng.
Tầm khoảng một ngày sau khi đổ khung, nghệ nhân dỡ chậu để quay miệng. Kể từ công đoạn này, việc di chuyển những chậu kiểng có kích thước to cần có ít nhất 2 – 3 người. Trước khi quay miệng, nghệ nhân sử dụng bay cạo phần cát, dùng bàn chải, cọ để làm sạch phía trong chậu; dùng liềm cạo nhẵn phần miệng bên ngoài và trên chậu để chậu. Tiếp đến, nghệ nhân đặt chậu vào bàn quay, dùng dao quay miệng và hồ tiến hành quay miệng chậu giống như bước đúc khuôn chậu.
Bước cuối cùng, nghệ nhân kết hợp chu đậu (một dạng sơn bột), keo, xăng thơm pha theo tỷ lệ nhất định để sơn chậu. Sơn pha chậu thường có màu cam đỏ, khi sơn chậu lật úp, phải thật đều tay không để lại vân sơn. Sơn khô, nghệ nhân lật chậu lại và sơn tiếp phần miệng. Đế chậu làm tương tự phần thân chậu nhưng sử dụng bộ dao quay khác nhau.
Đổ khuôn chậu kiểng.
Cùng với quá trình công nghiệp hoá, ngày nay chậu kiểng còn phát triển đa dạng mẫu mã, kích thước như chậu lục giác, bát giác, chữ nhật… Người thợ dùng khuôn và lồng khuôn đúc sẵn bằng nhựa dùng dầu hoặc nhớt quét đều mặt trong khuôn sau đó cố định khuôn và lồng lại với nhau; dùng hồ đã trộn sẵn (có thể thêm một ít đá dăm để chậu cứng hơn) đổ vào khuôn đã cố định, dùng búa cao su gõ đều các mặt từ trong ra ngoài để đánh bay bọt khí.
Sau khoảng 3 – 5 giờ đồng hồ, người thợ tháo lòng trong, sử dụng bay để làm miệng chậu. Khi chậu đổ đủ 24 tiếng, người thợ dùng búa cao su gõ vào thành chậu, kết hợp tháo gỡ các khuôn ngoài chậu để thành chậu hoàn chỉnh; tiếp tục dùng sơn pha với xăng thơm và các chất liệu khác tạo thành hỗn hợp sơn lên chậu.
Đổ khuôn chậu kiểng.
Trước đây, chậu kiểng được vận chuyển bằng đường sông, rạch. Ngày nay, chậu kiểng được vận chuyển bằng đường bộ, đáp ứng nhu cầu mua bán giữa các tiểu thương. Dọc theo tuyến quốc lộ 22, từ Trảng Bàng qua Gò Dầu lên Hoà Thành về tới thành phố Tây Ninh, nhiều cơ sở buôn bán chậu có tiếng được giới chơi cây cảnh, bonsai săn đón như tại Trảng Bàng có xóm làm chậu kiểng gần cầu ấp Bình Tranh (phường Trảng Bàng), một số cơ sở làm chậu tại An Thới, An Bình (An Tịnh), Gia Bình, Gia Lộc.
Ngoài ra, nghề làm chậu kiểng còn phổ biến tại một số địa phương trong tỉnh như cơ sở làm chậu Vĩnh Phú (xã Phước Trạch, huyện Gò Dầu), Khả My, Năm Tứ, Kim Xuân (xã Trường Đông, thị xã Hoà Thành), Minh Hằng, Quang Vinh (xã Trường Tây, thị xã Hoà Thành). Tại Châu Thành còn có khu làm chậu kiểng ở Xóm Ruộng, cơ sở Út Công (xã Thái Bình) và nhiều cơ sở khác trên địa bàn tỉnh.
Làm chậu kiểng.
Nghề làm chậu kiểng tại Tây Ninh là một nghề mới so với các nghề thủ công truyền thống. Dù mới nhưng nhiều gia đình vẫn xem đây là nghề chính để nuôi sống gia đình. Qua nhiều năm làm nghề, người thợ còn thổi hồn và nâng tầm chậu kiểng làm cho nghề này tăng thêm tính nghệ thuật và sáng tạo. Nhiều địa phương đang cố gắng nhân rộng mô hình, đáp ứng nhu cầu mua bán trong và ngoài tỉnh- nhất là vào dịp tết.
Sơn chậu kiểng (ảnh: Phí Thành Phát)
Minh Trí
Nguồn: https://baotayninh.vn/ron-rang-nghe-lam-chau-kieng-giap-tet-a182956.html