Kế hoạch thực hiện Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo Quyết định số 1325/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, ngoài việc đề cao tính chủ động của các địa phương, tạo nhiều cơ hội để địa phương phát triển thì vấn đề phát triển bền vững từ hạ tầng cơ sở là yếu tố mà các địa phương cần quan tâm triển khai…
Phát triển hiện đại, ứng dụng công nghệ cao
Kế hoạch yêu cầu các tỉnh, thành đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp theo hướng phát triển kinh tế nông nghiệp hiệu quả cao, sinh thái, bền vững trên cơ sở áp dụng quy trình sản xuất an toàn. Xây dựng mới một số khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh trong vùng Đông Nam Bộ nhằm hình thành động lực phát triển các ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, thu hút các nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước đầu tư sản xuất các sản phẩm công nghệ cao phụ vụ cho nông nghiệp.
Chú trọng sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường; sản xuất theo chuỗi từ khâu nuôi trồng đến chế biến tiêu thụ sản phẩm; xây dựng mã số vùng nuôi trồng sản phẩm gắn với truy xuất nguồn gốc; gắn với phát triển công nghiệp, du lịch, bảo tồn đa dạng sinh học.
Bảo vệ nghiêm ngặt các diện tích rừng tự nhiên hiện có; phát triển rừng phòng hộ đầu nguồn, ven biển, rừng đặc dụng; tăng cường bảo vệ và bảo tồn đa dạng sinh học trong các khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn, rừng đặc dụng, vườn quốc gia Cần Giờ, Bù Gia Mập, Côn Đảo, Cát Tiên, Lò Gò – Xa Mát.
Đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ và hiện đại, ưu tiên phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội, trọng tâm là các dự án giao thông kết nối, các dự án hạ tầng xã hội, hạ tầng khu công nghệ cao, khu công nghiệp.
Tập trung hoàn thiện mạng lưới giao thông vận tải theo quy hoạch, trong đó tập trung phát triển mạng lưới đường bộ cao tốc, đường vành đai Thành phố Hồ Chí Minh; đầu tư, nâng cấp các cảng hàng không, đặc biệt là cảng hàng không đầu mối của khu vực.
Ngoài ra, các địa phương cần tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa, chú trọng kết nối các trung tâm đầu mối với hành lang vận tải thủy chính của vùng; nâng cao năng lực của hệ thống cảng biển; quan tâm phát triển giao thông đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam, các tuyến đường sắt đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Kết nối đồng bộ hệ thống giao thông với các khu kinh tế, khu công nghiệp, cảng hàng không, cảng biển; kết nối đồng bộ hệ thống giao thông với các Khu du lịch, đặc biệt các địa điểm có tiềm năng phát triển thành Khu du lịch quốc gia.
Đáng chú ý, kế hoạch yêu cầu nghiên cứu đầu tư tuyến đường sắt Mộc Bài (Tây Ninh) – Bàu Bàng (Bình Dương) và các đoạn tuyến kết nối với hệ thống đường sắt quốc gia hướng ra cảng biển cửa ngõ quốc tế.
Các tỉnh, thành cần nâng cao chất lượng đô thị, bảo đảm hiện đại, thông minh và kết nối với các đô thị lớn trong khu vực và trên thế giới; thực hiện đồng bộ các chính sách giải nén, giảm tải cho các đô thị lớn, thúc đẩy phát triển các đô thị vệ tinh.
Nghiên cứu chuyển đổi chức năng các khu công nghiệp, khu chế xuất khi hết thời hạn sử dụng đất, không phù hợp với quy hoạch. Tập trung xây dựng nhà ở để bảo đảm điều kiện sống cho người lao động có thu nhập thấp và lao động trong các khu công nghiệp, khu chế xuất.
Hình thành vành đai công nghiệp, đô thị, dịch vụ, logistics dọc hành lang vành đai 3, vành đai 4 và các tuyến cao tốc của vùng. Phát triển chuỗi công nghiệp – đô thị Mộc Bài – Thành phố Hồ Chí Minh – cảng Cái Mép – Thị Vải gắn với hành lang kinh tế Xuyên Á.
