Trải bao thăng trầm của lịch sử, với sức người cần lao gìn giữ, xây dựng, những lớp cha ông đi trước mở đường, khai hoang lập nghiệp đã để lại cho con cháu hôm nay những ruộng lúa, vườn cây, làng quê trù phú, di tích văn hoá – lịch sử… và cả những làng nghề truyền thống với nhiều nét đặc trưng của vùng đồng bằng châu thổ Nam Bộ.
Bên cạnh sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, từ lâu ở vùng đông nam bộ đã hình thành nhiều làng nghề. Làng nghề làm nước mắm, làng nghề làm bánh tráng, bánh hỏi, làng nghề nuôi tơ tằm, dệt thổ cẩm, làng nghề làm gốm Chăm, làng nghề làm muối, chế biến hải sản, nghề đóng tàu và làm lưới cụ phục vụ cho ngư dân đi biển… là những làng nghề truyền thống tạo công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho người dân.
Vietnam.vn xin giới thiệu đến quý vị những làng nghề truyền thống vùng Nam bộ thông qua bộ ảnh ” Những làng nghề truyền thống của người dân vùng Nam bộ” của tác giả Lê Minh Quát. Bộ ảnh được tác giả gửi tham dự Cuộc thi Ảnh và Video Việt Nam hạnh phúc – Happy Vietnam, do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức.
Nghề làm tơ tằm ở Bảo Lộc.
Sau nhiều năm thăng trầm, nghề trồng dâu nuôi tằm ở Bảo Lộc dần lấy lại được nhịp phát triển. Sản phẩm tơ tằm Bảo Lộc đang vươn mạnh thị trường trong và ngoài nước. Hiện nay, cùng với việc đẩy mạnh sản xuất dâu tằm tơ, TP Bảo Lộc cũng phát triển mạnh các cửa hàng giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm tơ lụa. Đối với thị trường quốc tế, sản phẩm tơ lụa của Bảo Lộc hiện đã được xuất khẩu qua các quốc gia như Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc, Pháp, Thái Lan, Lào, Campuchia, Bangladesh, Afghanistan, Ý. Để ngành lụa tơ tằm phát triển bền vững, thời gian qua, chính quyền địa phương đã thực hiện các chương trình về hỗ trợ khuyến nông lẫn khuyến công. Trong đó, ngành nông nghiệp đã hỗ trợ kinh phí cho nông dân mua giống dâu phát triển mô hình.
Nghề làm nước mắm truyền thống tại Phan Thiết.
Nước mắm có lịch sử lâu đời, tồn tại lâu dài với người Việt và là một phần không thể thiếu trong đời sống và văn hóa của người Việt Nam. Nước mắm có nền tảng từ thủy sản, qua quá trình ủ chượp, hỗn hợp cá – muối lên men, tạo ra một loại dung dịch mặn, giàu đạm và bổ dưỡng. Dung dịch này được gọi là nước mắm. Muối và nước mắm, những sản phẩm của biển được ngư dân Việt biến thành đặc sản để phục vụ cho nhu cầu ẩm thực của mình. Trong đó, lâu đời và nổi tiếng nhất phải kể tới nước mắm Phan Thiết – Bình Thuận. Hiện nay, tại Phan Thiết bạn có thể ghé đến các làng nghề Thanh Hải, Phú Hài, Đức Thắng và Hàm Tiến – Mũi Né để tham quan. Nước mắm Phan Thiết rất dễ nhận biết bởi màu vàng rơm, trong vắt, sánh, mùi thơm đặc trưng không thể lẫn với các loại nước mắm khác.
Nghề làm Gốm thủ công tại Ninh Thuận.
