Thương mại điện tử (TMĐT) phát triển nhanh, mạnh đã đóng góp rất tích cực cho việc phát triển mô hình thương mại khá hiện đại trong những năm qua; là kênh để các doanh nghiệp vừa, nhỏ, siêu nhỏ có thể tham gia kinh doanh, mở rộng thị trường, nâng cao thu nhập cũng như tăng sức cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước. Tuy nhiên, TMĐT với tính linh hoạt cũng đặt ra những thách thức mới, đòi hỏi cần có giải pháp quản lý thuế và thúc đẩy sự phát triển bền vững.
Hỗ trợ cá nhân kinh doanh TMĐT kê khai, nộp thuế
Hiện nay, Cục Thuế Tây Ninh khai thác kho cơ sở dữ liệu từ các nguồn dữ liệu Data warehouse (https://csdlnnt.gdt.gov.vn) và (https://khocsdl.gdt.gov.vn/analytics) thông tin do sàn TMĐT cung cấp, thông tin thu thập được qua công tác thanh tra kiểm tra, từ nguồn internet phục vụ công tác quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT. Ngoài ra, ngành Thuế mời các cá nhân kinh doanh TMĐT có doanh thu trên 100 triệu đồng đến cơ quan Thuế xác minh doanh thu, xử lý khi phát hiện vi phạm.
Đồng thời, tuyên truyền cho các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động kinh doanh TMĐT, livestream bán hàng, kinh doanh trên nền tảng số, thông qua thực hiện đồng bộ các hình thức tuyên truyền như: tổ chức hội nghị tập huấn chính sách thuế; tổ chức đối thoại trực tiếp với người nộp thuế; gửi thư ngỏ của cơ quan Thuế đến các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động TMĐT; công bố số điện thoại, e-mail của cơ quan Thuế trên cổng thông tin điện tử để tiếp nhận vướng mắc, hỗ trợ người nộp thuế thực hiện nghĩa vụ thuế theo quy định, qua đó nâng cao hiểu biết, nhận thức và tính tự giác trong việc chấp hành pháp luật thuế của người nộp thuế…
Cục Thuế Tây Ninh cho biết, tính đến 31.10.2024, trên địa bàn tỉnh có phát sinh 72 trường hợp hộ, cá nhân kinh doanh có doanh thu phát sinh đến mức phải nộp thuế. Hiện nay, cơ quan Thuế đã rà soát và đưa vào quản lý đối với 72 cá nhân, hộ kinh doanh có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử có doanh thu trên 100 triệu đồng/năm; thực hiện truy thu thuế khoảng 1,2 tỷ đồng và xử lý vi phạm hành chính, chậm nộp và các xử lý khác 42 triệu đồng.
Nhằm tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác quản lý thu thuế đối với các hoạt động TMĐT, kinh doanh trên nền tảng số, cơ quan Thuế chủ trì, phối hợp các cơ quan chức năng trên địa bàn đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các quy định, chính sách mới tới các hộ, cá nhân kinh doanh bằng các hình thức phù hợp, hiệu quả, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tuyên truyền bảo đảm người nộp thuế hiểu, đồng thuận và thực hiện tốt chính sách mới.
Giới thiệu cổng thông tin điện tử dành cho hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh đăng ký thuế, kê khai, nộp thuế đối với hoạt động kinh doanh TMĐT, kinh doanh trên nền tảng số.
Bên cạnh đó, hỗ trợ tối đa, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để các hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh TMĐT có thể dễ dàng thực hiện đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế một cách đơn giản, dễ dàng và thuận tiện nhất, có thể tiếp cận đầy đủ thông tin về chính sách pháp luật thuế, nghĩa vụ thuế phải thực hiện của mình thông qua việc bổ sung các hướng dẫn nghiệp vụ, tương tác, tiện ích giúp cá nhân dễ dàng thao tác, sử dụng.
Hiện nay, công tác phối hợp giữa các sở, ngành có liên quan để thực hiện công tác quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT được thực hiện chủ động, chặt chẽ, xuyên suốt và toàn diện.
