Quy chế quản lý, sử dụng Bộ nhận diện thương hiệu hình ảnh tỉnh Tây Ninh
Tại phiên họp, các thành viên UBND tỉnh đã thảo luận, cho ý kiến về Bộ nhận diện thương hiệu hình ảnh Tây Ninh và Quy chế quản lý, sử dụng Bộ nhận diện thương hiệu hình ảnh tỉnh Tây Ninh.
Để bảo đảm nhận biết – đồng bộ thông điệp cốt lõi “Tây Ninh xanh” trong các chiến dịch truyền thông, các sự kiện, hoạt động cộng đồng và quảng bá sản phẩm OCOP… của tỉnh, UBND tỉnh đã xây dựng và ban hành Bộ nhận diện thương hiệu hình ảnh Tây Ninh.
Bộ nhận diện thương hiệu bao gồm logo, biểu tượng vui, hình ảnh đồ hoạ, tín hiệu đồ hoạ gồm: Căn cứ Trung ương Cục miền Nam, núi Bà Đen, Vườn quốc gia Lò Gò – Xa Mát; hồ Dầu Tiếng, Toà thánh Cao Đài Tây Ninh, Cửa khẩu quốc tế Mộc Bài và hình ảnh chủ đạo; đóng vai trò quan trọng trong việc phổ biến chuỗi giá trị bản sắc thương hiệu và thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững, được tích hợp để truyền thông trên nhiều phương tiện và kênh truyền thông, bảo đảm tính nhất quán và đồng bộ trong việc thể hiện sứ mệnh, tầm nhìn và giá trị cốt lõi của tỉnh.
Phạm vi sử dụng Bộ nhận diện thương hiệu được hệ thống hoá theo các tiêu chí về mục đích, ngữ cảnh và đối tượng, sản phẩm tiêu biểu để sử dụng độc lập hoặc kết hợp các hình ảnh nhận diện thương hiệu của tỉnh Tây Ninh.
UBND tỉnh cũng ban hành Quy chế quản lý và sử dụng Bộ nhận diện thương hiệu hình ảnh Tây Ninh để quản lý việc sử dụng, khai thác giá trị các sản phẩm trong Bộ nhận diện thương hiệu theo đúng quy định của pháp luật hiện hành, đúng mục đích truyền thông, bảo đảm yếu tố nguyên bản về màu sắc, yếu tố đồ hoạ, phát huy hiệu quả sử dụng của Bộ nhận diện thương hiệu.
Thống nhất với các thông số, đồ hoạ và hình ảnh của Bộ nhận diện thương hiệu, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc cùng đề nghị Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch (cơ quan quản lý Bộ nhận diện thương hiệu tỉnh) rà soát, hoàn thiện Quy chế quản lý, sử dụng, khai thác các giá trị trong Bộ nhận diện thương hiệu đối với các tổ chức, cá nhân đăng ký sử dụng, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, khắc phục các sai phạm trong quá trình sử dụng Bộ nhận diện; đồng thời tham mưu hướng dẫn sử dụng, phát huy giá trị của Bộ nhận diện thương hiệu của tỉnh.
Dự trù hơn 100 tỷ đồng tổ chức các hoạt động đón Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025
Tại phiên họp, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội trình UBND tỉnh xem xét Kế hoạch kinh phí và tổ chức các hoạt động đón Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025.
Với tinh thần tổ chức các hoạt động mừng Đảng, mừng Xuân với tinh thần phấn khởi, vui tươi, lành mạnh, đoàn kết, tiết kiệm, an toàn, bảo đảm trang trọng, thiết thực, bảo đảm cả hệ thống chính trị và thu hút được sự tham gia của người dân. Thông qua các hoạt động cổ vũ, tạo sự đoàn kết, phát huy sức mạnh tổng hợp, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ năm 2025 và tiếp tục triển khai kế hoạch thực hiện Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025.
Theo đó, kinh phí dự trù hơn 100 tỷ đồng cho các hoạt động đón Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025 gồm: Hoạt động tuyên truyền về truyền thống vẻ vang của Đảng Cộng sản Việt Nam, các thành tựu về kinh tế – văn hoá – xã hội của cả nước nói chung và tỉnh Tây Ninh nói riêng nhằm khơi dậy lòng yêu nước, tinh thần trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và Nhân dân, tạo không khí phấn khởi, quyết tâm thực hiện thành công nhiệm vụ năm 2025.
Công tác chỉnh trang đô thị, trang trí, chiếu sáng đường phố, tổ chức chợ hoa xuân, tổ chức chỉnh trang đô thị, trang trí, chiếu sáng các tuyến, trục đường chính, các khu vực trung tâm. Vận động tổ chức, cá nhân và các hộ gia đình thực hiện việc dọn dẹp vệ sinh, trang hoàng trụ sở, nhà cửa chào đón năm mới. Tuỳ theo điều kiện thực tế, tổ chức chợ hoa xuân.
Các hoạt động văn hoá, văn nghệ, tổ chức các đoàn biểu diễn phục vụ Nnhân dân vui xuân, đón tết, nhất là địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tổ chức các hoạt động, hội thi văn hoá, văn nghệ, thể thao phục vụ Nhân dân mừng Đảng, mừng Xuân. Các hoạt động lễ hội, họp mặt, viếng nghĩa trang liệt sĩ, thăm hỏi.
