Lão đồng chí Lê Cơ lúc sinh thời (và vợ Ðỗ Thị Ðiền, hiện đang thờ cúng ông) trồng và thu hái thuốc nam điều trị bệnh miễn phí cho người nghèo.
Trong biên bản xác nhận thành tích của các đảng viên trong lòng địch, đồng chí Phạm Việt Ngữ, nguyên Bí thư Huyện ủy Châu Thành (Tây Ninh) ghi rõ: “Thời gian 1957-1958, tôi là Huyện ủy viên phụ trách Binh vận huyện. Tháng 3/1958, ta đã tổ chức được ba cơ sở nội tuyến đầu tiên là Nguyễn Kúc, Lê Cơ, Lê Uy. Các đồng chí này trong vai trò lính nguỵ, được giao lãnh đạo tất cả các phong trào đấu tranh chống luyện tập, gây mất trật tự quân ngũ, đấu tranh đòi cải thiện đời sống, gây tâm lý bi quan trong hàng ngũ lính nguỵ thuộc Trung đoàn 39 ở Tua Hai”.
Lịch sử Ðảng bộ huyện Châu Thành ghi, ngày 10/8/1958, Ban Binh vận Huyện ủy Châu Thành đã kết nạp Ðảng cho Nguyễn Kúc, Lê Cơ, Lê Uy. Sau đó, đồng chí Nguyễn Kúc giữ chức Bí thư Chi bộ và chi bộ này được giao xây dựng, lãnh đạo chi đoàn, gây dựng thêm cơ sở để phát triển tổ chức.
Quá trình hoạt động, chi bộ đã vận động binh sĩ nguỵ hơn 200 người; báo cáo cung cấp tình hình phòng thủ địch, báo cáo luôn cả mật hiệu hằng đêm địch tuần tra canh gác, tạo điều kiện cho ta vẽ sơ đồ nghiên cứu đánh tập kích thành công căn cứ Tua Hai. Rất khó tìm được địa điểm kết nạp Ðảng cho các đồng chí này, vì họ đang là lính nguỵ, ở trong căn cứ Tua Hai, lại còn yếu tố bí mật nữa.
Giữa năm 2024, để thực hiện loạt bài kỷ niệm này, chúng tôi có dịp thăm lại lão đồng chí Lê Cơ (năm 2024, ông đã hơn 65 năm tuổi đảng, ngụ Gia Canh, Ðịnh Quán, Ðồng Nai).
Khi nghe nhắc đến Tua Hai, ông thật sự xúc động nói: “Sáng hôm đó, tôi nhận chỉ thị là trưa phải có mặt tại một địa điểm gần trung tâm thị xã. Sau đó, cơ sở đưa tôi đến một căn nhà liền kề… Ty Cảnh sát Tây Ninh. Trong nhà có sẵn một cái bàn dài, sáu cái ghế đẩu, trên vách có treo ảnh Bác Hồ và trên bàn là bình bông vạn thọ. Khi ấy chúng tôi biết nhau, mắt chúng tôi đều cay xè vì xúc động và bất ngờ vì được kết nạp Ðảng giữa tứ bề là địch, giữa cao điểm của chiến dịch “Tố Cộng, diệt Cộng” mà Mỹ-ngụy đang ra sức thi hành. Mãi mãi tôi biết ơn sự tài trí của Tỉnh ủy Tây Ninh, Huyện ủy Châu Thành!”.
Còn hồi ký của Bí thư Chi bộ Nguyễn Kúc có đoạn: “Cấp trên phân công chúng tôi vẽ sơ đồ toàn bộ khu vực bố trí quân của địch trong Tua Hai, ghi rõ vị trí chỉ huy trung đoàn, tiểu đoàn; dãy nhà sĩ quan, dãy nhà lính, kho vũ khí, nhà thông tin, điện đài. Sơ đồ này phải chỉ rõ đường vào, đường vòng tránh vọng gác, nơi có gài mìn. Nhờ vậy mà tôi biết được ban đêm thì địch thu súng lại hết của binh sĩ cất vào kho, chỉ có bọn gác mới có súng. Và cách liên lạc là sử dụng “hộp thư” mật là chiếc lon sữa bò chôn dưới gốc cây cầy”.
