Powered by Techcity

Miệt mài cấp nước thuỷ nông


Miệt mài cấp nước thuỷ nông

Bước vào vụ Đông Xuân, không chỉ bà con nông dân tất bật với công việc đồng áng, những người làm trong ngành thuỷ lợi cũng bận rộn với nhiệm vụ của mình.

Ông Nguyễn Cảnh Long- Phó giám đốc Xí nghiệp thuỷ lợi Dương Minh Châu cho biết, sau khi kết thúc vụ Hè Thu, để chuẩn bị tốt cho vụ mùa Đông Xuân tiếp theo, Xí nghiệp đã triển khai kế hoạch kiểm tra, rà soát các tuyến kênh tưới, tiêu trên địa bàn quản lý để sớm khắc phục những vị trí xuống cấp. Đối với những hạng mục công trình bị hư hỏng nhiều, nguồn kinh phí sửa chữa lớn, đơn vị kiến nghị lên Công ty TNHH MTV Khai thác thuỷ lợi Tây Ninh để đầu tư sửa chữa.

Khi chính thức bước vào vụ Đông Xuân, công việc của công nhân thuỷ lợi có phần vất vả hơn. Người đi thống kê diện tích đất nông nghiệp của người dân có nhu cầu tưới, tiêu để lập và triển khai kế hoạch sử dụng nước phù hợp, tránh lãng phí hoặc gây ngập úng cây trồng; người đi phát cỏ, vớt rong, vớt rác, nạo vét khơi thông dòng kênh tại những vị trí bị tắc nghẽn; người thì túc trực bất kể ngày đêm để canh đóng, mở nước…


Ông Võ Văn Tài vớt rác và lục bình tại một cống ngang kênh N2A-7.

Ông Võ Văn Tài, Tổ trưởng Tổ đường nước kênh N2A-7 (ấp Thuận Phước, xã Truông Mít, huyện Dương Minh Châu) cho hay, trong 1 tháng, ông phải đi vớt rác tại các cống ngang kênh từ 3-4 lần. Rác trong và trên bờ kênh là nỗi “ám ảnh” của anh em công nhân thuỷ lợi. Có rất nhiều loại rác khó phân huỷ bị vứt trôi nổi trong lòng kênh, gây cản trở dòng chảy, ô nhiêm môi trường như túi nylon, hộp xốp, ly nhựa, vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật, xác chết động vật…


Có nhiều bảng tuyên truyền được đặt tại các công trình thuỷ lợi nhưng tình trạng vứt rác bừa bãi vẫn diễn ra.


Có nhiều loại rác khó phân huỷ bị vứt bừa bãi xuống lòng kênh.

“Tôi ớn nhất là phải thường xuyên vớt xác chết động vật chứa trong các túi nhựa và bao tải, mỗi lần vớt xong về nhà ăn cơm không nổi. Mặc dù Xí nghiệp và chính quyền địa phương có phối hợp tuyên truyền, khuyến cáo, lắp đặt các bảng cấm đổ rác trong phạm vi công trình thuỷ lợi, thế nhưng tình trạng vứt rác bừa bãi vẫn diễn ra. Tôi rất mong người dân nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, không vứt rác bừa bãi xuống kênh để công nhân thuỷ lợi đỡ vất vả và tập trung vào việc phục vụ nước tưới, tiêu cho bà con”- ông Võ Văn Tài bộc bạch.


Anh Trần Tấn Tài (phía trước) và đồng nghiệp vớt rác tại một cống ngang kênh trên địa bàn ấp Thuận Phước.

Anh Trần Tấn Tài, công nhân quản lý tuyến kênh N2A-7 cho biết, vấn đề khó khăn khác mà công nhân thuỷ lợi phải thường xuyên giải quyết là tình trạng xảy ra mâu thuẫn, tranh chấp trong quá trình người dân lấy nước kênh để tưới cây trồng. Do trong cùng khu vực đất, bà con trồng nhiều loại cây khác nhau nên nhu cầu lấy nước tưới cũng khác nhau. Có loại cây cần lấy nước liên tục (lúa, nuôi trồng thuỷ sản), trong khi một số loại cây khác sau một lần lấy nước phải ngưng nhiều ngày (nhãn, sầu riêng).


