Đại diện sở, ngành dự hội nghị tại điểm cầu Tây Ninh.
Tại điểm cầu Tây Ninh, dự hội nghị có ông Nguyễn Thanh Ngọc- Chủ tịch UBND tỉnh, cùng lãnh đạo các sở, ngành liên quan.
Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, đến nay danh mục các dự án mà Ban Chỉ đạo theo dõi gồm 40 dự án lớn/92 dự án thành phần trên 3 lĩnh vực: Đường bộ, đường sắt và hàng không, đi qua địa phận 48 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Thủ tướng nhấn mạnh, từ nay đến cuối năm 2025, chỉ còn khoảng 15 tháng nữa, khối lượng công việc rất lớn, cần thảo luận giải pháp đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm chất lượng các dự án; áp dụng các kinh nghiệm quý báu từ dự án đường dây điện 500 kV mạch 3.
Theo đó, cần tạo phong trào thi đua sôi nổi, cách huy động các lực lượng, tạo sức mạnh tổng hợp với cả hệ thống chính trị vào cuộc dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền, sự tham gia tích cực của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội; các nhà thầu chính huy động thêm các nhà thầu phụ để tạo việc làm, sinh kế cho người dân, doanh nghiệp và nâng cao năng lực của các nhà thầu trên địa bàn, tinh thần là “cùng làm, cùng thắng, cùng hưởng, cùng phát triển”.
Tại phiên họp, Thủ tướng Chính phủ phân tích ý nghĩa quan trọng của hạ tầng giao thông vận tải chiến lược, đặc biệt, thống kê sơ bộ cho thấy siêu bão số 3 đã gây thiệt hại khoảng 40 ngàn tỷ đồng, chúng ta phải có giải pháp bù đắp những thiệt hại này, trong đó có nhiệm vụ đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, thúc đẩy 3 đột phá chiến lược, trong đó có đột phá chiến lược về hạ tầng giao thông vận tải.
Thủ tướng khẳng định, việc triển khai các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm, quan trọng quốc gia là nhiệm vụ chính trị quan trọng, cũng là thể hiện “tình dân tộc, nghĩa đồng bào”, các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp phải tập trung làm với tinh thần, trách nhiệm vì dân, vì nước, đã nói là làm, đã cam kết phải thực hiện; biểu dương, khen thưởng những nơi làm tốt và xử lý các trường hợp trì trệ, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, không hoàn thành nhiệm vụ theo quy định của Đảng, Nhà nước.
Tại phiên họp lần thứ 13 ngày 8.8.2024, Thủ tướng Chính phủ đã giao 42 nhiệm vụ cho các bộ, ngành và địa phương trong đó tập trung vào tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ triển khai công tác giải phóng mặt bằng, cấp nguồn vật liệu xây dựng, nhất là cho các dự án giao thông trọng điểm khu vực phía nam.
Theo báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải, đến nay, các đơn vị đã hoàn thành 11 nhiệm vụ đúng thời hạn yêu cầu, đang tích cực triển khai 28 nhiệm vụ là công việc chỉ đạo, điều hành thường xuyên và 1 nhiệm vụ chưa đến hạn, chưa hoàn thành đúng hạn 2 nhiệm vụ, trong đó đã hoàn thành một số nhiệm vụ quan trọng.
Tại phiên họp, đại diện Bộ Giao thông Vận tải thông thông tin về công tác thực hiện đầu tư. Về công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), với sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, các địa phương đã tích cực triển khai và có sự chuyển biến đáng kể. Tuy nhiên, do phần diện tích còn lại chủ yếu là đất ở, việc triển khai xác định nguồn gốc, phương án đền bù phức tạp nên một số địa phương (như: Đồng Nai, Bình Dương, Khánh Hòa, Lạng Sơn) vẫn chưa đáp ứng yêu cầu.
Mặc dù việc triển khai đã có nhiều chuyển biến, nhưng vẫn chưa đáp ứng tiến độ yêu cầu. Công tác GPMB, di dời hạ tầng kỹ thuật tại một số địa phương (Đồng Nai, Khánh Hòa, Tuyên Quang, Đà Nẵng, Hưng Yên, Bình Dương, Kiên Giang, Lạng Sơn) vẫn còn khối lượng lớn cần phải quyết liệt, nỗ lực triển khai mới có thể đáp ứng tiến độ dự án.