Làng gốm Bàu Trúc là cũng là một trong những làng gốm cổ nhất Đông Nam Á còn tồn tại cho đến tận bây giờ. Làng nghề nổi tiếng với những sản phẩm thủ công đất nung mang đậm bản sắc văn hóa Chăm. Đây là một trong những địa điểm ở Ninh Thuận trong những năm gần đây luôn là điểm đến hấp dẫn đông khách du lịch. Khi những nơi này đã áp dụng rất nhiều các công nghệ vào sản xuất, dùng bàn xoay để nặn sản phẩm, đã sử dụng men để trang trí hay dùng công nghệ nung trong lò sử dụng điện, ga… Thì người thợ gốm làng Bàu Trúc vẫn duy trì cách làm gốm mà cha ông gần ngàn năm nay đã làm. những sản phẩm được tạo ra bằng kỹ thuật độc đáo, mà người ta hay gọi bằng cái tên rất dân dã “làm bằng tay, xoay bằng mông”. Người thợ gốm đi giật lùi, tay “bắt” từng lọn đất. tay trong thì ép, tay ngoài xoa biến những khối đất vô tri, vô giác thành sản phẩm gốm độc đáo, độc bản và mang đậm nét văn hóa Chăm. Cách nung vẫn làm lộ thiên bằng củi, rơm, trấu…
Nghề làm bánh hỏi tại Phú Long, Bình Thuận.
Cùng đến với tỉnh Bình Thuận, để tìm hiểu nghề truyền thống làm bánh hỏi Phú Long. Theo đánh giá của Trung tâm thông tin xúc tiến du lịch Bình Thuận sau chuyến khảo sát các làng nghề truyền thống mới đây, nghề làm bánh hỏi tại thị trấn Phú Long, huyện Hàm Thuận Bắc có rất nhiều nét đặc trưng thú vị, tạo cảm giác thích thú cho du khách tham gia trải nghiệm.
Nghề làm bánh tráng truyền thống tại Tây Ninh.
Tây Ninh không chỉ nổi tiếng với những danh lam thắng cảnh đẹp, mà còn thu hút du khách với những làng nghề truyền thống, trong đó phải kể tới làng nghề bánh tráng Trảng Bàng. Làng nghề chuyên làm bánh tráng từ nhiều đời nay và trở thành nét đẹp về văn hóa ở Tây Ninh. Làng nghề làm bánh tráng ở Trảng Bàng hoạt động cả năm, tuy nhiên nhộn nhịp nhất là thời gian giáp Tết. Lúc này khi tham quan làng nghề du khách sẽ được chứng kiến những ánh lửa đỏ suốt ngày đêm để kịp làm bánh cung cấp cho thị trường.
Nghề làm lưới đánh cá tại Phan Thiết, Bình Thuận.
Nghề làm muối tại Tiên Thanh, Bình Thuận.
Nghề làm đóng tàu tại Bình Thuận.
Năm 2024, Cuộc thi ảnh và Video “Việt Nam hạnh phúc – Happy Vietnam” tiếp tục được Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Hội Nghệ sỹ Nhiếp ảnh Việt Nam tổ chức trên trang web https://happy.vietnam.vn dành cho tất cả công dân Việt Nam và người nước ngoài từ 15 tuổi trở lên. Cuộc thi nhằm tôn vinh những cá nhân và tập thể có những sản phẩm thông tin tích cực, đóng góp thiết thực vào việc tuyên truyền, quảng bá hình ảnh đẹp về Việt Nam ra thế giới. Qua đó giúp người dân trong nước, đồng bào ở nước ngoài và bạn bè quốc tế tiếp cận những hình ảnh chân thực về đất nước, con người Việt Nam, thành tựu của Việt Nam trong bảo đảm quyền con người, hướng tới một Việt Nam hạnh phúc.
Mỗi hạng mục dự thi (ảnh và video) có các giải thưởng và giá trị giải thưởng như sau:
– 01 Huy chương Vàng: 70.000.000đ
– 02 Huy chương Bạc: 20.000.000đ
– 03 Huy chương Đồng: 10.000.000đ
– 10 giải Khuyến khích: 5.000.000đ
– 01 tác phẩm được bình chọn nhiều nhất: 5.000.000đ
Các tác giả đạt giải sẽ được Ban Tổ chức mời tham dự Lễ công bố và trao giải thưởng và giấy chứng nhận trên sóng truyền hình trực tiếp của Đài Truyền hình Việt Nam.