Sau phiên khai mạc, Quốc hội tiến hành thảo luận tại Tổ đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội và Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi). Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh thảo luận Tổ cùng các Đoàn ĐBQH: Đà Nẵng, Sơn La và Long An.
Góp ý đối với Quốc hội và Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi), đại biểu Hoàng Thị Thanh Thuý– Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, bổ sung loại văn bản quy phạm pháp luật cụ thể mà chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt được ban hành tại khoản 12, Điều 4 vì dự thảo quy định có các loại văn bản quy phạm pháp luật và chủ thể có quyền ban hành. Tuy nhiên, đối với chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt, dự thảo không quy định cụ thể loại hình văn bản quy phạm pháp luật nào được ban hành mà chỉ nói chung chung.
Bên cạnh đó, tại khoản 1 Điều 22 cũng quy định chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo quy định của Luật này và các luật khác có liên quan, nhưng cũng không nói rõ được chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt ban hành văn bản quy phạm pháp luật bằng quyết định hay nghị quyết.
Về nguyên tắc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật (Điều 5), tại khoản 4, đại biểu Hoàng Thị Thanh Thuý đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu quy định cụ thể, rõ hơn đối với nội dung đoạn “bảo đảm dân chủ, công bằng, nhân đạo, công khai, minh bạch, khoa học, ổn định, khả thi, hiệu quả”. Đại biểu cho rằng quy định này chỉ liệt kê các tính từ như “công khai”, “minh bạch”, “khoa học”… dẫn đến làm cho nội dung nguyên tắc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật chưa được rõ nghĩa.
Do đó, đại biểu Thuý đề nghị 2 nguyên tắc cụ thể sau: thứ nhất, bảo đảm tính công bằng, minh bạch, khả thi, hiệu quả, ổn định trong quy định của văn bản quy phạm pháp luật; thứ hai, bảo đảm tính công khai, dân chủ trong quá trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Cũng tại khoản 4 dự thảo này, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo xem xét bỏ các từ “nhân đạo”, “kịp thời”. Vì theo đại biểu từ “nhân đạo” mang hàm ý quá rộng nên không bảo đảm được tính khả thi trong quá trình thực hiện. Mặt khác, tại khoản này đã có quy định nội dung “Tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân”. Đối với từ “kịp thời” tại khoản 5 Điều 4 dự thảo Luật đã có nội dung quy định về nguyên tắc “kịp thời giải quyết vấn đề bất cập, phát sinh từ thực tiễn”.
Tại Điều 7 quy định về văn bản quy phạm pháp luật sử dụng ngôn ngữ là tiếng Việt, bảo đảm chính xác, phổ thông, thống nhất… đại biểu Thuý cho rằng “thống nhất” là thống nhất với cái gì chưa rõ, đề nghị là thống nhất về cách hiểu, cần ghi rõ.
Tại Điều 8, đại biểu Thuý đề nghị gom khoản 1, khoản 2 thành 1 khoản quy định về văn bản quy phạm pháp luật được sửa đổi, bổ sung, thay thế, bị bãi bỏ nhằm tinh gọn các khoản và dễ hiểu.
Điều 26 quy định về điều chỉnh chương trình lập pháp hằng năm, đại biểu Thuý đề nghị quy định rõ điều kiện, nguyên tắc để thực hiện điều chỉnh, tránh việc thực hiện tuỳ nghi.
Cùng góp ý đối với dự án Luật này, đại biểu Huỳnh Thanh Phương– Bí thư Huyện uỷ Gò Dầu đề nghị xem xét lại trình tự xem xét, thông qua dự thảo Luật, Nghị quyết được quy định tại Điều 40, Điều 41 đối với vấn đề thảo luận tại hội trường và thảo luận tại Tổ, đề nghị chỉ thảo luận ở hội trường những vấn đề chưa rõ, cần xin ý kiến; vì thực tế hiện nay, đa số ý kiến các đại biểu phát biểu thảo luận tại Tổ và hội trường đều bị trùng lặp và các vấn đề thảo luận góp ý là các vấn đề đã rõ gây mất thời gian.
Đại biểu Phương đề nghị các Uỷ ban được giao thẩm tra, khi thẩm tra cần thông báo rộng rãi các đại biểu Quốc hội, đại biểu nào quan tâm thì cùng dự họp để có ý kiến góp ý, sau đó chốt vấn đề đã rõ, vấn đề chưa rõ để đại biểu tập trung phát biểu tại hội trường, khi thảo luận tại hội trường nếu đồng thuận thì thông qua, không thì thực hiện theo quy trình được quy định tại Điều 40, 41; như vậy góp phần tiết kiệm thời gian và nâng cao chất lượng góp ý.
Tại Điều 67 dự thảo luật quy định về trách nhiệm xin ý kiến các cơ quan có thẩm quyền của Đảng, đại biểu Phương cho rằng quy định này cần cân nhắc thêm, có nên luật hoá hay không, bởi lẽ các hoạt động của Đảng lãnh đạo toàn diện và đã có các quy định riêng của Đảng, tránh chồng chéo chức năng, nhiệm vụ của Đảng và của Nhà nước…
Đồng thời, đại biểu cũng đồng thuận với báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Pháp luật, dự thảo Luật lần này có 8 chương, 72 điều, giảm 101 điều nhưng báo cáo, tờ trình chưa đánh giá rõ vì sao giảm nhiều như vậy, những ưu điểm hạn chế của việc giảm các điều luật.
Đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội, các đại biểu thống nhất không có ý kiến góp ý.
KC (lược ghi)
Nguồn: https://baotayninh.vn/dai-bieu-huynh-thanh-phuong-can-doi-moi-trinh-tu-xem-xet-thong-qua-du-thao-luat-nghi-quyet-cua-qu-a186005.html