Powered by Techcity

Cầu nối đưa di sản đến gần với cộng đồng


Văn hoá không chỉ là sợi dây gắn kết cộng đồng mà còn là cầu nối giúp các giá trị truyền thống vươn xa. Tây Ninh, miền đất thiêng của văn hoá và tín ngưỡng, tự hào lưu giữ những di sản văn hoá phi vật thể độc đáo. Những di sản này không chỉ phản ánh tâm hồn, bản sắc vùng đất mà còn mang trong mình giá trị tinh thần và tài sản văn hoá vô giá được các thế hệ nâng niu, bồi đắp và gìn giữ.

Trong dòng chảy hiện đại, việc phát huy giá trị di sản để văn hoá trở thành nguồn lực phát triển đã trở thành trọng trách chung của cả cộng đồng. Với vai trò giữ lửa cho văn hoá truyền thống, Trung tâm Văn hóa tỉnh đã trở thành cầu nối, đưa những câu chuyện di sản đến gần hơn với cộng đồng, để di sản tiếp tục tỏa sáng trong dòng chảy đương đại.

Những di sản trong lòng quê hương

Tây Ninh, nơi giao hòa giữa văn hoá và tín ngưỡng, không chỉ nổi tiếng với những cảnh quan thiên nhiên mà còn tự hào là vùng đất của các di sản văn hoá phi vật thể độc đáo. Những giá trị ấy không chỉ là dấu ấn của lịch sử, mà còn là hơi thở của đời sống văn hoá hiện tại, mang đến sự gắn kết cộng đồng và nuôi dưỡng bản sắc quê hương.

Nổi bật trong bức tranh văn hoá là Đờn ca tài tử – loại hình nghệ thuật đã được UNESCO vinh danh – là sợi dây kết nối giữa quá khứ và hiện tại. Với từng giai điệu sâu lắng, lời ca mộc mạc, Đờn ca tài tử không chỉ phản ánh đời sống tinh thần của người dân Nam Bộ mà còn là ngôn ngữ nghệ thuật để bày tỏ tâm tư, tình cảm. Tại Tây Ninh, Đờn ca tài tử là hoạt động thường xuyên trong các lễ hội, sự kiện cộng đồng, góp phần làm phong phú thêm đời sống văn hoá địa phương.

Tiếng trống Chhay Dăm rộn ràng vang trên sân khấu miền Bắc.

Hòa cùng nhịp sống văn hoá của đa dân tộc, múa trống Chhay-dăm hiện diện như biểu tượng của sự gắn bó cộng đồng. Những tiếng trống rộn ràng, hoà cùng động tác múa mạnh mẽ, không chỉ mang lại không khí sôi động cho các lễ hội mà còn thể hiện sức sống mãnh liệt của văn hoá dân gian và là phương tiện truyền tải những giá trị tinh thần đoàn kết trong cộng đồng người Khmer tại Tây Ninh.

Không chỉ dừng lại ở nghệ thuật trình diễn, Tây Ninh còn nổi tiếng với những nghề truyền thống như làm nhang, làm bánh tráng phơi sương Trảng Bàng, làm muối ớt, chế biến món chay đã trở thành những nét đặc sắc góp phần khẳng định bản sắc văn hóa Tây Ninh. Những nghề này không chỉ gắn liền với sinh kế của người dân mà còn chứa đựng giá trị văn hóa, tinh thần, phản ánh sự khéo léo và sáng tạo trong lao động của cộng đồng.

Trao cờ thi đua cho các đơn vị tham gia Hội diễn nghệ thuật quần chúng “Công – Nông – Binh”.

Những giá trị văn hóa ấy còn được tôn vinh qua các lễ hội truyền thống như lễ vía Bà, lễ hội Đình Kỳ Yên hay lễ Quan lớn Trà Vong là những dịp quan trọng để cộng đồng cùng nhau tưởng nhớ tổ tiên, bày tỏ lòng biết ơn và cầu nguyện cho cuộc sống ấm no, bình an. Những lễ hội này không chỉ làm phong phú thêm đời sống tín ngưỡng mà còn tạo cơ hội để thế hệ trẻ tiếp cận, hiểu và tự hào về cội nguồn văn hóa.