Theo lời lão đồng chí Lê Cơ, chi bộ sinh hoạt Ðảng bằng cách gặp mặt nhau rồi trao đổi nhanh nội dung, sau đó giải tán vì đồng chí Nguyễn Kúc lúc đó là thư ký trung đoàn, Lê Uy là lính mật mã, còn bản thân ông là lính trực tổng đài nên các tin tức quan trọng họ đều nắm được và truyền ra bên ngoài. Thêm nữa, chi bộ còn giác ngộ thêm 235 binh lính ngụy trở thành cảm tình với cách mạng, nhờ vậy khi diễn ra trận đánh căn cứ Tua Hai, số lính này chỉ ngồi yên, không chống trả.
Theo Lịch sử Ðảng bộ Tây Ninh và theo lời kể của những người trong cuộc, chi bộ đã báo cáo đồng chí Phạm Việt Ngữ xin binh biến bằng cách “đánh từ trong ra, ngoài đánh vào” nhưng Bí thư Tỉnh ủy Tây Ninh Võ Văn Truyện lúc ấy chưa duyệt vì thời cơ chưa chín muồi, và chưa thỉnh thị được với Thường vụ Xứ ủy Nam Bộ.
Ðiều này đã được đồng chí Phạm Việt Ngữ nhắc lại trong hồi ký: “Chi bộ có đề nghị phối hợp lực lượng vũ trang bên ngoài tiêu diệt căn cứ Tua Hai vì lúc đó ta còn có 30 đoàn viên và 235 binh lính cảm tình cách mạng trong lòng địch. Nhưng ngày 20/1/1959, Tỉnh ủy Tây Ninh chỉ đạo chi bộ tiếp tục mai phục chờ thời cơ. Mà thật vậy, khi đến đúng cơ hội, Tỉnh ủy Tây Ninh đã chỉ đạo cơ sở trong lòng địch vận động binh sĩ ngụy trong Trung đoàn 32 về quê ăn Tết để làm suy yếu chúng nên một phần lớn cảm tình cách mạng bỏ về nhà, một phần ở lại đã không chống trả khi ta đánh căn cứ Tua Hai ngày 26/1/1960”.
Theo Lịch sử Quân sự Quân khu 7, căn cứ Tua Hai được quân ngụy Sài Gòn chọn làm vị trí đóng quân của Trung đoàn 32 nhằm kiểm soát, kìm kẹp phong trào cách mạng ở Tây Ninh. Căn cứ Tua Hai được xây dựng trên một khu đất bằng, cấu trúc hình vuông mỗi cạnh dài khoảng 800m, chung quanh có tường thành bao bọc; được địch canh phòng với hàng chục vọng gác và ụ chiến đấu, quân số thường xuyên của Trung đoàn 32 lên tới 1.694 tên được trang bị vũ khí hiện đại.
Thực hiện nhiệm vụ của Xứ ủy Nam Bộ cần tập trung lực lượng đánh một trận lớn để mở màn phong trào vũ trang đồng khởi ở miền Ðông Nam Bộ, phương án tác chiến là dựa vào thông tin cơ sở trong lòng địch rồi sử dụng lực lượng đặc công, bí mật đột nhập dùng trái nổ diệt sở chỉ huy, đồng thời các đơn vị bộ binh đồng loạt xung phong trên các hướng tiêu diệt các mục tiêu còn lại.
Trận đánh Tua Hai có tổng quân số 225 cán bộ, chiến sĩ và 300 dân công phục vụ mục đích chủ yếu “chiếm đoạt vũ khí”. Và trận tiến công căn cứ Tua Hai là trận đánh giành thắng lợi vang dội nhất ở chiến trường miền Ðông Nam Bộ từ sau năm 1954 đến năm 1960, có tác động mạnh mẽ, mở màn cao trào Ðồng khởi ở Ðông Nam Bộ.
Ðến nay, chi bộ trong lòng địch ngày nào… đã không còn một ai. Lão đồng chí Lê Cơ vừa mất ngày 5/10 âm lịch năm Giáp Thìn 2024 và đã hiến xác cho khoa học. Các đồng chí Nguyễn Kúc, Lê Uy đều đã mất vì di chứng tàn bạo của địch. 65 năm trôi qua, lịch sử đã ghi nhớ sự kiện đặc biệt Chiến thắng Tua Hai như một mốc son chói lọi, tôn vinh xứng đáng vai trò của chi bộ Ðảng đầu tiên trong căn cứ Tua Hai và cá nhân từng đảng viên, từng con người. Bởi khi biết và tôn trọng quá khứ, trân trọng tiền nhân, chúng ta mới có tương lai thật sự tươi sáng!
Nguồn NDO
Nguồn: https://baotayninh.vn/chi-bo-bi-mat-trong-long-dich-a185606.html