Một cống ngang kênh N2A-7 đã thông thoáng sau khi được Tổ thuỷ lợi trục vớt rác.

Theo anh Trần Tấn Tài, mâu thuẫn trong việc lấy nước kênh lắm khi rất căng thẳng, vì việc này có liên quan đến lợi ích kinh tế của các bên. Thế nên, đòi hỏi công nhân phụ trách tuyến kênh phải hết sức khéo léo trong khâu vận động, hoà giải.

Trường hợp nếu mâu thuẫn không hoà giải được, công nhân phải báo về Xí nghiệp nhằm có hướng phối hợp chính quyền địa phương giải quyết. Do vậy, để hạn chế việc phát sinh tranh chấp đến mức thấp nhất, công nhân thuỷ lợi phải thật sự sâu sát với nhiệm vụ từng ngày, từng giờ, kể cả ban đêm để canh đóng, mở nước và làm việc với người dân nhằm sắp xếp lịch tưới phù hợp với từng loại cây trồng.


Ông Võ Văn Tài (bên phải) và anh Trần Tấn Tài đang đánh giá lượng nước trong kênh để bảo đảm phục vụ tưới cho bà con.


Ông Võ Văn Tài (bên phải) và anh Trần Tấn Tài quay cống điều tiết nước.

Có tận mắt chứng kiến công nhân Xí nghiệp Thuỷ lợi Dương Minh Châu tất bật với công việc trong những ngày giáp tết, mới hiểu được nhiều hơn nỗi nhọc nhằn của những người canh giữ nguồn nước tưới, tiêu nông nghiệp, bảo đảm vận hành an toàn công trình thuỷ lợi. Đó là những người góp phần mang lại nguồn sống cho cây trồng của bà con nông dân, góp phần phát triển kinh tế nông nghiệp địa phương.


Công nhân thuỷ lợi đã góp phần bảo đảm vận hành hiệu quả các dòng kênh để phục vụ tưới, tiêu cho nhiều diện tích đất nông nghiệp.

Công nhân của các Xí nghiệp thuỷ lợi khác trên địa bàn tỉnh cũng vậy, cũng ngày ngày miệt mài rong ruổi theo những tuyến kênh để bảo đảm vận hành nguồn nước tưới, tiêu rộng khắp các cánh đồng. Vậy nên hãy cùng chia sẻ với những khó khăn, vất vả của công nhân đang làm việc trong ngành thuỷ lợi bằng những việc làm cụ thể, đặc biệt là không vứt rác bừa bãi xuống kênh, bảo vệ môi trường, qua đó phát huy tốt vai trò của kênh thuỷ lợi trong việc dẫn nguồn nước tưới, tiêu phục vụ nông nghiệp.

Quốc Sơn



Nguồn: https://baotayninh.vn/miet-mai-cap-nuoc-thuy-nong-a183709.html

Cùng chủ đề

Phê duyệt Quy hoạch Thành phố Hồ Chí Minh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

(MPI) – Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1711/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch Thành phố Hồ Chí Minh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Ảnh minh họa. Xây dựng và phát triển Thành phố Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình, năng động sáng tạo Quy hoạch Thành phố Hồ Chí Minh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đưa ra quan điểm phát triển là xây dựng và phát triển Thành phố...

Cùng tác giả

Phê duyệt Quy hoạch Thành phố Hồ Chí Minh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

(MPI) – Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1711/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch Thành phố Hồ Chí Minh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Ảnh minh họa. Xây dựng và phát triển Thành phố Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình, năng động sáng tạo Quy hoạch Thành phố Hồ Chí Minh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đưa ra quan điểm phát triển là xây dựng và phát triển Thành phố...

Cùng chuyên mục

Tin nổi bật

Tin mới nhất