Tầm quan trọng của những di sản này không chỉ nằm ở giá trị nghệ thuật mà còn ở vai trò gắn kết cộng đồng, nuôi dưỡng lòng tự hào và ý thức bảo tồn. Sự hoà quyện này tạo nên một Tây Ninh đa dạng về văn hoá, nơi di sản còn là nguồn động lực cho sự phát triển toàn diện của cộng đồng.

Lan toả nét đẹp văn hoá

Để giữ gìn và phát huy những giá trị văn hoá truyền thống, Trung tâm Văn hoá tỉnh không ngừng nỗ lực chuyển thể các di sản dưới hình thức tác phẩm nghệ thuật để đến gần hơn với mọi tầng lớp nhân dân. Từ những buổi biểu diễn lưu động ở vùng sâu, vùng biên giới đến các sự kiện nghệ thuật quy mô lớn, những tiếng đàn, lời ca, điệu múa đã vượt qua khoảng cách địa lý, thời gian để chạm vào trái tim của cộng đồng.

Bà Hàng Thị Quý Tâm, Giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh Tây Ninh, chia sẻ: “Chúng tôi luôn cố gắng mang nghệ thuật đến với mọi người, đặc biệt là những nơi còn hạn chế về điều kiện thưởng thức văn hoá. Các tiết mục không chỉ để phục vụ khán giả, mà còn góp phần giữ gìn và lan toả giá trị của di sản.”

Những tiết mục nghệ thuật trở thành cầu nối, đưa di sản đến với cộng đồng.

Đội Tuyên truyền chiếu phim lưu động, với hơn 100 suất diễn trong năm qua, đã đem đến các tiết mục đờn ca tài tử, ca cổ đến với cán bộ chiến sĩ và đồng bào vùng sâu, vùng biên giới. Những giai điệu mộc mạc nhưng sâu sắc ấy không chỉ là món ăn tinh thần mà còn chứa đựng thông điệp tuyên truyền ý nghĩa.

Ông Lê Văn Minh (huyện Châu Thành), xúc động chia sẻ: “Nghe những bài ca tài tử, tôi thấy lòng mình như lắng lại. Đây không chỉ là những giai điệu quen thuộc của quê hương mà còn là niềm tự hào của dân tộc.”

Một điểm nhấn khác trong hành trình lan toả văn hoá là Liên hoan Đờn ca tài tử Nam bộ tỉnh Tây Ninh năm 2024, quy tụ hơn 100 tài tử đờn và ca từ khắp các huyện, thị xã. Những ngày hội ngộ ấy, tiếng đàn, giọng ca khơi gợi bao cảm xúc thân thương, làm sống dậy tình yêu quê hương trong lòng những người con Tây Ninh.

Trao giải Hội diễn nghệ thuật quần chúng “Công – Nông – Binh”.

Đờn ca tài tử còn được lồng ghép vào Hội diễn nghệ thuật quần chúng Công – Nông – Binh năm 2024, mở ra cơ hội tiếp cận di sản cho các diễn viên quần chúng, học sinh, sinh viên, cán bộ và lực lượng vũ trang, giúp lan tỏa tình yêu nghệ thuật đến với nhiều tầng lớp khán giả.

Nhờ sự đồng lòng của Trung tâm Văn hóa tỉnh và sự tham gia nhiệt huyết của cộng đồng, Đờn ca tài tử được bảo tồn, gìn giữ trong đời sống hiện đại, góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần của người dân.

Để di sản cất cánh, vươn xa

Trong năm 2024, những bước chân nghệ thuật của Trung tâm Văn hoá tỉnh đã đi xa hơn, mang theo hơi thở di sản và vẻ đẹp văn hoá độc đáo của địa phương đến với các khán giả trong nước.

Tham gia Hội diễn Tiếng hát Miền Đông tại Bình Thuận là một trong những kỷ niệm đáng nhớ nhất của các nghệ sĩ. Với hơn 100 tiết mục được trình diễn và truyền hình trực tiếp, hội diễn không chỉ là cơ hội để các đoàn nghệ thuật khu vực giao lưu mà còn là nơi để di sản văn hoá miền Đông được lan tỏa mạnh mẽ. Đoàn Tây Ninh đã để lại dấu ấn sâu sắc với các tiết mục được chắt lọc kỹ lưỡng, phản ánh chiều sâu đời sống tinh thần, nét đẹp lao động và truyền thống văn hoá của người dân Tây Ninh qua nhiều thế hệ.