Cơ quan Thuế và các sở, ban, ngành liên quan như: Ngân hàng, Công Thương, Công an, Thông tin và Truyền thông, Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông Vận tải… phối hợp cung cấp thông tin, chia sẻ dữ liệu liên quan đến các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động kinh doanh TMĐT, livestream bán hàng về đối tượng, thông tin giao dịch, thông tin thanh toán, thông tin vận chuyển… để triển khai kịp thời, hiệu quả các biện pháp quản lý thuế phù hợp đối với hoạt động của từng người nộp thuế.
Hỗ trợ doanh nghiệp thành công trên TMĐT
Với xu hướng phát triển mạnh mẽ của TMĐT và công nghệ số, đối với các doanh nghiệp sản xuất địa phương, thương mại điện tử mở ra cơ hội tiếp cận với lượng lớn khách hàng tiềm năng trên cả nước, không còn phụ thuộc vào kênh bán hàng truyền thống hoặc địa lý.
Tuy nhiên, Cục Thuế Tây Ninh cho biết, nếu một doanh nghiệp kinh doanh toàn cầu và bán hàng trực tuyến cho khách hàng ở khắp mọi nơi trên thế giới thì họ phải tuân thủ các quy định không chỉ quốc gia họ mà còn ở đất nước mà khách hàng của họ đang sinh sống. Vì thế, nếu hàng hoá không tuân thủ các quy định thì nó sẽ không được vận chuyển thành công.
Bên cạnh đó, mâu thuẫn cạnh tranh về giá của các cửa hàng trên sàn, với hình thức mua sắm trực tuyến, người tiêu dùng có sự linh hoạt hơn và đặc biệt là trong việc lựa chọn sản phẩm theo giá cả. Điều này có vẻ thuận lợi cho khách hàng nhưng đối với các nhà kinh doanh, doanh nghiệp online lại là một khó khăn. Khách hàng có sự so sánh về giá và như vậy buộc nhiều doanh nghiệp phải có sự cạnh tranh về giá và doanh thu, lợi nhuận của họ.
Hiện nay, bức xúc của doanh nghiệp bán hàng online, đó là việc các sàn TMĐT cứ thích thì tăng phí, không dựa theo một cơ sở nào. Ngoài ra, hầu hết các HTX, hộ nông dân và doanh nghiệp nhỏ, vừa chưa được đào tạo bài bản về công nghệ thông tin, và họ lại không có đủ nguồn lực để thuê kỹ sư tư vấn kỹ thuật, tư vấn về marketing số hoặc hỗ trợ đưa sản phẩm lên sàn TMĐT một cách hiệu quả.
Các doanh nghiệp nhỏ thường gặp khó khăn về vốn. Việc đầu tư cho sản xuất hàng hoá, thiết kế mẫu mã, bao bì, chuyển đổi số và TMĐT vẫn là thách thức lớn với các doanh nghiệp, khi xét đến khía cạnh nguồn vốn đầu tư.
Bên cạnh đó, khó khăn về khâu vận chuyển, logistics cũng là một thách thức khi các doanh nghiệp địa phương muốn làm TMĐT. Ngoài ra, một hộ nông dân có thể đưa hàng hóa lên sàn TMĐT, nhưng việc vận chuyển sản phẩm đến tay khách hàng lại là “một bài toán khó”.
Thời gian qua, Chính phủ đã thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số qua nhiều chính sách khác nhau. Điều đó đã mang lại những thay đổi tích cực trên nhiều mặt, từ công tác quản lý Nhà nước đến cách thức vận hành doanh nghiệp và cả thói quen tiêu dùng của người dân.
Để giúp đỡ các doanh nghiệp nhỏ làm TMĐT thành công, cần có sự hỗ trợ mạnh mẽ và đồng bộ từ các cấp, các ngành. Cục Thuế Tây Ninh đề xuất Bộ Công Thương và Cục TMĐT và Kinh tế số đồng hành cùng các địa phương, tăng cường công tác tuyên truyền, tập huấn và hỗ trợ kỹ năng số, giúp các doanh nghiệp có được “cái cần câu” để doanh nghiệp có thể tự mình đưa sản phẩm lên các sàn TMĐT.
Nhi Trần
Nguồn: https://baotayninh.vn/nang-cao-cong-tac-quan-ly-thue-tren-nen-tang-so-a183149.html