Về vật liệu xây dựng, đối với các dự án khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ, nguồn cung cấp vật liệu đã cơ bản đáp ứng nhu cầu thi công. Các dự án khu vực phía Nam, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về giao chỉ tiêu cung ứng vật liệu cho các dự án, các địa phương đã phối hợp chủ đầu tư, nhà thầu triển khai các thủ tục liên quan đến cấp mỏ cho các dự án, tuy nhiên tiến độ triển khai còn chậm, ảnh hưởng đến tiến độ thi công.
Dự án cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu, tỉnh Đồng Nai đang triển khai, hoàn thiện các thủ tục cấp mỏ, nhưng còn chậm so với yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ.
Về công tác triển khai thi công, triển khai phong trào “500 ngày đêm thi đua hoàn thành 3.000 km đường bộ cao tốc”, Bộ Giao thông Vận tải đã phối hợp cùng các địa phương được giao làm cơ quan chủ quản rà soát kế hoạch triển khai, xây dựng tiến độ chi tiết.
Đa số các dự án có đủ nguồn vật liệu và điều kiện GPMB thuận lợi, tiến độ thi công đáp ứng yêu cầu. Một số dự án có giá trị thực hiện lớn như cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025 thi công đạt 52%, Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng đoạn qua An Giang đạt 26%, Vành đai 4 Hà Nội đoạn qua Hà Nội đạt 33%, dự án Tuyên Quang – Hà Giang đoạn qua Hà Giang đạt 35%, Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh đoạn qua Long An đạt 41%, Cao Lãnh – An Hữu đoạn qua Đồng Tháp đạt 36%, Biên Hòa – Vũng Tàu đoạn qua Bà Rịa – Vũng Tàu đạt 35%; một số dự án thành phần đang phấn đấu hoàn thành sớm từ 3 đến 6 tháng.
Phối cảnh dự án đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh – Mộc Bài. Ảnh minh hoạ
Để triển khai các dự án đúng kế hoạch đề ra, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo các bộ, ngành địa phương cần quan tâm tập trung triển khai các nhiệm vụ cụ thể như: Các địa phương phối hợp với các chủ đầu tư để xây dựng kế hoạch triển khai, tập trung vào các vị trí đường găng để ưu tiên trước; chủ động tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, tăng cường công tác dân vận để đẩy nhanh GPMB các dự án, bám sát tiến độ yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 80/CĐ-TTg, nhất là với các dự án đường bộ cao tốc có kế hoạch hoàn thành năm 2025.
Các cơ quan chủ quản chủ động trong việc tìm kiếm nguồn vật liệu phục vụ thi công các dự án đáp ứng tiến độ yêu cầu; phối hợp chặt chẽ với các địa phương có mỏ vật liệu để hoàn thiện các thủ tục cấp mỏ đảm bảo nguồn vật liệu đắp, không để ảnh hưởng đến tiến độ các dự án, nhất là Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Đồng Nai.
Đồng thời, các cơ quan chủ quản chỉ đạo các chủ đầu tư, các nhà thầu thi công phối hợp với các địa phương để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về GPMB, di dời hạ tầng kỹ thuật, cấp mỏ vật liệu xây dựng, chủ động các nguồn vật liệu đắp để không ảnh hưởng đến tiến độ đề ra; xây dựng kế hoạch tổ chức thi công hợp lý, phù hợp điều kiện GPMB, nguồn vật liệu, điều kiện thời tiết; linh hoạt tổ chức thi công phù hợp với điều kiện thời tiết các khu vực bắt đầu vào mùa mưa; xây dựng kịch bản ứng phó với thời tiết bất thường như bão, lũ, bảo đảm tuyệt đối an toàn cho người lao động, máy móc, giảm thiểu tối đa thiệt hại do bão lũ, không để việc thi công gây ngập úng, ảnh hưởng đến các khu vực lân cận.
Nhi Trần
Nguồn: https://baotayninh.vn/day-nhanh-tien-do-cac-du-an-quan-trong-quoc-gia-trong-diem-nganh-giao-thong-van-tai-a178795.html