Những tác phẩm như “Hương Tây Ninh” – đạt Huy chương Vàng đã tái hiện sinh động hình ảnh làng nghề làm nhang vừa được công nhận Di sản Văn hoá phi vật thể cấp quốc gia. Diễn viên trẻ Hoài An xúc động chia sẻ: “Em rất hạnh phúc khi được góp phần vào thành công của đoàn và mang hình ảnh quê hương mình đến với khán giả bằng tất cả cảm xúc chân thành.” Bên cạnh đó, tiết mục “Tự hào chiến khu xưa” – đạt Huy chương Vàng trong hạng mục Trình diễn Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ là sự phối hợp nhịp nhàng và cảm xúc chân thật của Nghệ sĩ ưu tú Anh Thư và nghệ sĩ Đông Dương, mang đến cho khán giả những giây phút xúc động.

Đờn ca tài tử Tây Ninh biểu diễn tại Tuần lễ Văn hoá Du lịch Bắc Ninh.

Không dừng lại ở miền Đông, hành trình di sản Tây Ninh tiếp tục ghi dấu ấn tại Tuần lễ Văn hoá Du lịch Bắc Ninh. Tại chương trình “Sắc màu di sản”, đoàn nghệ sĩ Tây Ninh đã góp mặt với các tiết mục Đờn ca tài tử và Múa trống Chhay Dăm – hai di sản đặc sắc gắn liền với hồn cốt văn hoá Tây Ninh.

Ông Nguyễn Nam Giang, Phó Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch nhấn mạnh: “Sắc màu di sản là chương trình đặc sắc hội tụ ba di sản văn hoá độc đáo của ba miền Bắc – Trung – Nam. Tham gia sự kiện này là cơ hội quý báu để chúng giới thiệu nét đẹp văn hoá của mình đến với khán giả miền Bắc, qua đó lan tỏa giá trị của những di sản quý giá mà Tây Ninh đang nỗ lực bảo tồn và phát huy.”

Nghệ sĩ ưu tú Anh Thư, tham gia biểu diễn tại Bắc Ninh bày tỏ: “Lần đầu tiên biểu diễn tại đây, tôi rất hạnh phúc khi thấy khán giả miền Bắc yêu thích nghe Đờn ca tài tử, vọng cổ và xem Múa trống Chhay Dăm. Hy vọng thông qua các hoạt động văn hoá sẽ là cầu nối để du khách tìm đến Tây Ninh.”

Những thành công ấy không chỉ thể hiện nỗ lực của Trung tâm Văn hoá tỉnh trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản, mà còn minh chứng cho sức hút của văn hoá truyền thống trong dòng chảy hiện đại, trở thành niềm tự hào không chỉ của người Tây Ninh mà còn của cả đất nước.

Hoà Khang – Hồng Thanh



Nguồn: https://baotayninh.vn/bai-1-cau-noi-dua-di-san-den-gan-voi-cong-dong-a184359.html

Cùng chủ đề

Giá heo hơi hôm nay 15/1/2025: Biến động trái chiều

Khu vực miền Bắc Giá heo hơi hôm nay (15/1/2025) tại khu vực miền Bắc bất ngờ quay đầu giảm 1.000 đồng/kg tại các tỉnh thành như Hưng Yên, Hải Dương, Phú Thọ, Vĩnh Phúc và Hà Nội. Mức giá bình quân được đưa mốc 69.000 đồng/kg, thấp nhất là 68.000 đồng và cao nhất là 70.000 đồng. Trong đó, các tỉnh như Thái Bình, Tuyên Quang giữ giá heo hơi cao nhất cả nước với 70.000 đồng/kg. Khu vực miền Trung...

Cùng tác giả

Giá heo hơi hôm nay 15/1/2025: Biến động trái chiều

Khu vực miền Bắc Giá heo hơi hôm nay (15/1/2025) tại khu vực miền Bắc bất ngờ quay đầu giảm 1.000 đồng/kg tại các tỉnh thành như Hưng Yên, Hải Dương, Phú Thọ, Vĩnh Phúc và Hà Nội. Mức giá bình quân được đưa mốc 69.000 đồng/kg, thấp nhất là 68.000 đồng và cao nhất là 70.000 đồng. Trong đó, các tỉnh như Thái Bình, Tuyên Quang giữ giá heo hơi cao nhất cả nước với 70.000 đồng/kg. Khu vực miền Trung...

Cùng chuyên mục

Tin nổi bật

Tin mới nhất