HomeLịch sửLịch sử Tây Ninh

Lịch sử Tây Ninh

Kể từ khi địa danh Tây Ninh chính thức trở thành đơn vị hành chính cấp phủ vào năm 1836, đến nay Tây Ninh vừa tròn 180 tuổi.

ben xe ngua TN_2.jpg

Bến xe ngựa Tây Ninh chụp năm 1900

Khai khẩn vùng đất hoang

Theo các sử liệu vừa được Ban Tuyên giáo tỉnh ủy Tây Ninh công bố trong sách Tây Ninh 180 năm hình thành và phát triển (1836 – 2016) thì vùng đất Tây Ninh vốn được người Việt đến khai khẩn từ 300 năm trước.

Trước thế kỷ 16, Tây Ninh vẫn còn là một vùng hoang sơ. Đến thế kỷ 17, những lớp lưu dân người Việt từ vùng Ngũ Quảng – Đàng Trong vào vùng Đồng Nai – Gia Định khai khẩn ruộng vườn, lập làng dựng ấp. Những lớp cư dân người Việt đã tụ cư tại Xóm Ràng (thuộc H.Củ Chi, TP.HCM ngày nay), sau đó tỏa dần lên, dừng chân ở các vùng đất ven sông Vàm Cỏ. Họ sống rải rác ở Lò Mo, Trà Vơn, Tha La, Trường Đà (các địa danh thuộc tổng Hàm Ninh cũ, nay là H.Trảng Bàng) rồi dần phát triển thành những xóm rộng lớn hơn như: xóm Vàm Cỏ, xóm Rừng, xóm Gàu, xóm Tôn, xóm Giồng Nổi. Qua quá trình khai phá đất đai, phát triển sản xuất của những nhóm lưu dân người Việt ấy, năm 1809, làng Bình Tịnh (nay là xã An Tịnh, H.Trảng Bàng) được thành lập.

Một lực lượng người Việt quan trọng khác trong buổi đầu khai phá vùng đất Tây Ninh là 720 lính biên cảnh, 5 đội thuyền với 15 chiếc do chúa Nguyễn bố trí dọc theo sông Vàm Cỏ vào giữa thế kỷ 18. Theo gót lực lượng lính biên cảnh này, những cụm dân cư dần mọc lên dọc theo sông Vàm Cỏ, ven sông Khe Lăng (rạch Tây Ninh) và bến Tầm Long (H.Châu Thành ngày nay)… Bắt đầu từ những điểm tụ cư ven sông rạch, cư dân người Việt đã mở rộng khai khẩn những vùng đất thấp, tạo nên vùng đất trù phú, ruộng vườn phì nhiêu. Theo đó, cư dân người Việt đến Tây Ninh ngày một đông hơn, hình thành các ấp. Đến những năm đầu thế kỷ XIX, có nhiều đợt nhập cư và hàng loạt cuộc khai thác quy mô lớn trên nhiều địa bàn thuộc vùng đất Tây Ninh.

Công cuộc khai khẩn vùng đất Tây Ninh chỉ thực sự diễn ra mạnh mẽ từ cuối thế kỷ 18, đầu thế kỷ 19. Đặc biệt là khi vùng Đồng Nai – Gia Định mạnh lên, Tây Ninh lại trở thành một vị trí cực kỳ quan trọng. Triều đình nhà Nguyễn đã cho thi hành những chính sách tích cực nhằm khai khẩn và bảo vệ vùng đất này. Theo đó, nào năm 1749 (Kỷ Tỵ), ba anh em họ Huỳnh: Huỳnh Công Giản, Huỳnh Công Nghệ và Huỳnh Công Thắng ở vùng Nhật Tảo – Đàng Ngoài đến vùng đất Tây Ninh. Ba ông cùng với đội binh mã của mình thực hiện cuộc Nam tiến, di dân khai hoang lập ấp và giữ gìn an ninh vùng đất biên cương.

Lập phủ Tây Ninh

Tháng 2.1698, Chúa Nguyễn Phúc Chu sai Thống suất Chưởng cơ Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh vào kinh lược xứ Đàng Trong, chính thức xác lập đơn vị hành chính của VN tại vùng đất mới. Năm 1832, vua Minh Mạng chia toàn Nam kỳ làm sáu tỉnh, với tổng cộng 18 phủ, 43 huyện, vùng đất Tây Ninh thuộc trấn Phiên An . Đến năm Minh Mạng thứ 17 (1836) vua Minh Mạng cho đổi tên tỉnh Phiên An thành tỉnh Gia Định lập thêm phủ mới tên Tây Ninh.

Rach TN xua 2.jpg

Rạch Tây Ninh xưa

Như vậy, năm Minh Mạng thứ 17 (năm 1836), phủ Tây Ninh chính thức được thành lập, gồm hai huyện Tân Ninh và Quang Hóa trực thuộc tỉnh Gia Định. Địa danh Tây Ninh với tư cách là một đơn vị hành chính cấp phủ lần đầu tiên có tên trên bản đồ hành chính VN.

Năm 1859, quân Pháp tiến đánh Gia Định và sau đó chiếm lấy 3 tỉnh miền Đông Nam kỳ năm 1862. Ngày 20.12.1899, chính quyền thực dân Pháp ban hành nghị định đổi tiểu khu Tây Ninh thành tỉnh Tây Ninh.

Trải qua những cuộc kháng chiến kéo dài gần 2 thế kỷ, đến nay, Tây Ninh có 8 huyện và 1 thành phố thuộc tỉnh, gồm: Trảng Bàng, Gò Dầu, Bến Cầu, Hòa Thành, Châu Thành, Dương Minh Châu, Tân Biên, Tân Châu và TP. Tây Ninh với 7 phường, 8 thị trấn và 80 xã. Cơ cấu kinh tế hiện nay của Tây Ninh vẫn là nông nghiệp, công nghiệp và thương mại dịch vụ.

Cổng TTĐT tỉnh

- Advertisement -

Tin mới nhất