Quy định mức hỗ trợ kiêm nhiệm cho người quản lý các thiết chế văn hoá, thể thao
Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch trình dự thảo Nghị quyết sửa đổi khoản 2 Điều 1 của Nghị quyết số 24/2018/NQ-HĐND ngày 12.12. 2018 của HĐND tỉnh quy định mức hỗ trợ kiêm nhiệm cho người quản lý các thiết chế văn hoá, thể thao và kinh phí duy trì, tổ chức hoạt động của Trung tâm Văn hoá, Thể thao và Học tập cộng đồng xã, phường, thị trấn và nhà văn hoá ấp, nhà văn hoá liên ấp, nhà văn hoá dân tộc trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.
Theo dự thảo Nghị quyết, trong những năm qua, cùng với việc triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới, thiết chế văn hoá, thể thao cơ sở đã được các cấp, ngành quan tâm và đầu tư nhiều nguồn lực. Hoạt động của các trung tâm Văn hoá, Thể thao và Học tập cộng đồng, nhà văn hoá ấp từng bước thu hút người dân đến sinh hoạt, vui chơi, giải trí, luyện tập thể dục, thể thao.
Hoạt động văn hoá, thể thao tại các thiết chế này luôn được quan tâm và đạt được một số kết quả quan trọng, góp phần làm phong phú đời sống văn hoá tinh thần, tác động tích cực đến đời sống xã hội, đáp ứng nhu cầu văn hoá tinh thần của người dân.
Tuy nhiên, do quy định mức hỗ trợ theo Nghị quyết quy định “mức khung cứng”, cụ thể: theo quy định tại Nghị quyết số 24/2018/NQ-HĐND ngày 12.12.2018 của HĐND tỉnh, quy định mức kinh phí duy trì và tổ chức hoạt động đối với trung tâm Văn hoá, Thể thao và Học tập cộng đồng là 40 triệu đồng/trung tâm/năm; nhà văn hoá ấp, liên ấp là 20 triệu đồng/thiết chế/năm.
Do đó, việc phân bổ kinh phí của các địa phương thiếu tính linh hoạt, không chủ động trong việc phân bổ kinh phí hỗ trợ cho từng thiết chế cụ thể (đối với các địa phương đủ khả năng bố trí mức hỗ trợ cao hơn nhưng không thể thực hiện được). Mức hỗ trợ kinh phí giữa thiết chế hoạt động hiệu quả và thiết chế hoạt động kém hiệu quả đều thực hiện mức chi hỗ trợ bằng nhau, vì vậy, các thiết chế này chỉ tổ chức hoạt động cầm chừng để bảo đảm các chỉ tiêu theo thang bảng điểm quy định dẫn đến hiệu quả hoạt động chưa cao.
Trên cơ sở thực tế nêu trên, UBND tỉnh đề xuất xây dựng Nghị quyết sửa đổi Khoản 2 Điều 1 của Nghị quyết số 24/2018/NQ-HĐND ngày 12.12.2018 của Hội đồng Nhân dân tỉnh theo hướng giữ nguyên mức cũ (40 triệu đồng/năm/thiết chế cấp xã và 20 triệu đồng/năm/thiết chế cấp ấp), tuy nhiên không quy định theo “mức khung cứng” mà quy định theo hướng bảo đảm mức “tối thiểu” nhằm bảo đảm tính chủ động trong việc phân bổ ngân sách một cách phù hợp theo nhu cầu, tính chất hoạt động hoạt động của từng thiết chế văn hoá.
Nội dung sửa đổi như sau: mức kinh phí duy trì, tổ chức hoạt động tối thiểu. Đối với trung tâm Văn hoá, Thể thao và Học tập cộng đồng xã, phường, thị trấn, tối thiểu: 40 triệu đồng/trung tâm/năm (không bao gồm kinh phí hỗ trợ giám đốc, phó giám đốc và cộng tác viên của trung tâm).
Đối với nhà văn hoá ấp, nhà văn hoá dân tộc, tối thiểu: 20 triệu đồng/nhà văn hoá /năm; đối với nhà văn hoá liên ấp mức hỗ trợ tối thiểu: 20 triệu đồng/ấp/năm (không bao gồm kinh phí hỗ trợ chủ nhiệm nhà văn hoá ấp, nhà văn hoá liên ấp, nhà văn hoá dân tộc).
Nghị quyết áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc quản lý, sử dụng kinh phí duy trì, tổ chức hoạt động của trung tâm Văn hoá, Thể thao và Học tập cộng đồng xã, phường, thị trấn và nhà văn hoá ấp, nhà văn hoá liên ấp, nhà văn hoá dân tộc trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.
Nội dung này, Chủ tịch UBND tỉnh thống nhất, đề nghị đơn vị soạn thảo hoàn chỉnh dự thảo để trình HĐND tỉnh xem xét, sớm ban hành và triển khai, thực hiện.
Nhi Trần
Nguồn: https://baotayninh.vn/du-tru-hon-100-ty-dong-to-chuc-cac-hoat-dong-don-tet-nguyen-dan-at-ty-2025-a181599.html