Hạn chế phát triển thêm các khu công nghiệp tại các khu vực đô thị trung tâm của vùng. Phát triển các tổ hợp quy mô lớn về công nghiệp – dịch vụ – đô thị tại thành phố mới Phú Mỹ, thành phố sân bay cửa ngõ quốc tế Long Thành và khu liên hợp công nghiệp – đô thị – dịch vụ tỉnh Bình Dương.
Hình thành các vùng đô thị trong đó, tiểu vùng trung tâm gồm các đô thị: Thành phố Hồ Chí Minh; Biên Hòa, Nhơn Trạch (Đồng Nai); đô thị Bình Dương trên cơ sở cụm các đô thị gồm các thành phố Thủ Dầu Một, Thuận An, Dĩ An, Tân Uyên, Bến Cát và đô thị Bàu Bàng.
Tiểu vùng ven biển gồm các đô thị: Vũng Tàu, Bà Rịa, Phú Mỹ (Bà Rịa – Vũng Tàu); Cần Giờ (Thành phố Hồ Chí Minh). Tiểu vùng phía Bắc gồm các đô thị: Đồng Xoài, Chơn Thành (Bình Phước); Trảng Bàng (Tây Ninh).
Tăng cường quản lý tài nguyên và ứng phó với biến đổi khí hậu
Các tỉnh, thành vùng Đông Nam Bộ chú trọng tăng cường quản lý, khai thác và sử dụng hợp lý, hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên; đẩy mạnh phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học gắn với các giải pháp chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng.
Nâng cấp hệ thống thủy lợi Dầu Tiếng – Phước Hòa để bảo đảm an ninh nguồn nước, nâng cao năng lực cấp nước và phòng, chống lũ cho Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước.
Bảo đảm vận hành an toàn các hồ chứa thủy lợi, thủy điện; bổ sung, nâng cấp hệ thống chống ngập úng do mưa lớn, triều cường ở Thành phố Hồ Chí Minh, cũng như nghiên cứu, xây dựng các bể ngầm chứa nước mưa để điều tiết và hạn chế ngập ở các khu vực trung tâm; xây dựng, nâng cấp các công trình phòng chống hạn hán và xâm nhập mặn.
Một yếu tố khá quan trọng là đối với các dự án quan trọng cần ưu tiên thực hiện việc đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án kết cấu hạ tầng kỹ thuật có tính kết nối liên vùng, liên tỉnh, gồm: hệ thống giao thông kết nối; phát triển nguồn điện, lưới điện; hạ tầng thủy lợi, cấp, thoát nước, phòng chống thiên tai; hạ tầng kỹ thuật đô thị tại các khu vực động lực đã được xác định trong quy hoạch vùng.
Các địa phương có giải pháp hiệu quả thu hút triển khai các dự án quan trọng nhằm khắc phục những hạn chế, yếu kém, những điểm nghẽn trong phát triển của vùng giai đoạn vừa qua, tập trung vào các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội, trọng tâm là các dự án hạ tầng xã hội, hạ tầng các khu công nghệ cao, khu công nghiệp.
Trong đó, ưu tiên các dự án gắn với phát triển các hành lang kinh tế, vành đai công nghiệp – đô thị – dịch vụ, vùng động lực trên địa bàn vùng; các dự án gắn với giải quyết các nhiệm vụ trọng tâm đã đề ra trong quy hoạch.
Các dự án mang lại lợi ích tích cực về kinh tế – xã hội, có tính lan tỏa sâu rộng, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chuyển đổi cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng của vùng. Mặt khác, quan tâm đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ kết nối các khu vực có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn với những khu vực có vai trò động lực của vùng.
Tấn Hưng
Nguồn: https://baotayninh.vn/bai-cuoi-phat-trien-ben-vung-tu-ha-tang-co-so-a184707.html